Năm 2024: Hiệp hội ngành hàng đề xuất, kiến nghị gì để tăng tốc sản xuất, kinh doanh?

(Banker.vn) Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước sẽ có những khó khăn, các doanh nghiệp, ngành hàng đã chủ động nhiều giải pháp với tâm thế sẵn sàng.
Hiệp hội, ngành hàng hiến kế gỡ khó cho kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu 8 hiệp hội ngành hàng kiến nghị cho lao động hưởng lương hưu sớm

Năm 2024 được nhận định tình hình kinh tế thế giới và trong nước sẽ tiếp tục có những khó khăn, thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp, ngành hàng đã chủ động nhiều giải pháp với tâm thế sẵn sàng.

Ông Thái Như Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam (VICOFA), Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp:

Tăng khả năng thích ứng với bối cảnh mới

Năm 2024: Hiệp hội ngành hàng đề xuất, kiến nghị gì để tăng tốc sản xuất, kinh doanh?

Năm 2023 là năm thành công với xuất khẩu cà phê, khi giá trị xuất khẩu toàn ngành dự kiến đạt hơn 4,2 tỉ USD. Đáng chú ý, năm 2023 cũng là năm giá cà phê nhân Việt Nam ở mức rất cao, khoảng 60.000 đồng/kg - đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng chính việc xuất khẩu ồ ạt đã khiến nguồn cung trong nước giảm xuống mức rất thấp, bởi nhiều doanh nghiệp muốn đẩy hàng đi nhiều nhất có thể. Điều này khiến tồn kho thực tế đã giảm mạnh và năm 2023 cũng là lần đầu tiên trong lịch sử khi chỉ đến tháng 6, người dân đã không có hàng để bán. Với những diễn biến trên, chúng tôi dự báo, năm 2024 tiếp tục là năm thuận lợi cho xuất khẩu cà phê. Mặc dù sản lượng có thể giảm song kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng và dự kiến có thể đạt khoảng 4,5 - 5 tỷ USD.

Bên cạnh những thuận lợi về thị trường, ngành cà phê vẫn đang đối mặt với những thách thức về nguồn cung sụt giảm. Cùng với đó là vấn đề về chất lượng và nguồn gốc cà phê. Theo đó, cuối năm 2022, Liên minh châu Âu ra sắc lệnh nghiêm cấm nhập khẩu cà phê có liên quan đến nạn chặt phá rừng đã gây ra những lo ngại về lượng cà phê Việt Nam có thể xuất sang thị trường này, đặt ra bài toán về việc phát triển cà phê bền vững hơn. Do đó, để đạt được mục tiêu xuất khẩu, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngành hàng cà phê, đặc biệt là vai trò của nhà xuất khẩu, phải tăng khả năng thích ứng và hành động để đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định thị trường đặt ra.

Về phía VICOFA, đơn vị đang tích cực và nỗ lực phối hợp cùng Hội đồng Liên minh châu Âu, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan liên quan để sẵn sàng và tích cực để đưa cà phê thương hiệu Việt Nam ra thế giới.

Ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA), Chủ tịch HĐQT Công ty XNK Nam Thái Sơn:

Chờ đợi cú huých lớn về sức mua

Năm 2024: Hiệp hội ngành hàng đề xuất, kiến nghị gì để tăng tốc sản xuất, kinh doanh?

Có hai vấn đề được nhìn nhận trong năm 2024. Thứ nhất, một số ngành xuất khẩu đã có tín hiệu tốt bởi hiện tại, một số ngành xuất khẩu tồn kho nước ngoài đã hết, song một số ngành vẫn khó khăn do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Thứ hai, một số nhà nhập khẩu đã chuyển qua thị trường khác tốt hơn Việt Nam, ví dụ như tôm và ngành nhựa vẫn tốt nhưng ngành dệt may chưa có nhiều tín hiệu.

Cần điều chỉnh và cân nhắc kỹ cho chiến lược kinh doanh đó là thị trường nội địa - tiêu dùng đang "nằm ngang" nên chờ đợi cú huých lớn về sức mua để những nhà sản xuất trong nước đẩy mạnh lên. Do đó, các doanh nghiệp rất trông chờ vào đợt Tết 2024 có những hoạt động đầu tư công để kích thích những hoạt động kèm theo.

Về xuất khẩu, đang ở mức 30 - 70, tức là 70% doanh nghiệp có chiến lược thay đổi và có đơn hàng nhiều. Hiện tại, một số ngành ở Việt Nam có tuổi đời xuất khẩu từ 10 - 20 năm, mặc dù "đi chậm" nhưng vẫn xuất khẩu tốt, còn một số ngành mới nổi lên bị ảnh hưởng nhiều.

