Năm 2024, xuất khẩu sầu riêng có thể đạt kỷ lục 3,5 tỷ USD

(Banker.vn) Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu sầu riêng mang về 3,5 tỷ USD, tăng 55% so với năm trước, đạt con số cao nhất từ trước đến nay.
6 tháng, xuất khẩu sầu riêng ước thu về 1,5 tỷ USD Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc: Những lưu ý về xu hướng thị trường

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruite), tháng 6/2024, xuất khẩu rau quả đạt khoảng 800 triệu USD, tăng 20,84% so với cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6/2024, xuất khẩu rau quả mang về 3,5 tỷ USD, so với cùng kỳ tăng 30,6%. Đáng chú ý, trong đó mặt hàng sầu riêng chiếm tới 1,5 tỷ USD.

Năm 2024, xuất khẩu sầu riêng có thể đạt kỷ lục 3,5 tỷ USD
Xuất khẩu sầu riêng mang về 1,5 tỷ USD nửa đầu năm

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nhận định, năm nay Việt Nam đặt mục tiêu đạt doanh thu từ sầu riêng 3,5 tỷ USD, tăng 55% so với năm trước.

Trung Quốc là thị trường thu mua sầu riêng từ Việt Nam lớn nhất. Chỉ tính trong quý I/2024, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để vươn lên vị trí số 1 về xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc với khối lượng đạt 32.750 tấn, trị giá 161 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần về lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc tính theo kim ngạch đã tăng từ mức 32% của năm 2023, lên mức 57%.

Hiện tại, các cơ quan chức năng phía Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn tất việc đàm phán kỹ thuật để đi đến ký kết nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang Trung Quốc, sau đó sẽ thống nhất và ký nghị định thư. Nếu Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh thì giá trị xuất khẩu của sầu riêng sẽ tăng rất mạnh. Bởi, một container sầu đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ có giá trị cao gấp nhiều lần so với xuất khẩu quả tươi.

Năm 2023, Trung Quốc chi khoảng 1 tỉ USD để nhập khẩu sầu riêng đông lạnh nên khả năng năm đầu tiên tham gia thị trường Trung Quốc, Việt Nam có thể xuất được 300 - 500 triệu USD/năm.

Tương lai, Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu sầu riêng đông lạnh tách múi để dùng cho chế biến vì giảm chi phí vận chuyển do loại bỏ vỏ từ đầu nguồn. Doanh nghiệp Việt xuất khẩu sản phẩm đông lạnh cũng đỡ áp lực trong tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật (các sinh vật có nguy cơ gây hại đi kèm quả tươi) và có thể bán vào sâu trong nội địa Trung Quốc nhờ thời gian bảo quản dài.

Tuy nhiên, Hiệp hội Rau quả Việt Nam lưu ý một số lô hàng gần đây bị cảnh báo nhiễm chất cấm, ảnh hưởng đến uy tín hàng Việt. Do đó, các doanh nghiệp cần tăng cường kiểm tra chất cấm ngay tại vườn và cơ sở đóng gói để đảm bảo không có lô hàng nào nhiễm chất cấm được xuất khẩu.

Cục Bảo vệ Thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các địa phương và doanh nghiệp cần giám sát chặt chẽ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, tránh tình trạng thu mua hàng hóa từ những nơi không được cấp phép, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp chân chính.

Ngoài ra, Việt Nam kỳ vọng mở rộng xuất khẩu sầu riêng sang Ấn Độ, giúp giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và mở ra cơ hội phát triển mới cho ngành nông sản.

Bà Ngô Tường Vy, CEO Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, nhận định rằng việc mở rộng thị trường là rất quan trọng, nhưng yếu tố quyết định vẫn là chất lượng sầu riêng Việt Nam. Bà Vy cho rằng nếu duy trì được chất lượng tốt, sầu riêng Việt Nam sẽ thu hút được nhiều thị trường tiềm năng trong tương lai.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục