Phóng viên: Năm 2023 đã đi qua, các diễn biến trong năm cho thấy đây là một năm đầy thách thức cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô. Với những gì đã trải qua và những kết quả đạt được, ông có dự báo như thế nào về năm 2024?
GS,TS. Hoàng Văn Cường: Những cơn gió ngược đã gây ảnh hưởng rất mạnh đến kinh tế Việt Nam trong năm 2023 được dự báo sẽ được kiểm soát tốt trong năm 2024. Bên cạnh đó ,Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã phát đi tín hiệu quyết định không tăng lãi suất, thậm chí lãi suất giảm sâu. Như thế, chúng ta sẽ đỡ bị áp lực về chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá hối đoái, về vốn… Đó là những yếu tố để chúng ta yên tâm hơn, nhẹ tay hơn trong việc thực hiện các chính sách vĩ mô.
Bên cạnh đó, các nguồn lực trong nước vẫn đang giữ những yếu tố khá ổn định. Tăng trưởng có xu hướng đi lên khá đều (GDP quý I/2023 đạt 3,41%; quý II/2023 là 4,25%; quý III/2023 là 5,47% và ước quý IV/2023 đạt 6,72%). Tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 đạt 5,05%. Chúng ta đang phấn đấu cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt mức 6-6,5%. Nguồn lực tài khóa cũng đã có dự trữ tốt hơn. Nợ công thấp, dưới 40% GDP. Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2023 ước đạt 1.717,8 nghìn tỷ đồng, bằng 106% dự toán năm.
Trong bối cảnh thế giới có thể sẽ phục hồi tốt hơn, cộng với nguồn lực trong nước như vậy sẽ không có những yếu tố bị thắt chặt trở lại, chính sách tiền tệ có thể rảnh tay hơn, đồng thời sẽ thuận lợi hơn cho quyết tâm thực hiện tài khóa nghịch chu kỳ quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn.
Phóng viên: Vậy chúng ta có dư địa chính sách thế nào để hỗ trợ kinh tế phục hồi tốt hơn. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?.
GS,TS. Hoàng Văn Cường: Năm 2024 có nhiều dư địa để cho tăng trưởng và điều hành chính sách. Tiếp nối đà tăng trưởng của năm 2023, trong bối cảnh thế giới phục hồi tốt hơn, các chính sách hỗ trợ tiếp tục được kéo dài (ví dụ như kéo dài giảm thuế VAT thêm 6 tháng) cộng với nội lực nếu được khơi thông tốt thì không phải là quá khó để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%.
Dư địa đầu tiên thấy rất rõ là giữ được ổn định vĩ mô, kể cả trong lúc khó khăn khi thế giới chao đảo. Kết thúc năm 2023, lạm phát duy trì ở mức thấp, tiền tệ ổn định. Năm 2024 có nhiều kỳ vọng tốt, nên cũng sẽ dự báo được đây là năm thị trường tài chính tiền tệ có điều kiện ổn định hơn năm 2023. Ổn định hơn ở chỗ chúng ta đang có một dư địa khá tốt về cả tài khóa và tiền tệ.
Áp lực lạm phát bên ngoài không còn cao thì tỷ giá cũng không còn áp lực nữa. Hơn nữa, năm 2023 xuất siêu nên dự trữ ngoại tệ của ta khá lớn, cũng không bị áp lực phải giữ tỷ giá. Bên cạnh đó, triển vọng phục hồi tốt sẽ giúp giảm áp lực nợ xấu lên hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Đây là dư địa tốt để điều hành chính sách tiền tệ theo khả năng của nền kinh tế.
Về tài khóa, Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc đánh giá lại tác động của các gói hỗ trợ để tiếp tục tăng cường hỗ trợ nhiều hơn. Trong năm 2023, chính sách hỗ trợ trực tiếp tài khóa cho doanh nghiệp chưa đạt được như mục tiêu. Năm 2024, đang có dư địa để sử dụng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, nên tiếp tục thực hiện các chính sách như: giảm, miễn tiền thuế, thuê đất cho các doanh nghiệp… Khi nợ công đang thấp, dư địa cho đầu tư công sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024. Đây là dư địa, là môi trường tốt cho năm 2024 để thúc đẩy đầu tư.
Phóng viên: Với góc nhìn của ông, triển vọng các thị trường đầu tư trong năm 2024 sẽ như thế nào?.
GS,TS. Hoàng Văn Cường: Theo tôi, thị trường tiền tệ sẽ có một năm thuận lợi hơn, thị trường vốn sẽ có cơ hội sôi động trở lại, đầu tư công tiếp tục tăng, thị trường bất động sản không còn bị đóng băng.
Khi nền kinh tế phục hồi, các nguồn đầu tư mới sẽ tăng. Cùng với đó là tác động của Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) tạo khuôn khổ pháp lý để các dự án đầu tư bất động sản có thể sẽ được mở rộng nhiều hơn. Theo đó, nhu cầu đầu tư bất động sản sẽ tăng. Nhờ đó, thị trường đầu tư bất động sản năm 2024 có thể sẽ sôi động trở lại. Còn với thị trường giao dịch sản phẩm bất động sản được dự báo sẽ ổn định chứ không có sóng, nếu có thì cũng chỉ là những cơn sóng cục bộ thôi.
Nhu cầu đầu tư tăng, nhu cầu vốn ngân hàng và nhu cầu đầu tư bất động sản tăng kéo theo thị trường chứng khoán sẽ sôi động. Bên cạnh đó, với hàng loạt giải pháp tháo gỡ từ Chính phủ, các bộ, ngành, thị trường trái phiếu ấm lên, bắt đầu phát triển trở lại.
Phóng viên: Trong hai năm vừa qua, trong bối cảnh thế giới chao đảo chúng ta đã kiểm soát khá tốt lạm phát, giữ vững ổn định vĩ mô. Theo ông, trong công tác điều hành kinh tế vĩ mô năm 2024 cần chú ý gì để tiếp tục kiểm soát tốt lạm phát?.
GS,TS. Hoàng Văn Cường: Yếu tố giúp kiểm soát tốt lạm phát là sử dụng phối hợp chặt chẽ và linh hoạt chính sách tài khóa và tiền tệ. Tôi mong rằng, tới đây sự phối hợp hai chính sách này sẽ linh hoạt, chặt chẽ hơn nữa.
Theo tôi, cần tiếp tục thúc đẩy thị trường tài chính phát triển, nhất là thị trường trái phiếu và chứng khoán để tạo kênh vốn cho doanh nghiệp, giảm áp lực cung ứng vốn cho các tổ chức tín dụng.
Trong năm 2023 chứng kiến tình trạng ngân hàng dồi dào thanh khoản nhưng tăng trưởng tín dụng thấp do cầu trong nền kinh tế yếu, sản phẩm sản xuất ra không có đầu ra nên doanh nghiệp không mặn mà với nguồn vốn ngân hàng. Vì vậy, nhiệm vụ cấp thiết trong năm 2024 là phải khơi thông được đầu ra cho doanh nghiệp. Đồng thời, những chính sách tài khóa hỗ trợ cho nguồn lực đầu tư từ tín dụng như chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cũng cần được khơi thông.
Như tôi đã nói ở trên, đây là thời kỳ mà chúng ta phải sử dụng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, tức là sử dụng khả năng hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động doanh nghiệp, chứ không phải thời kỳ huy động tối đa đóng góp của doanh nghiệp vào ngân sách. Đây là thời kỳ rất cần dùng ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất kinh doanh phát triển.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Tri Nhân (thực hiện)
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|