Những ngành có chiến lược thay đổi và đơn hàng nhiều như rau, quả xuất khẩu rất tốt, hay ngành nhựa vẫn có nhiều tín hiệu khả quan do một số nước đã buông ngành này, trong khi Việt Nam vẫn duy trì và kiên nhẫn phát triển. Năm tới, Việt Nam có nhiều nguồn nguyên liệu nhựa do các doanh nghiệp FDI đầu tư nhiều, doanh nghiệp có thể tận dụng nguồn nguyên liệu này để tái đầu tư sản xuất thay cho nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Chỉ có một số ngành chúng ta bị chậm như hải sản, điện tử vẫn phụ thuộc FDI. Do đó, năm 2024 xuất khẩu sẽ tốt hơn nội địa và nội địa rất trông chờ những chính sách để kích cầu. Hiện, các doanh nghiệp đang lên kế hoạch khá thận trọng, nhưng tín hiệu đã tốt hơn vì những tháng cuối năm 2023, thị trường đã có tín hiệu khởi sắc.

Từ những nhận định trên, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh vẫn tập trung vào những chương trình gắn kết để định hướng doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững, phát triển gắn liền với những yêu cầu, thủ tục, quy định của các nước phát triển như phát thải CO2, năng lượng tái tạo và những sản phẩm sử dụng yếu tố công nghệ cao và ít sử dụng lao động. Đặc biệt, đưa vào sử dụng những nhà máy thông minh và sản phẩm nội địa được nâng tầm chất lượng ngang với xuất khẩu. Đồng thời, có những truyền thông lớn về chương trình xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp phủ hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài ra, hỗ trợ, tư vấn về chính sách tài chính để doanh nghiệp nắm bắt nhanh, thực hiện đúng, chuẩn bị nguồn lực cả về kinh tế và nhân lực.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA):

Cần tập trung vào sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ tiêu dùng

Năm 2024: Hiệp hội ngành hàng đề xuất, kiến nghị gì để tăng tốc sản xuất, kinh doanh?

Kinh tế toàn cầu đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023, hầu hết các ngành công nghiệp đều sụt giảm nhưng ngành lương thực - thực phẩm vẫn đảm bảo tăng trưởng tốt khi so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, trong bối cảnh nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng, song đa số các doanh nghiệp thành viên của Hội Lương thực - Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục giữ nguyên giá bình ổn theo chủ trương của nhà nước và duy trì đảm bảo việc làm, các chính sách chăm lo đời sống cho người lao động.

Việc duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định trong bối cảnh hiện nay được xem là kết quả khả quan, giúp các doanh nghiệp hy vọng vào sự khởi sắc kinh doanh mạnh mẽ trong năm 2024. Theo đó, thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đã và đang nỗ lực chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng Tết. Mặc dù, thực tế tình hình khó khăn chung, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn còn yếu nhưng các doanh nghiệp đã sớm dự báo tình hình và chủ động sản xuất, điều phối nguồn nguyên liệu nhằm đảm bảo đủ hàng cho người dân.

Theo đánh giá của chúng tôi, hiện nay, Việt Nam đã tham gia ký kết hợp tác với nhiều khu vực thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đã và đang được các doanh nghiệp ngành lương thực - thực phẩm từng bước tận dụng. Từ đó, tạo động lực lớn thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ngày càng khởi sắc. Điều này cho thấy, các FTA thế hệ mới đã và đang mở ra một thị trường lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Không những thế, các hiệp định này đã góp phần giúp doanh nghiệp Việt có những chuyển biến lớn về chất lượng, bởi đây là thị trường có yêu cầu rất cao và nghiêm ngặt về chất lượng.

Về triển vọng năm 2024, chúng tôi nhận thấy, nền kinh tế vĩ mô trong nước vẫn giữ được tăng trưởng ổn định, lạm phát được kiểm soát, đẩy mạnh đầu tư công sẽ là tiền đề cho các nghành nghề phát triển ổn định. Đặc biệt, năm 2024, Chính phủ vẫn tập trung ưu tiên phát triển vào ba lĩnh vực chính là: Sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ tiêu dùng trong nước, trong đó, vẫn lấy nông nghiệp và kinh tế nông nghiệp làm trụ đỡ, thúc đẩy tăng cường chế biến sâu, bền vững, nhất là sự ra đời của Nghị quyết 98 sẽ mở ra nhiều cơ hội cho TP. Hồ Chí Minh. Vì thế, tôi tin tưởng, đây sẽ là những tiền đề và động lực quan trọng thúc đẩy và đưa ngành lương thực - thực phẩm Việt Nam tăng tốc, đạt được những mục tiêu mới trong năm kinh tế 2024.

