Năm 2026, Việt Nam sẽ có dịch vụ ô tô bay?

(Banker.vn) Hiện dự án nghiên cứu tiền khả thi vận hành ô tô bay eVTOL đang được xây dựng, dự kiến năm 2026 sẽ được thử nghiệm tại Vũng Tàu.
Sau ô tô điện, xe đạp điện Vinfast có mặt tại thị trường Mỹ Lý do cần có Quy chuẩn kỹ thuật đối với ô tô điện Vì sao các hãng ô tô điều chỉnh chiến lược xe điện?

Vừa qua, Tập đoàn Ô tô bay SkyDrive (Nhật Bản) cùng các đối tác gồm Pacific Group (Việt Nam) và IHI Machinery (Nhật Bản) đã có buổi làm việc chính thức với Lãnh đạo UBND thành phố Vũng Tàu về việc đề xuất nghiên cứu tiền khả thi thiết lập hạ tầng ô tô bay và dịch vụ ô tô bay tại Thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Góp phần phát triển du lịch không phát thải

Được biết, dự án xin thực hiện nghiên cứu tiền khả thi được chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn 1 thực hiện bay ngắm cảnh du lịch cao cấp tại khu vực mũi Nghinh Phong và Núi Nhỏ (không bay trong khu dân cư). Giai đoạn 2, thực hiện bay dịch vụ từ Trung tâm TP Vũng Tàu đến các đô thị mới gồm Cù Lao Bến Đình và Đảo Gò Găng. Giai đoạn 3 (sau 2035), thực hiện dịch vụ bay taxi, đưa ô tô bay thành phương tiện giao thông tiên tiến phổ biến tại phố biển Vũng Tàu.

Năm 2026, Việt Nam sẽ có dịch vụ ô tô bay?
Các đối tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND thành phố Vũng Tàu cùng các cơ quan liên quan (Ảnh: Pacific Group cung cấp)

Để thực hiện dự án trên, SkyDrive đã thiết lập quan hệ đối tác với Pacific Group để thu xếp thủ tục địa phương, với Tập đoàn IHI Machinery để lo phát triển hạ tầng cất hạ cánh và tuyến bay, với Công ty tư vấn One Value để soạn thảo tài liệu nghiên cứu khả thi.

SkyDrive và đối tác dự kiến trình xin Chính phủ Nhật Bản ngân sách thực hiện nghiên cứu này vào tháng 11 năm nay khi TP Vũng Tàu và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho chủ trương cho phép tiến hành nghiên cứu vào khoảng tháng 8 cùng năm.

Ông Lê Ngọc Ánh Minh – Chủ tịch điều hành của Pacific Group cho biết: Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sẽ được thực hiện đến quý 1/2025 và sẽ chỉ ra các điều kiện và yêu cầu chi tiết đối với nhà đầu tư cần địa phương hỗ trợ. Phía SkyDrive mong muốn phát triển dự án tại TP Vũng Tàu, đưa Vũng Tàu thành địa phương đầu tiên ở khu vực ASEAN có loại hình dịch vụ di chuyển tiên tiến bằng ô tô bay không phát thải.

Năm 2026, Việt Nam sẽ có dịch vụ ô tô bay?
Các cơ quan hữu quan của thành phố Vũng Tàu nghe SkyDrive chia sẻ về đề xuất thử nghiệm ô tô bay không phát thải

"Hiện nay, Pacific Group đang tích cực xúc tiến dự án ô tô bay cùng đối tác SkyDrive nhằm giới thiệu đến Việt Nam phương thức di chuyển tiên tiến là ô tô bay không phát thải.’- ông Lê Ngọc Ánh Minh khẳng định và cho hay, dựa trên kế hoạch phát triển đô thị của thành phố Vũng Tàu các đối tác mong muốn tiến hành Nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án vận hành chiếc SD-05 ô tô bay eVTOL của hãng SkyDrive.

Được biết, ô tô bay eVTOL là phương tiện thân thiện với môi trường bay trên bầu trời và không thải ra CO2. Kết quả của dự án nghiên cứu thử nghiệm được cho là sẽ góp phần vào việc phát triển trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp thế giới tại thành phố Vũng Tàu.

Phương tiện vận chuyển không phát thải - xu thế của thời đại

Theo ông Lê Ngọc Ánh Minh, hiện nay trên thế giới, việc sản xuất và thử nghiệm các hệ ô tô bay, mô tô sử dụng động cơ điện bay theo phương thức thẳng đứng (eVTOL) đã trở nên phổ biến.

Tại triển lãm hàng không Singapore vào tháng 2/2022, hãng xe bay Volocopter của Đức đã trình diễn các chuyến taxi hàng không, phương tiện bay cá nhân eVTOL (sử dụng động cơ điện, cất hạ cánh theo phương thẳng đứng) tại khu vực Marina Bay.

Hãng Volocopter đã ký kết hợp tác với Ủy ban Phát triển Kinh tế Singapore (EDB) về việc thiết lập cơ sở hạ tầng cho dịch vụ taxi bay. Đến năm 2024, Singapore sẽ có dịch vụ taxi hàng không bay từ thành phố Singapore đến các thành phố của Malaysia và Indonesia trong cự ly khoảng 20 phút. Hạ tầng “sân bay” chỉ là diện tích nhỏ gọn như bãi đáp trực thăng tại các tòa nhà cao tầng (diện tích mặt bằng vào khoảng 20mx20m).

Trước đó, vào đầu tháng 10/2022, tại Dubai, Tiểu Vương quốc Ả rập Thống Nhất, hãng Xpeng Trung Quốc đã bay trình diễn ô tô bay hai chỗ ngồi tự động X2 động cơ điện eVTOL.

Đến cuối tháng 10/2022, tại Helishow cũng tại thành phố Dubai hãng SkyDrive Nhật Bản đã có các phiên gặp gỡ và thuyết trình với các khách hàng tiềm năng từ Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), toàn bộ Trung Đông, Tiểu lục địa Ấn Độ và châu Phi. Trước đó, hãng ô tô bay SkyDrive và Chính quyền Thành phố Osaka đã ký kết hợp tác dịch vụ taxi hàng không phục vụ tại Triển lãm Quốc tế Osaka 2025 (Osaka Expo 2025).

Năm 2026, Việt Nam sẽ có dịch vụ ô tô bay?
Dự kiến ô tô bay sẽ được giới thiệu tại triển lãm Osaka Expo 2025

Ngoài Đức, Trung Quốc và Nhật Bản, Singapore thì các quốc gia trên thế giới đang tích cực phát triển phương tiện bay cá nhân sử dụng động cơ điện, không phát thải để phục vụ nhu cầu đi lại giữa các đô thị đông dân để giảm phụ thuộc vào đường bộ.

Việt Nam có chính sách đổi mới về khoa học công nghệ được quốc tế đánh giá rất tích cực. Công nghệ ngành giao thông vận tải được chào đón và khai thác khá hiệu quả có thể kể đến như dịch vụ gọi xe Grab, Go-Jek. Việc sớm tạo lập chính sách thu hút đầu tư và khai thác phương tiện bay cá nhân eVTOL tại Việt Nam, trước tiên là tại các thành phố đông dân như Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… sẽ làm giảm áp lực đầu tư vào các sân bay địa phương gần kề sân bay trung tâm vì phương tiện bay cá nhân có độ tích hợp công nghệ tự động cao, không cần quỹ đất lớn và kết cấu hạ tầng hàng không phức tạp và có thể tích hợp khai thác mái của các tòa nhà đô thị.’- ông Lê Ngọc Ánh Minh khẳng định.

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương