Ngày 3/3, tại Hà Nội, Thường trực Chính phủ đã có cuộc gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang đồng chủ trì sự kiện này.
Lợi nhuận trước thuế vượt 8% kế hoạch
Báo cáo tại cuộc gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Năm 2023 vừa qua, tình hình thế giới, trong nước tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, khó khăn hơn so với dự báo, tạo sức ép, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.
Trong bối cảnh đó, việc Thường trực Chính phủ tổ chức buổi gặp mặt với các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu trên toàn quốc nhân ngày đầu xuân mang ý nghĩa quan trọng, đặc biệt tại thời điểm chúng ta đang nỗ lực huy động tối đa, tập trung mọi nguồn lực nhằm quyết tâm thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Báo cáo tóm tắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước năm 2023 và đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát huy tối đa vai trò của các doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xã hội đất nước năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: Năm 2023, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự vào cuộc, nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng, trở thành điểm sáng của kinh tế toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ phát biểu: Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng các doanh nghiệp nhà nước để giao nguồn vốn, tài sản rất lớn thì các DNNN phải làm thế nào để không phụ lòng tin đó - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Trong thành công chung đó có sự đóng góp tích cực, quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhà nước.
Cụ thể, tổng doanh thu ước thực hiện năm 2023 của doanh nghiệp nhà nước khoảng 1,65 triệu tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch năm 2023. Trong đó, doanh thu của riêng 19 Tập đoàn, Tổng công ty và Tập đoàn Viettel đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp nhà nước.
Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp nhà nước khoảng 125,8 nghìn tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm. Đóng góp ngân sách nhà nước ước thực hiện khoảng 166 nghìn tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm.
Báo cáo cũng cho thấy, năm 2023, các doanh nghiệp nhà nước đã tập trung thực hiện các dự án đầu tư đảm bảo tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm theo kế hoạch được duyệt. Riêng 19 Tập đoàn, Tổng công ty có tổng vốn đầu tư giải ngân ước đạt 161 nghìn tỷ đồng so với 208,328 nghìn tỷ đồng được giao, đạt gần 80% kế hoạch năm.
Nhiều dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ triển khai: Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3,4; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Dự án mở rộng đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây…
Doanh nghiệp nhà nước ngày càng thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đóng góp thiết thực vào xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Tập trung tháo gỡ vướng mắc, khơi thông các nguồn lực
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2024, dự báo kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục đối mặt với khó khăn, thách thức lớn hơn, nhất là đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và cũng là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Chính vì vậy, ngay từ đầu năm Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP với 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong đó một số nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng các doanh nghiệp, đặc biệt khu vực doanh nghiệp nhà nước cần triển khai thực hiện như: Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, cảng hàng không, bến cảng, hạ tầng đô thị, hạ tầng liên vùng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục;
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn; Triển khai kịp thời, hiệu quả Quy hoạch điện VIII. Tiếp tục chuyển dịch, phát triển và phổ cập hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số; phổ cập nền tảng số quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các lĩnh vực mới nổi, làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới...
Để các doanh nghiệp nhà nước phát huy hết tiềm năng, nguồn lực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp cần triển khai nhanh chóng và hiệu quả các giải pháp.
Đối với các Bộ ngành, địa phương, cần khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại các Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó cần hoàn thành trình Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách về đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước; các cơ chế, chính sách đặc thù để các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn thực hiện vai trò mở đường dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, tháo gỡ triệt để các vướng mắc về cơ chế pháp lý đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước.
Với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần khẩn trương trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Đất đai bảo đảm tiến độ, chất lượng, sớm đưa Luật vào cuộc sống, khơi thông nguồn lực, phát triển kinh tế, xã hội và hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước.
Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng Luật sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69) theo hướng có giải pháp cho doanh nghiệp nhà nước chủ động phát triển trong môi trường cạnh tranh gắn với trách nhiệm và cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ sửa đổi các Nghị định hướng dẫn Luật 69/2014/QH13, trong đó, tập trung nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc trong việc thoái vốn tại doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là công ty đại chúng đang thua lỗ, chuyển giao dự án đầu tư, tài sản giữa các doanh nghiệp nhà nước, chuyển giao tài sản từ doanh nghiệp nhà nước về địa phương, xử lý về đất đai khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước...
Riêng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương triển khai các nhiệm vụ. Đó là hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 10/2019/NĐ-CP nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo tính linh hoạt, chủ động trong hoạt động của các cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp nhà nước.
Xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 10/2019/NĐ-CP nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo tính linh hoạt, chủ động trong hoạt động của các cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp nhà nước;
Bên cạnh đó, Bộ cũng phấn đấu hoàn thiện trình Chính phủ Đề án "Xây dựng cơ chế, chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực mới nổi, có lợi thế cạnh tranh nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ";
Đồng thời, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực mới nổi theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, các lĩnh vực tạo động lực mới cho tăng trưởng (Năng lượng mới, năng lượng tái tạo: Điện gió ngoài khơi, hydrogen xanh, ô tô điện, chíp bán dẫn…).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu đưa ra một loạt kiến nghị đối với các doanh nghiệp để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ mà Chính phủ đặt ra. - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Với các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của doanh nghiệp tại địa phương theo thẩm quyền nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực cho phát triển sản xuất kinh doanh.
Đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cần tiếp tục chỉ đạo và thực hiện các giải pháp, định hướng quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP; rà soát, quyết liệt thực hiện các dự án đầu tư lớn, trọng điểm, nhất là các dự án đầu tư mới đã có trong kế hoạch đầu tư năm 2024.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện Chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm và hằng năm của các doanh nghiệp.
Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành xử lý dứt điểm hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền kiến nghị phương án xử lý ngay các vướng mắc về pháp lý trong quá trình triển khai thực hiện.
Các tổng công ty, tập đoàn tiếp tục phát huy vai trò mở đường
Đối với các doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, cần khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp, Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm và hàng năm đã được phê duyệt.
Trong đó, tập trung vào các dự án đầu tư quy mô lớn, có tác động lan tỏa tới sự phát triển kinh tế xã hội, góp phần thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của ngành, địa phương. Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư và kịp thời giải ngân vốn đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư.
Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Lê Mạnh Hùng phát biểu - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Không để thiếu điện trong mọi tình huống - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước tiếp tục phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế, bảo đảm doanh nghiệp nhà nước là lực lượng tiên phong đi đầu trong trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phục hồi nền kinh tế; ứng dụng các công nghệ mới, sử dụng năng lượng sạch, chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững, bao trùm và nhân văn theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26.
Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế; sắp xếp, tinh gọn bộ máy; nâng cao khả năng cạnh tranh tại thị trường trong nước và quốc tế; tạo thế và lực cũng như cơ sở xây dựng định hướng phát triển, tầm nhìn chiến lược giai đoạn tiếp theo.
Phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh được giao, góp phần cao nhất bảo đảm các cân đối lớn cho nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm và bảo đảm đời sống cho người lao động, thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Thái Bình
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|