Ngoài những thuận lợi, hiện nay, những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam đang bị cạnh tranh từ các nước như Ấn Độ, Thái Lan… ngay trên chính "sân nhà". Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải đổi mới, sáng tạo, thay đổi công nghệ, chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, tăng giá trị sản phẩm, giữ vững thị trường nội địa cũng như thích ứng với yêu cầu từ các thị trường xuất khẩu.

Ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch Hội Điều tỉnh Bình Phước, Chủ tịch Tập đoàn Long Sơn:

Thêm chính sách hỗ trợ cho ngành điều

Năm 2024: Hiệp hội ngành hàng đề xuất, kiến nghị gì để tăng tốc sản xuất, kinh doanh?

Năm 2023, xuất khẩu điều của cả nước tăng khoảng 23% so với năm 2022 (đạt khoảng 3,5 tỷ USD), nhưng giá trị lại thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Việc này xuất phát từ chỗ doanh nghiệp điều phải mua nguyên liệu trước 6 tháng ở mức cao nhưng sau đó lại bán với giá giảm dần. Cùng lúc, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với chi phí lãi vay cao, tỷ giá biến động…, dẫn tới hiệu quả kinh doanh gần như không có.

Mặc dù vậy, trong năm 2024, ngành điều vẫn có triển vọng tốt bởi nhiều thị trường thế giới như EU, Nhật Bản… vẫn có nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ điều. Minh chứng là từ cuối năm 2023, đơn đặt hàng nhập khẩu của các nước như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… đã tăng lên rõ rệt, nhiều nhà máy chế biến điều phải hoạt động hết công suất để kịp thời gian giao hàng.

Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội của thị trường, trong năm 2024, các doanh nghiệp trong nước cần đồng lòng, đoàn kết để điều tiết giá nhập khẩu nguyên liệu điều thô và giá điều nhân chế biến. Đồng thời, thực hiện chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh nhằm đáp ứng nhu cầu của các nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, phải tăng đầu tư cơ giới hóa, tự động hóa, giảm bớt công nhân, giảm chi phí sản xuất và cố gắng bán hàng - dù giá có rẻ hơn nhằm giảm phụ thuộc vào vốn ngân hàng. Cùng với đó, đầu tư điện mặt trời mái nhà để tiết giảm tiền sử dụng điện, thực hiện ký kết hợp đồng lao động cho công nhân đúng theo thông lệ quốc tế.

Tuy vậy, ngoài sự chủ động của doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn vay thông thoáng hơn cho doanh nghiệp; đặc biệt có cơ chế linh hoạt trong việc thu ngoại tệ khi xuất khẩu, cụ thể là bán thị trường nào, thu ngoại tệ thị trường đó.

Một vấn đề khác mà các doanh nghiệp cũng quan tâm là hoàn thuế VAT. Theo đó, quy trình thủ tục xác minh của cơ quan thuế hiện nay phải gửi thư tới các nước nhập khẩu. Các doanh nghiệp cho rằng, về cơ bản, xác minh là phù hợp nhưng có một số khách hàng (Nhật Bản), nếu thủ tục xác minh quá nhiều sẽ gây khó cho doanh nghiệp, dẫn tới mất hợp đồng.

Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Saigon Co.op:

5 xu hướng cần chú ý đầu tư trong năm 2024

Năm 2024: Hiệp hội ngành hàng đề xuất, kiến nghị gì để tăng tốc sản xuất, kinh doanh?

Năm 2024, thị trường bán lẻ sẽ tiếp tục khởi sắc, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, chúng ta cần nhìn nhận lại 5 điểm đáng lưu ý trong năm 2023 và cũng là xu hướng của năm 2024 mà các doanh nghiệp bán lẻ cần phải đầu tư hơn.

Thứ nhất, 2023 là năm đầu tiên chúng ta chứng kiến "làn sóng" của các đơn vị ngoại giao, Tham tán thương mại các nước Đông Âu vào Việt Nam và "làn sóng" này vẫn đang tiếp diễn. Cũng trong năm 2023, thị trường xuất hiện những khủng hoảng đơn cực về sản phẩm cụ thể và gạo là một ví dụ. Theo đánh giá, sẽ còn khủng hoảng ở những mặt hàng khác khi các quốc gia bắt đầu dự trữ chiến lược một số mặt hàng như đường và dầu ăn. Vì thế, việc cân nhắc các mối quan hệ với doanh nghiệp nước ngoài và các giao dịch rất quan trọng đối với doanh nghiệp bán lẻ.

