Nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, hướng tới phát triển bền vững

(Banker.vn) Hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với thách thức đòi hỏi một chiến lược phát triển ổn định và bền vững với vai trò ngày càng được kỳ vọng của Hội đồng Quản trị (HĐQT). Xét đến cùng, để nâng cao chất lượng quản trị, tăng cường hiệu quả kinh doanh và kiểm soát tốt rủi ro, tất cả đều nằm ở năng lực của đội ngũ quản trị.

Theo số liệu mới nhất từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2023 có gần 172.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,5% so với năm 2022, cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới khoảng 13.400 doanh nghiệp. Bình quân mỗi tháng, có hơn 14.383 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Những con số “biết nói” này đã phản ánh khó khăn chung của nền kinh tế cũng như thách thức đặt ra đối với đội ngũ quản trị, lãnh đạo doanh nghiệp.

Nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, hướng tới phát triển bền vững

Nhân dịp năm mới, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sinh Dũng Thắng - Chủ tịch Hội Thành viên Độc lập Hội đồng Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VNIDA) quanh câu chuyện nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả kinh doanh và kiểm soát tốt rủi ro giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

PV: Trên cương vị Chủ tịch VNIDA và là người có “nghề quản trị doanh nghiệp”, ông đánh giá thế nào về chất lượng quản trị tại các doanh nghiệp Việt trong năm vừa qua ?

Ông Nguyễn Sinh Dũng Thắng: Nhìn lại năm 2023, khi ảnh hưởng của dịch COVID-19 vẫn còn hiện hữu thì các vấn đề quốc tế như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, biến đổi khí hậu, lãi suất và lạm phát tăng cao tại nhiều nước gây giảm sức mua đã đẩy doanh nghiệp Việt Nam vào một tình thế khó khăn chồng chất với nhiều yếu tố khó đoán định.

Những con số mà Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đưa ra mới đây là minh chứng xác thực nhất. Các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức, đòi hỏi một chiến lược phát triển ổn định và bền vững với vai trò ngày càng được kỳ vọng của HĐQT.

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, nếu so với những nền kinh tế tiên tiến, chất lượng quản trị doanh nghiệp Việt Nam đang ở mức khá thấp. Thực tế, theo Báo cáo Thẻ điểm quản trị công ty các nước ASEAN, chất lượng quản trị doanh nghiệp của Việt Nam hiện đang ở vị trí khá thấp trong số các nước tham gia đánh giá. Đơn cử, theo số liệu điểm quản trị công ty năm 2021 so với điểm của Thái Lan là 102,27 thì của Việt Nam là 57,6.

PV: Theo ông, đâu là những vấn đề trọng tâm mà đội ngũ quản trị doanh nghiệp cần cải thiện để nâng cao hiệu quả kinh doanh, kiểm soát rủi ro của doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Sinh Dũng Thắng: Như tôi có chia sẻ, năm qua, sự gia tăng số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã thể hiện những vấn đề còn tồn tại trong hoạt động quản trị. Để cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp, vấn đề đầu tiên là nâng cao nhận thức về quản trị, lựa chọn thành viên HĐQT có Tố chất và Phẩm chất; Kiến thức; Kỹ năng phù hợp với doanh nghiệp đồng thời đạt các tiêu chuẩn.

Ông Nguyễn Sinh Dũng Thắng - Chủ tịch VNIDA.
Ông Nguyễn Sinh Dũng Thắng - Chủ tịch VNIDA.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, để đánh giá chất lượng quản trị của một doanh nghiệp là cao hay thấp, cần căn cứ vào nhiều yếu tố. Chất lượng quản trị cao không chỉ đơn thuần nằm ở việc doanh nghiệp kiếm được nhiều tiền hay không mà còn phải gắn với kiểm soát rủi ro và phát triển bền vững.

Trong nền kinh tế thị trường, biến động là điều tất yếu và nền kinh tế thì có tính chu kỳ, có khi thuận, có khi không. Đơn cử như trong năm vừa qua, rõ ràng, bối cảnh kinh doanh là không thuận. Thời điểm này, không thể kỳ vọng kết quả kinh doanh quá cao, mà quan trọng là làm thế nào để doanh nghiệp “sống” được, tồn tại được và bảo toàn năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm thế nào để khi bước vào chu kỳ mới có “đủ sức” bật lên.

Do còn thiếu nhận thức về quản trị, mới chỉ tập trung về quản lý mà thiếu đi tầm nhìn bao quát về biến động thị trường lớn, quản trị rủi ro, các vấn đề chiến lược chưa được đánh giá cao nên khi bước vào chu kỳ với hàng loạt các biến động về địa chính trị, chuỗi cung ứng, cạnh tranh như năm vừa qua, các doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng rất nhiều, không đủ “sức chống chịu” và phải rời cuộc chơi.

Bên cạnh đó, cần tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật và các thông lệ tiên tiến về quản trị doanh nghiệp. Báo cáo của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) tháng 12 vừa qua đã chỉ ra nhiều vi phạm và tồn tại về quản trị doanh nghiệp như: Vi phạm về công bố thông tin, vi phạm về số lượng thành viên độc lập HĐQT, thiếu vắng các chính sách quản trị như bộ quy tắc ứng xử, chính sách báo cáo sai phạm,…

Theo tôi, các doanh nghiệp cần “bắt tay” cải thiện sớm những vấn đề nêu trên, đồng thời chủ động thực hiện khuyến nghị của các tổ chức quản trị chuyên nghiệp trong và ngoài nước như Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) hay VNIDA. Tại các quốc gia trên thế giới, các doanh nghiệp quản trị tốt đã vượt trên cả sự tuân thủ và khung khổ pháp lý chỉ là mức tối thiểu để họ dựa theo để thực hiện. Bản thân VNIDA, với sứ mệnh thúc đẩy các thông lệ tốt nhất về quản trị công ty, đã ra sách trắng về quản trị doanh nghiệp, dựa trên khuyến nghị của OECD và UBCKNN.

Tiếp theo đó, đội ngũ quản trị cần chú trọng xây dựng chiến lược, quản trị rủi ro, từ đó trở nên “mạnh mẽ” hơn và có thể vững vàng vượt qua sóng gió của thị trường.

PV: Như ông vừa chia sẻ, các tổ chức quốc tế như OECD hoặc IFC đã đưa ra các thông lệ trong quản trị công ty để doanh nghiệp tham chiếu và thực hành. Theo ông, đâu là những xu hướng mới trong quản trị doanh nghiệp mà doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm?

Ông Nguyễn Sinh Dũng Thắng: Phát triển bền vững gắn với ba yếu tố: Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG) là xu hướng nổi bật nhất trong quản trị doanh nghiệp hiện nay và được lồng ghép vào rất nhiều khuyến nghị. Cách đây không lâu, OECD đã ban hành và cập nhật chương mới trong bộ nguyên tắc quản trị công ty năm 2023 - Sustainability and Resilience (phát triển bền vững và khả năng chống chọi rủi ro) - tích hợp 3 trụ cột ESG vào nguyên tắc quản trị công ty. Đây là “tín hiệu” để doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị lộ trình thúc đẩy thực hành mục tiêu phát triển bền vững cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Theo tôi, không chỉ là vấn đề danh tiếng, ESG gắn liền với sự tăng trưởng ổn định, doanh thu công ty, lợi nhuận dài hạn của doanh nghiệp và khả năng thu hút nhà đầu tư. Các doanh nghiệp muốn kiếm được nhiều tiền, tất nhiên phải “chơi” với những người nhiều tiền. Nhưng những người này thì họ ở đâu? Họ ở một khu vực “cao cấp” đã được “quây rào” và ESG lại chính là chiếc “thẻ ra vào” khu vực này. Điều đó đồng nghĩa với việc, doanh nghiệp của bạn muốn tiếp xúc với những “anh nhà giàu đó”, bạn buộc phải có chiếc “thẻ ra vào” là ESG. Còn nếu đứng ngoài “hàng rào”, đương nhiên bạn phải chấp nhận làm việc với những người có “hầu bao” mỏng hơn, “rót” cho bạn ít tiền hơn.

Tôi đã tham dự một hội nghị do Bộ Ngoại giao tổ chức với sự góp mặt của các tham tán thương mại đang làm việc tại các nước phát triển. Tại đây, vấn đề ESG đã được nhấn mạnh là một xu hướng tất yếu. Đây không còn là vấn đề cân nhắc tốt xấu mà cần nhận thức là yêu cầu bắt buộc mà các doanh nghiệp cần tuân thủ để có thể hội nhập quốc tế và giao thương với các doanh nghiệp nước ngoài.

