Nâng cao hiệu quả quản lý dự án trọng điểm quốc gia từ kiến nghị kiểm toán

(Banker.vn) Từ kiến nghị kiểm toán, các đơn vị đã tiếp thu, rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả công tác quản lý những dự án trọng điểm quốc gia.
Bài 1: Quyết xử lý dứt điểm các kiến nghị kiểm toán tồn đọng Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện kiến nghị kiểm toán: Cần giải pháp mang tính tổng thể Quyết liệt thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán để khơi thông "điểm nghẽn"

Phát hiện sớm và chấn chỉnh kịp thời các sai sót

Là một trong những đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thuộc top đầu của ngành giao thông, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long - Hồ Ngọc Loan cho biết, năm 2023, Ban Quản lý dự án Thăng Long được giao 9.580 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân trên 98%. Trong đó, riêng 2 dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng phấn đấu cơ bản giải ngân hết 100% kế hoạch vốn giao.

Xác định vai trò quan trọng của hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia đến phát triển kinh tế - xã hội vùng và đất nước, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đã tập trung chỉ đạo để chuẩn bị, triển khai tốt các dự án từ sớm. Theo đó, Ban đã chủ động thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án; chỉ đạo, điều hành các dự án thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng cũng như công tác giải ngân kế hoạch vốn được giao và hoàn thành công tác quyết toán các dự án hoàn thành.

“Ngay từ đầu năm, đơn vị đã chú trọng xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết, đảm bảo tiến độ từng gói thầu, từ đó tổng hợp, đánh giá và nhận diện những diễn biến tốt cũng như phát hiện những vướng mắc cần xử lý ngay để đảm bảo việc thi công liền mạch” - ông Hồ Ngọc Loan cho hay.

Bên cạnh đó, các công tác như: Xử lý hồ sơ, nghiệm thu, thanh toán khối lượng thực hiện, hồ sơ quản lý chất lượng và công tác phối hợp nghiệm thu được triển khai rất quyết liệt. Bộ phận điều hành dự án luôn bám sát, theo dõi các chỉ số này hằng tuần để đảm bảo tiến độ giải ngân. Ngoài ra, cán bộ Ban Quản lý dự án còn phối hợp chặt chẽ với địa phương làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, từ đó thúc đẩy tiến độ thi công và giải ngân vốn.

Nâng cao hiệu quả quản lý dự án trọng điểm quốc gia từ kiến nghị kiểm toán
Các dự án trọng điểm do Ban Quản lý dự án Thăng Long thực hiện đều đang giải ngân vượt tiến độ

Theo thống kê, đến ngày 1/4, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã giải ngân vốn đầu tư công được 1.044,815 tỷ đồng, đạt 23,6% kế hoạch vốn năm 2024, vượt giải ngân 91,622 tỷ đồng, tương đương 9,6% kế hoạch vốn đã đăng ký giải ngân. Trong đó, một số dự án vượt giải ngân như: Bãi Vọt - Hàm Nghi đạt 40,398 tỷ đồng; Hàm Nghi - Vũng Áng đạt 43,107 tỷ đồng; Phan Thiết - Dầu Giây đạt 9,135 tỷ đồng. Dự kiến tháng 4/2024, Ban sẽ tiếp tục giải ngân 281,47 tỷ đồng, ước đạt 30% kế hoạch vốn năm 2024.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long khẳng định, ngoài nỗ lực của đơn vị, những kết quả đạt được trong thời gian qua còn có sự đóng góp quan trọng của Kiểm toán nhà nước. Từ các kiến nghị kiểm toán, đơn vị đã tiếp thu, rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả công tác quản lý dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia.

“Trong suốt quá trình làm việc với Kiểm toán nhà nước, chúng tôi đánh giá rất cao những đóng góp của Kiểm toán nhà nước đối với đơn vị, đặc biệt là trong công tác quản lý dự án. Qua công tác kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã có những kết luận, kiến nghị giúp cho công tác quản lý tài chính công, tài sản công và các vấn đề khác của đơn vị được thực hiện đúng quy định của pháp luật; giúp cho việc sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước được minh bạch, công khai, hiệu quả” - ông Hồ Ngọc Loan đánh giá.

Đặc biệt, từ những kiến nghị được Kiểm toán nhà nước chỉ ra đã giúp đơn vị có thêm những nhìn nhận khách quan, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý dự án, trên cơ sở tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước cũng nhìn nhận những bất cập trong cơ chế, chính sách để cùng với ngành giao thông, các cơ quan chức năng sửa đổi, hoàn thiện, trong đó có các bất cập về tiêu chuẩn, định mức, đơn giá…

“Chúng tôi luôn trân trọng và đánh giá cao sự vào cuộc của các cơ quan kiểm tra, trong đó có Kiểm toán nhà nước. Về phần mình, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long đã chỉ đạo các bộ phận chức năng, đề nghị các nhà thầu phối hợp chặt chẽ với Đoàn kiểm toán ngay trong quá trình kiểm toán cũng như thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước. Đến thời điểm này, Ban đã cơ bản hoàn thành việc thực hiện các kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán ban hành trước đó” - ông Hồ Ngọc Loan nói.

Nâng cao hiệu quả quản lý dự án trọng điểm quốc gia từ kiến nghị kiểm toán
Kiểm toán nhà nước đồng hành hiện thực hóa các dự án, chương trình trọng điểm

Chú trọng thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2024, Ban Quản lý dự án sẽ chú trọng đẩy mạnh đổi mới trong thực thi nhiệm vụ; ứng dụng công nghệ mới trong quản lý, điều hành dự án… Bởi đây chính là cách thiết thực nhất để nâng cao năng lực, hiệu quả công tác trước khối lượng công việc ngày càng lớn, thách thức ngày càng tăng.

Song hành với đó, Ban luôn đặt công tác phòng, chống tiêu cực, thất thoát, lãng phí tài sản lên hàng đầu. Theo đó, Ban sẽ kiểm soát chặt chẽ ngay từ những bước đầu triển khai thực hiện dự án; chỉ tổ chức nghiệm thu, thanh toán các hạng mục đảm bảo chất lượng yêu cầu.

“Ban Quản lý dự án Thăng Long cũng luôn chú trọng đến việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của các nhà thầu và rút ra bài học kinh nghiệm để chấn chỉnh đối với các dự án sau” - ông Hồ Ngọc Loan khẳng định.

Đồng thời cho biết, trong năm 2024, Kiểm toán nhà nước sẽ kiểm toán một số dự án do Ban quản lý, trong đó có dự án thành phần cao tốc Bắc Nam như: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Mai Sơn - Quốc lộ 45 và nhiều dự án trọng điểm khác như: Phan Thiết - Dầu Giây, xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường Vành đai III TP. Hà Nội…

“Với khối lượng công việc rất lớn, Ban đã tích cực vào cuộc ngay từ sớm để chuẩn bị cho dự án cũng như kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh. Do đó, chúng tôi rất mong Kiểm toán nhà nước vào kiểm toán sớm, ngay từ đầu để có thể giúp đơn vị sớm nhìn nhận ra những vấn đề vướng mắc và có những khuyến nghị để Ban cũng như nhà thầu điều chỉnh kịp thời. Điều này không chỉ giúp phát hiện sớm và chấn chỉnh kịp thời các sai sót mà việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán cũng thuận lợi hơn rất nhiều khi dự án đang thực hiện, hợp đồng chưa kết thúc. Bởi trên thực tế, một số dự án đã hoàn thành và quyết toán trước khi Kiểm toán nhà nước vào kiểm toán nên việc giảm trừ thanh toán và thu hồi nộp ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn” - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long đề nghị.

Để phát huy giá trị của hoạt động kiểm toán đối với công tác đầu tư dự án, ông Hồ Ngọc Loan cũng bày tỏ mong Kiểm toán nhà nước chú trọng kiểm toán đối với các dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư. Trong đó, Kiểm toán nhà nước cần tập trung đánh giá sự cần thiết đầu tư, quy mô và nội dung đầu tư; đánh giá hiệu quả, tác động đối với kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tới môi trường và các yếu tố khác khi dự án được chấp thuận đầu tư…

Lê Na

Theo: Báo Công Thương