Thứ hai, năm vừa qua, hợp tác ngoại giao đa phương, song phương giữa Việt Nam với các nền kinh tế rất phát triển. Qua những tuyên bố chung về APEC, ASEAN+…, đã tạo nên những xúc tiến rất lớn. Vì vậy, cần thiết tận dụng lại những quy hoạch liên quan đến doanh nghiệp nước ngoài, quan hệ hợp tác để các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội này cụ thể hơn nhằm vận hành kinh doanh.

Năm 2024: Hiệp hội ngành hàng đề xuất, kiến nghị gì để tăng tốc sản xuất, kinh doanh?
Doanh nghiệp kỳ vọng có thêm nhiều đơn hàng trong năm 2024 Ảnh: Dũng Hưng

Thứ ba, những chính sách vĩ mô trong năm 2023, cụ thể là quan hệ giữa lãi suất, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tỷ giá ngoại tệ cũng tác động rất lớn đến ngành bán lẻ. Do vậy, cơ quan quản lý cần có chính sách điều hành với nhịp độ nhanh hơn nhằm đáp ứng những biến động của thị trường. Cụ thể, tăng cường những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp như có thể đưa chính sách giảm giá trực tiếp cho thuê mặt bằng để tạo sự sôi động cho thị trường.

Thứ tư, đó là niềm tin của người tiêu dùng. Giai đoạn 2022 - 2023, lần đầu tiên, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam thấp nhất Đông Nam Á và cần phải ổn định việc làm cho người dân để cải thiện chỉ số này. Bên cạnh đó, năm 2023, tỷ lệ đóng góp của các nhà bán lẻ thuần Việt giảm xuống còn 1/3. Đây là con số đáng quan ngại mà các nhà bán lẻ Việt cần phải chú ý đầu tư hơn trong năm 2024.

Thứ năm, 2023 cũng là năm đầu tiên, Việt Nam có dấu ấn trong ngành công nghiệp bán dẫn, qua đó, thúc đẩy ngành công nghiệp số đóng góp tích cực cho nền kinh tế trong thời gian tới. Trong lĩnh vực bán lẻ, những đơn vị bán lẻ lớn đang suy nghĩ ứng dụng các kênh mạng xã hội để tạo xu thế kích cầu dựa trên nguồn lực mới này.

Ông Trần Như Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công:

Chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn

Năm 2024: Hiệp hội ngành hàng đề xuất, kiến nghị gì để tăng tốc sản xuất, kinh doanh?

Năm vừa qua, ngành dệt may chịu nhiều áp lực từ cầu thị trường thế giới. Đó là những áp lực về đơn hàng, giá, giao hàng, chi phí sản xuất, việc làm cho người lao động, cạnh tranh từ bên ngoài và nội bộ, cơ chế chính sách không theo kịp xu thế và thách thức. Kết thúc năm, toàn ngành chỉ đạt trên 40 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mục tiêu. Tuy vậy, từ cuối năm 2023, xuất khẩu dệt may đã dần phục hồi dù chưa mạnh nhưng năm 2024 vẫn có nhiều hy vọng cho doanh nghiệp dệt may.

Căn cứ triển vọng phục hồi kinh tế thế giới cùng dự báo tình hình kinh tế Việt Nam, VITAS đưa ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2024 đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023. Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi ghi nhận, nhiều doanh nghiệp đã đủ đơn hàng cho quý I/2024 và nhiều khả năng tình hình có thể cải thiện vào quý II/2024, sớm là tháng 4 và muộn là tháng 6, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.

Trong năm 2024, để đạt mục tiêu đề ra, VITAS kiến nghị nhà nước triển khai sớm gói 120 ngàn tỷ đồng lãi suất ưu đãi cho xây nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, nhất là cho các ngành nghề khó đào tạo như kỹ sư dệt, nhuộm, thiết kế, đổi mới công nghệ, kỹ năng xanh, kỹ năng chuyển đổi số. Đồng thời, đề nghị nhà nước tiếp tục gia hạn các gói hỗ trợ doanh nghiệp chưa sử dụng hết theo Nghị quyết 43/2022/NQ-QH15 của Quốc hội cho năm 2024 (nghiên cứu chuyển gói hỗ trợ 40 nghìn tỷ đồng cho giảm lãi suất 2% sang hỗ trợ các dự án chuyển đổi xanh để đáp ứng quy định mới của thị trường)…

Bên cạnh đó, VITAS định hướng từ nay đến năm 2030 sẽ chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Từ năm 2031 - 2035, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu; xuất khẩu, tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới…

Thùy Dương - Hà Duyên - Thanh Minh

Theo: Báo Công Thương