Năm 2023, nhiều doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng, dè chừng

(Banker.vn) Năm 2022, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn nỗ lực cán đích doanh thu và lợi nhuận đặt ra, thậm chí không ít doanh nghiệp còn vượt xa kế hoạch đề ra chỉ sau 9, 10 tháng hoạt động.

Doanh nghiệp xây dựng 'hụt hơi' trên đường về đích

Loạt 'ông lớn' vượt khó trong năm 2022

Trong số các nhóm ngành có kết quả tăng trưởng tốt trong năm 2022, ngành ngân hàng có mức đóng góp nhiều nhất cho đà tăng trưởng chung của toàn thị trường khi nhiều thành viên ghi nhuận lợi nhuận tăng trưởng mạnh, sớm cán đích mục tiêu lợi nhuận nghìn tỷ đồng.

Điển hình là Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), bứt tốc vượt kế hoạch kinh doanh năm 2022 chỉ sau 9 tháng. Cụ thể, luỹ kế 9 tháng năm 2022, ngân hàng này có lợi nhuận trước thuế đạt 3.181 tỷ đồng, gấp tới 3,3 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt xa kế hoạch lợi nhuận cho cả năm đề ra hồi đầu năm là 2.500 tỷ đồng.

Thừa thắng xông lên, Eximbank tự tin đề ra kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế ước đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 42,9% so với mức dự kiến đạt được trong năm 2022 là 3.500 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng đã “về đích” sớm khi lợi nhuận trước thuế sau 3 quý năm 2022 đạt hơn 4.800 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2021. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, ngân hàng này đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 4.800 tỷ đồng, tăng 32% so năm 2021. Như vậy, chỉ sau 9 tháng đầu năm, LienVietPostBank đã hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm.

doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2022
Nhiều doanh nghiệp đã bứt tốc cán đích kế hoạch kinh doanh năm 2022 và đặt kế hoạch "tham vọng" cho năm 2023. Ảnh minh hoạ

Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), theo kế hoạch kinh doanh được ĐHĐCĐ thông qua, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 190 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2021. Thế nhưng, chỉ trong 9 tháng, lợi nhuận của ngân hàng này đã đạt tới 236 tỷ đồng, tức vượt 24% kế hoạch năm.

Bên cạnh ngân hàng, các doanh nghiệp ngành dầu khí cũng liên tiếp phá kỷ lục. Đơn cử Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans, HOSE: PVT) đã về đích kinh doanh trước 3 tháng so với kế hoạch. Cả năm 2022, PVTrans ước đạt 9.150 tỷ đồng doanh thu, bằng 141% kế hoạch và lợi nhuận sau thuế 1.094 tỷ đồng, bằng 228% kế hoạch.

Một doanh nghiệp khác trong “họ” dầu khí là Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOil, UPCoM: OIL) đã nỗ lực về đích khi lần đầu tiên doanh thu hợp nhất vượt mốc 100.000 tỷ đồng, hoàn thành 223% kế hoạch năm 2022. Lợi nhuận trước thuế của PVOIL ước đạt 763 tỷ đồng, hoàn thành 153% kế hoạch năm.

Đối với Công ty CP Lọc hoá dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR), doanh nghiệp này cũng đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh đề ra cho năm 2022. Trong đó, sản lượng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đạt 6.499.087 tấn, về đích sớm 23 ngày; doanh thu ước đạt 165.500 tỷ đồng, vượt 80% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế khoảng 12.176 tỷ đồng, gấp 9,4 lần kế hoạch.

Năm 2022 cũng là năm “thăng hoa" với Tổng công ty Viglacera - CTCP (Viglacera, HOSE: VGC). Sau 11 tháng, lợi nhuận hợp nhất của công ty đã vượt 27% kế hoạch năm (kế hoạch đạt là 1.700 tỷ đồng) và tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Xếp dỡ Hải An, HOSE: HAH) cũng “vượt sóng vươn xa” khi năm 2022, doanh thu đạt 3.145 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận 835 tỷ đồng, lần lượt vượt 31,7% và 51,8% so với kế hoạch đặt ra.

Thận trọng hạ thấp chỉ tiêu

Dù sớm hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022, song một số doanh nghiệp lại tỏ ra khá thận trọng khi hạ thấp chỉ tiêu năm 2023.

Xếp dỡ Hải An là một ví dụ. Trái ngược với đà tăng trưởng mạnh của năm 2022, sang 2023, doanh nghiệp vận tải biển này lại đặt kế hoạch đi lùi với tổng doanh thu giảm 16%, đạt 2.631 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm mạnh tới 64% về còn 300 tỷ đồng.

Tương tự, dù đạt kết quả kinh doanh tốt trong niên độ 2021-2022 (doanh thu 19.319 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 873 tỷ đồng, tăng lần lượt 23% và 34% so với cùng kỳ) song Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hoà (TTC Sugar, HOSE: SBT) khá dè dặt đặt mục tiêu cho niên độ 2022-2023 với doanh thu hợp nhất 17.017 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 850 tỷ đồng, lần lượt giảm 7% và 19% so với niên độ 2021-2022.

Một số doanh nghiệp khác dù chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2022 nhưng đã cẩn thận phòng bị cho kế hoạch năm 2023. Chẳng hạn Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE: KBC) hạ thấp chỉ tiêu kinh doanh, cụ thể: tổng doanh thu hợp nhất năm 2023 dự kiến đạt 9.000 tỷ đồng và tổng lợi nhuận hợp nhất sau thuế dự kiến đạt 4.000 tỷ đồng, lần lượt giảm 8% và 11% so với kế hoạch của năm 2022.

Hay Công ty CP Tập đoàn Dabaco (HOSE: DBC), dù chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2022 nhưng lại “cài số lùi” 38% cho kế hoạch lợi nhuận năm 2023 (918 tỷ đồng) - thua xa kết quả mà Dabaco đạt được trong 2 năm 2020 và 2021, lần lượt đạt 1.400 tỷ đồng và 830 tỷ đồng.

Việc các doanh nghiệp tỏ ra thận trọng trong đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 không phải không có căn cứ khi nhiều chuyên gia dự báo nền kinh tế năm nay sẽ đối diện với nhiều thách thứ như lãi suất cao, tăng trưởng xuất khẩu thấp, gia tăng áp lực nợ xấu ở mảng bất động sản…

Xem thêm Bất động sản không có 'Tết'

Thảo Nguyên

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán