Năm 2024, ưu tiên vốn cho sản xuất, kinh doanh và các động lực tăng trưởng

(Banker.vn) Năm 2024, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đưa vốn vào những lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng vốn để bảo đảm cho doanh nghiệp ổn định, phát triển.
Đâu là điểm sáng của ngành ngân hàng trong năm 2023? Dự báo lợi nhuận ngân hàng tăng 10% Thanh toán điện tử: Diễn biến phức tạp, còn nhiều mối đe dọa

Phát huy hiệu quả chương trình cho vay bình ổn

Những tháng cuối năm là thời điểm doanh nghiệp rất cần vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, chuẩn bị hàng hóa cho thị trường Tết. Các ngân hàng thương mại đã chủ động xây dựng các gói tín dụng linh hoạt, phù hợp cho từng phân khúc nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, người dân.

Tại Diễn đàn Kinh tế 2024 do Báo Người lao động tổ chức, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tín dụng trong lĩnh vực thương mại, bán buôn, bán lẻ luôn chiếm tỉ trọng cao. Tại TP. Hồ Chí Minh, tín dụng trong lĩnh vực thương mại, bán buôn, bán lẻ chiếm khoảng 13,6% trong tổng dư nợ trên địa bàn Thành phố. Đến cuối tháng 11, tổng dư nợ đối với lĩnh vực này đạt khoảng 462.000 tỉ đồng. Nếu so với tháng trước, tín dụng lĩnh vực này tăng tới 2,2% và cũng cao hơn mức tăng bình quân chung trên địa bàn. Điều này cho thấy tín hiệu tích cực.

Có được điều này nhờ lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, thương mại dịch vụ tăng vào cuối năm theo mùa vụ và đáp ứng nhu cầu trong dịp Tết cổ truyền của người Việt. Đồng thời, chính sách ổn định của cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát huy tác dụng.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, thương mại, dịch vụ là lĩnh vực liên quan trực tiếp tới thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử… Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động thanh toán mà còn tạo điều kiện cho việc luân chuẩn vốn đạt hiệu quả, thúc đẩy thương mại.

Năm 2024, ưu tiên vốn cho sản xuất, kinh doanh và các động lực tăng trưởng
Năm 2023, tín dụng trong lĩnh vực thương mại, bán buôn, bán lẻ luôn chiếm tỉ trọng cao

Bên cạnh đó, thành phố đã làm tốt chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, nhất là cho sản xuất thương mại dịch vụ cuối năm, bình ổn thị trường. Theo đó, chỉ tính riêng chương trình cho vay bình ổn thị trường trên địa bàn mùa vụ năm 2023 đã đạt doanh số trên 13.000 tỉ đồng chỉ với mức lãi suất từ 4% - 6%/năm. Trong đó, cho vay doanh nghiệp bình ổn thị trường đối với 13 doanh nghiệp; 11 doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng và phân phối sản phẩm. Điều này đã góp phần trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp giảm giá thành, giữ ổn định giá bán các mặt hàng thiết yếu, từ đó hỗ trợ trực tiếp người tiêu dùng dịp cuối năm và phát huy ý nghĩa của chương trình.

“Chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã trở thành nhiệm vụ chung của UBND các quận huyện; trở thành nội dung chính trong nội hàm hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư của một số sở ngành, UBND các quận, huyện”, ông Nguyễn Đức Lệnh chia sẻ.

Ưu tiên vốn cho sản xuất, kinh doanh

Liên quan tới những chính sách về tín dụng, bà Bùi Thúy Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, trong thời gian tới ngành ngân hàng sẽ tiếp tục chỉ đạo ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp; điều hành tín dụng kịp thời, phù hợp, chủ động bổ sung hạn mức, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Đồng thời, tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách, giải pháp về tín dụng đã và đang thực hiện, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ khuyến khích các tổ chức tín dụng đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Năm 2024, ưu tiên vốn cho sản xuất, kinh doanh và các động lực tăng trưởng

Tuy vậy, theo bà Hằng, bên cạnh các giải pháp của ngành ngân hàng, cũng rất cần sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành. Ví dụ, để đẩy mạnh triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỉ đồng, UBND các tỉnh, thành phố cần khẩn trương công bố danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư; trong đó, các dự án được công bố phải đảm bảo đúng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Đồng thời, Bộ Xây dựng tổng hợp, thông báo danh mục những dự án đủ điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại tra cứu, xem xét cho vay theo đúng nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 33/NQ-CP (trên cơ sở danh mục do UBND tỉnh công bố).

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn, tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính… Từ đó, tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay và tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các kênh huy động khác (như phát hành cổ phiếu, trái phiếu…).

Hà Linh

Theo: Báo Công Thương