Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2023: Đích đến “mong manh” Hết quý III/2023, xuất khẩu gạo đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% |
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cuộc trao đổi với phóng viên, báo chí xung quanh vấn đề này.
Nhìn lại 9 tháng năm 2023, ông có đánh giá gì về xuất khẩu nông lâm thủy sản, nhất là với các mặt hàng đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong thời gian qua?
9 tháng năm 2023, toàn ngành nông nghiệp đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; tiếp tục phát huy hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhờ vậy, 9 tháng qua, toàn ngành đã đạt được những kết quả khả quan, nhiều lĩnh vực đạt kết quả cao.
Sản lượng gạo xuất khẩu được dự báo sẽ vượt con số của năm ngoái (7,13 triệu tấn) và dự kiến đạt 7,8 triệu tấn với giá trị xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD. |
Trong đó, có các mặt hàng nổi trội phải kể đến đó là sản lượng lúa gạo đạt 33,6 triệu tấn, tăng 1,4%, mức tăng không nhiều nhưng sản lượng rất lớn. Với các tín hiệu thị trường chúng tôi chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp. Triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu, vụ Mùa và vụ Thu Đông năm 2023; đặc biệt lưu ý đảm bảo nguồn nước cho sản xuất lúa tại các tỉnh Bắc Trung bộ và tăng cường công tác bảo vệ thực vật.
Ngành chăn nuôi vẫn tăng trưởng ở mức cao, trên 5%. Sản lượng thịt heo hơi ước đạt 3.632,9 nghìn tấn, tăng 6,8%; trứng ước đạt 14,2 tỷ quả, tăng 5,6%.
Thị trường xuất khẩu thủy sản quý III/2023 bắt đầu có sự khởi sắc, tạo động lực cho người nuôi thả nuôi mới; khai thác biển cơ bản giữ ổn định do thời tiết thuận lợi. Sản lượng tháng 9 đạt 857,7 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 9 tháng 6.796,7 nghìn tấn, tăng 2,1%.
Tính đến hết tháng 9/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 38,48 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thị trường đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực. Theo đó, tháng 9/2023 xuất khẩu ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 22% so với tháng 9/2022.
Đáng chú ý, 9 tháng đầu năm 2023, một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nổi trội. Cụ thể, xuất khẩu rau quả đạt 4,2 tỷ USD, tăng 71,8% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu hạt điều đạt 2,61 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu cà phê đạt 3,16 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng với mặt hàng gạo, 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng xuất khẩu gạo đạt 6,6 triệu tấn; giá gạo 553 USD/tấn, tăng 14%. Với kết quả đã đạt được, dự báo sản lượng gạo xuất khẩu sẽ vượt con số của năm ngoái (7,13 triệu tấn) và dự kiến sẽ đạt 7,8 triệu tấn với giá trị đạt trên 4 tỷ USD.
Với kết quả đạt được 9 tháng đầu năm, mục tiêu xuất khẩu toàn ngành năm 2023 54 - 55 tỷ USD có thể đạt được không, thưa ông?
Với đà tăng trưởng đã đạt được đến hết quý III/2023 thì năm 2023, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 - 3,5%; trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 53 - 54 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42,0%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn 57%.
Trong 3 trụ cột của ngành nông nghiệp đó là nông sản, thủy sản và lâm sản thì hiện hai ngành thủy sản và lâm sản vẫn đang gặp khó. Giải pháp Bộ đặt ra là gì để có thể bù đắp sự thiếu hụt của 2 ngành hàng chủ lực này, thưa ông?
Chúng ta phải căn cứ vào đối tượng và thị trường. Đến nay, gói hỗ trợ 15 nghìn tỷ đồng đã giải ngân được 5,5 nghìn tỷ cho hai ngành thủy sản và lâm nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN) |
Với cơ cấu thị trường, 9 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 22,1%; Hoa Kỳ chiếm 20,7%; Nhật Bản chiếm 7,6%; Philippines 4,4%; Hàn Quốc 4,1%; châu Âu và các thị trường khác là 41,7%. Trong đó, riêng với thị trường Trung Quốc, chúng ta đang có lợi thế và tiềm năng rất lớn.
Hay với thủy sản, mới đây, Đoàn thanh tra của Cơ quan thanh tra và An toàn thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) đã đưa ra những đánh giá ban đầu sau khi kiểm tra an toàn thực phẩm với cá tra Việt Nam và khẳng định sản xuất cá tra của chúng ta tương đương họ.
Việc tập trung vào lợi thế thị trường và ngành hàng trên cơ sở tổ chức sản xuất và có nguồn nguyên liệu sẵn có, hàng hóa nông sản của ta đã đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường. Chúng tôi tin tưởng rằng, mục tiêu xuất khẩu 54 tỷ USD mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho ngành nông nghiệp năm 2023 có thể đạt được.
Một sự kiện rất được quan tâm đó là Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam làm việc về gỡ “thẻ vàng” IUU từ ngày 10 - 18/10/2023. Ông chia sẻ gì về những giải pháp của Việt Nam thời gian qua nhằm gỡ "thẻ vàng" IUU?
Về văn bản quy phạm phát luật, hiện chúng ta đã có Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ năm 2019; 9 Thông tư, 2 Nghị định đã được hoàn thiện và mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 81/QĐ-TTg ban hành “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 4”.
Thứ hai, việc quản lý và giám sát đội tàu vẫn đang được đốc thúc. Đây là bài toán rất nan giải. Mặc dù chúng ta đã rất nỗ lực, tuy nhiên, hiện vẫn còn 43 vụ với hơn 260 người vi phạm, con số này đã giảm hơn so với năm 2021 và 2022 rất nhiều, tuy nhiên, đây là điều kiện tiên quyết trong việc gỡ “thẻ vàng” IUU.
Bên cạnh đó là việc truy xuất nguồn gốc. Việc này lại bắt nguồn từ các con tàu khai thác.
Ngoài ra là việc xử lý vi phạm hành chính.
Trong bốn nhóm vấn đề này, có thể thấy nhóm văn bản chỉ đạo điều hành là tương đối đồng bộ. Vấn đề ở đây là tổ chức thực hiện.
6 năm vừa rồi chúng ta chưa gỡ được “thẻ vàng” IUU. Đây là vấn đề quan tâm rất lớn của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ.
Những vấn đề mà Đoàn thanh tra của EC đã chỉ ra ở lần kiểm tra thứ ba và hành động của chúng ta trong thời gian cũng đã được EC ghi nhận là đã có những chuyển biến tích cực trong triển khai các khuyến nghị cũng như sự nghiêm túc của Việt Nam đối với việc này.
Chúng tôi hi vọng rằng, với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành, 28 tỉnh/thành ven biển, Việt Nam sẽ gỡ được “thẻ vàng” IUU trong thời gian sớm nhất.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Hạnh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|