Tham dự Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; đại diện các Bộ, ngành Trung ương, cùng lãnh đạo tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng; đại diện các tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Về phía tỉnh Nam Định có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Lê Quốc Chỉnh; Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị… cùng lãnh đạo các sở, ngành.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cho hay: Tỉnh Nam Định nằm ở trung tâm vùng nam Đồng bằng sông Hồng, có diện tích gần 1.700 km2, dân số khoảng 2 triệu người. Những năm qua Đảng bộ, chính quyền nhân dân tỉnh Nam Định tập trung lãnh đạo, thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 9%/năm. Riêng năm 2023 đạt tăng trưởng trên 10%- cao nhất từ trước tới nay.
Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư đồng bộ hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, môi trường đầu tư ngày một cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nâng lên rõ rệt.
Với mong muốn phát triển bền vững, bứt phá, phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của tỉnh, Nam Định xác định công tác lập quy hoạch là nhiệm vụ hàng đầu có tính khoa học để làm định hướng phát triển. "Vì vậy, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Nam Định đã tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai lập quy hoạch", ông Phạm Đình Nghị nhấn mạnh.
Lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định cũng thông tin, trong quá trình lập quy hoạch Nam Định tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến cho đồ án lập quy hoạch của tỉnh. Sau khi tiếp thu chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ theo góp ý của Hội đồng thẩm định, quy hoạch tỉnh Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, Nam Định quy hoạch đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá của cả nước, là trung tâm phát triển của vùng nam Đồng bằng sông Hồng với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2030 là 9,5%; mô hình kinh tế của tỉnh phát triển theo 3 vùng động lực, 4 cực tăng trưởng, 5 hành lang kinh tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị |
Tầm nhìn đến năm 2050 Nam Định trở thành trung tâm kinh tế hiện đại, là trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vùng nam Đồng bằng sông Hồng có hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, hạ tầng kết nối giao thông, dịch vụ và hàng hoá vùng.
Từng bước thực hiện khát vọng mục tiêu phát triển đó, ngày hôm nay cùng với công bố thông tin quy hoạch tỉnh, Nam Định giới thiệu tiềm năng, lợi thế, định hướng thu hút đầu tư của tỉnh. Đồng thời trao quyết nhận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư và ký Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho một số nhà đầu tư trọng điểm.
"Ngay sau hôm nay, Nam Định tiếp tục triển khai các chương trình, đề án, dự án nhằm cụ thể hoá quy hoạch. Tiếp tục đổi mới sáng tạo, tiếp thu ý kiến góp ý, chỉ đạo điều hành lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để cải cách hành chính và cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư để triển khai thắng lợi các mục tiêu quy hoạch. Với phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp hướng tới thành công, tỉnh Nam Định cam kết giành điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khi đầu tư vào Nam Định. Sự thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh Nam Định", Chủ tịch Phạm Đình Nghị nhấn mạnh.
Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1729/QĐ-TTg ngày 28/12/2023 với quan điểm phát triển tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng.
Phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng. Phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển. Lấy đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển giáo dục - đào tạo là nền tảng cho sự phát triển bền vững; tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước. Chủ động, tích cực tiếp cận và khai thác triệt để những cơ hội và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng phục vụ thiết thực đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát triển kinh tế theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, toàn diện, nhanh và bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng với định hướng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch là mũi nhọn đột phá; phát triển vùng kinh tế biển trở thành vùng kinh tế động lực; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Lựa chọn mô hình tăng trưởng hợp lý trên cơ sở cân đối vốn đầu tư theo khả năng huy động các nguồn lực nhằm đảm bảo cân bằng giữa các ngành sản xuất, cân bằng giữa phát triển kinh tế và nâng cao phúc lợi xã hội.
Phát triển xã hội văn minh, thân thiện; gắn kết quá trình phát triển kinh tế - xã hội với việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Khơi dậy và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng, sự năng động, sáng tạo và khát vọng vươn lên tự cường của con người Nam Định.
Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, và lãnh đạo các Bộ, ngành |
Tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định phù hợp với định hướng phát triển được xác định trong các chủ trương, nghị quyết, chiến lược phát triển của Đảng, Nhà nước, vùng đồng bằng sông Hồng và của tỉnh. Gắn kết sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng chức năng với các hành lang kinh tế của tỉnh nhằm thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng; phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh.
Tập trung đầu tư phát triển hình thành các đô thị có sức hút lớn, tạo lực kéo mạnh nhằm đẩy nhanh tốc độ và mức độ đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đô thị. Quản lý đô thị theo hướng xanh, thông minh, hiện đại và bền vững. Phát triển khu vực nông thôn theo định hướng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới một nền kinh tế xanh, tuần hoàn và thân thiện với môi trường. Khai thác sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, kết hợp hài hòa lợi ích và đảm bảo công bằng, hợp lý.
Tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế, thu hút nguồn lực của các thành phần kinh tế, nguồn lực trong và ngoài nước. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, tại buổi kiểm tra công tác tổ chức Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc khẳng định, Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm công bố toàn bộ nội dung quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt để các cấp, các ngành, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp biết và triển khai thực hiện.
Hội nghị còn là diễn đàn để các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ, đối thoại, hợp tác đầu tư và kinh doanh trên các lĩnh vực mà tỉnh Nam Định ưu tiên thu hút đầu tư; là cơ hội để tăng cường hoạt động đối ngoại, tăng cường xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, môi trường đầu tư của tỉnh đến với thị trường trong nước và quốc tế; là cầu nối góp phần đưa Nam Định đến gần hơn với nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước, nhà đầu tư có năng lực đầu tư vào các dự án trọng điểm, để cùng nhau biến các tiềm năng, thế mạnh, mục tiêu, ý tưởng của tỉnh thành hiện thực, giúp Nam Định phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Hải Linh - Đinh Tuấn
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|