Thực chất, tôi cho rằng khi tham gia vào việc xây dựng doanh nghiệp nâng cao chuẩn ESG và khi doanh nghiệp nâng cao ESG thì hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp có sự chuyển biến một cách rõ ràng. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa chất lượng quản trị doanh nghiệp với mức độ sinh lời và hiệu quả thị trường (chỉ số ROA/ROE, chỉ số P/B) của các doanh nghiệp.

Nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, hướng tới phát triển bền vững

PV: Ngày 28/12/2023, VNIDA đã ban hành Khung năng lực thành viên độc lập HĐQT. Giới chuyên môn đánh giá, đây là một sáng kiến quan trọng trong nỗ lực nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam khi nhấn mạnh vào “chủ thể” của hoạt động này, đó là con người. Xin ông chia sẻ thêm về Khung năng lực này?

Ông Nguyễn Sinh Dũng Thắng: Trên thực tế, chất lượng thành viên HĐQT của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn chưa được chú trọng. Lịch sử hình thành doanh nghiệp tại Việt Nam cũng chưa từng đặt ra tiêu chí về việc làm thành viên HĐQT thì cần có năng lực thế nào, trình độ ra sao.

Xét đến cùng, để nâng cao chất lượng quản trị, tăng cường hiệu quả kinh doanh và kiểm soát tốt rủi ro, cốt lõi phải nâng cao năng lực của đội ngũ quản trị.

Do đó, với vai trò là một hội tổ chức nghề nghiệp về quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam và là thành viên của nhiều mạng lưới quản trị doanh nghiệp quốc tế, VNIDA đã nghiên cứu, phối hợp chuyên môn với IOD, ICGN, IFC và các chuyên gia trong và ngoài nước để soạn thảo và ban hành Khung Năng lực Thành viên độc lập HĐQT. Đây là lần đầu tiên một tổ chức chuyên ngành quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam xây dựng bộ khung năng lực cho thành viên độc lập HĐQT.

Khung năng lực được chúng tôi xây dựng với 20 năng lực cốt lõi, chia thành ba nhóm chính. Đó là: Tố chất và phẩm chất; kiến thức; kỹ năng, qua đó thiết lập nên các chuẩn mực về năng lực và phẩm chất không chỉ đối với Thành viên độc lập mà còn đối với các thành viên khác trong HĐQT của một doanh nghiệp. Chúng tôi kỳ vọng, đây sẽ là thước đo năng lực nghề nghiệp của đội ngũ “làm nghề quản trị”, là cơ sở quan trọng giúp cổ đông đặt ra sự tín nhiệm và kỳ vọng trong quá trình đề cử, bổ nhiệm các thành viên HĐQT, hỗ trợ Đại hội đồng cổ đông, HĐQT phân công nhiệm vụ và đánh giá hiệu quả hoạt động. Đồng thời, Khung năng lực sẽ giúp cơ quan nhà nước, cơ quan lập pháp có thêm cơ sở cung cấp các quy định hướng dẫn và giám sát đối với hoạt động của Thành viên HĐQT trong quá trình quản trị công ty; giúp các đơn vị, tổ chức đào tạo có cơ sở thiết kế và phát triển các chương trình bồi dưỡng năng lực phù hợp.

Mặt khác, VNDIA cũng rất cần sự ủng hộ của UBCKNN, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ trong việc công nhận, hỗ trợ công tác đào tạo thành viên HĐQT để đạt được chuẩn mực như quốc tế khuyến nghị.

Khung năng lực được ban hành ngay trước thềm năm mới, mang hy vọng của VNIDA về sự “trở mình” của doanh nghiệp trong năm 2024. Theo chúng tôi, để có thể đón đầu chu kỳ mới diễn ra vào quý III, quý IV/2024, đây sẽ là thời điểm thích hợp để các Thành viên HĐQT lên kế hoạch, cải thiện chất lượng hoạt động, từ đó có được những bước “chạy đà” mạnh mẽ nhất, gia nhập và không bỏ phí cơ hội mà vận nước đang mang đến.

PV: Xin cảm ơn ông!

Lê Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục