Năm 2022, Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (TIG) báo lãi sau thuế tăng gấp rưỡi, mạnh tay rót hơn 500 tỷ đồng vào các đơn vị thành viên

(Banker.vn) Giữa bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn nhiều bề, năm 2022, Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (TIG) vẫn có màn trình diễn ấn tượng, đáng khích lệ về kết quả kinh doanh, qua đó thể hiện năng lực quản trị, khả năng xoay chuyển tình thế của ban lãnh đạo tập đoàn.
Năm 2022, Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (TIG) báo lãi sau thuế tăng gấp rưỡi, mạnh tay rót hơn 500 tỷ đồng vào các đơn vị thành viên
Tổng thể dự án Vườn Vua Resort & Villas của Tập đoàn Đầu tư Thăng Long - TIG tại tỉnh Phú Thọ.

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ quý IV/2022, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (HNX: TIG) ghi nhận doanh thu đạt 316 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Quý IV, bên cạnh hoạt động kinh doanh nòng cốt, TIG ghi nhận thêm 15,5 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, chủ yếu là lãi tiền gửi, tiền cho vay hoặc phí ủy thác đầu tư. Nhờ tiết giảm tốt chi phí lãi vay, chi phí vận hành, tập đoàn hơn 22 năm tuổi nghề lãi trước thuế đạt gần 60 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt hơn 54 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm, doanh thu của TIG đạt 835 tỷ đồng, tăng 42% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 258,6 tỷ đồng, tăng 51% và vượt kế hoạch ĐHĐCĐ giao phó trong năm 2022.

Là tập đoàn hoạt động chủ đạo trong lĩnh vực bất động sản, giữa bối cảnh thị trường biến động mạnh, khó tiếp cận nguồn vốn, cũng như hàng loạt khó khăn khác đè nén, TIG đã có màn trình diễn ấn tượng, đáng khích lệ và thể hiện năng lực quản trị, khả năng xoay chuyển tình thế của ban lãnh đạo tập đoàn.

Về cấu trúc tài chính, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản hợp nhất toàn tập đoàn đạt 4.361 tỷ đồng, tăng 24% so với hồi đầu năm, tương ứng trên 842 tỷ đồng. Trong đó, TIG sở hữu lượng tiền mặt dồi dào với 471 tỷ đồng, là tiền đề phát triển trong môi trường lãi suất tăng cao như hiện nay, giúp tập đoàn chủ động và có nhiều lợi thế hơn đối thủ trước các cơ hội đầu tư dự án mới, hoặc phát triển, mở rộng thêm hoạt động sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn sắp tới.

Thực tế, năm 2022, TIG đã rót thêm hơn 530 tỷ đồng đầu tư vào các công ty liên kết, liên doanh; nâng tổng giá trị các khoản đầu tư lên 927,7 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với năm 2021.

Trong môi trường kinh doanh thiếu ổn định, thị trường vốn tắc nghẽn như năm ngoái, động thái tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động của TIG là dấu ấn đáng chú ý, khác biệt bởi phần lớn các doanh nghiệp cùng ngành, cùng phân khúc khác đang phải cắt giảm quy mô, thoái vốn khỏi các công ty con kinh doanh không hiệu quả, hoặc ít nhất cũng giảm bớt giá trị đầu tư vào các đơn vị khác để tập trung dòng tiền phục vụ hoạt động kinh doanh chính.

Bên cạnh đó, ở bên kia bảng cân đối kế toán, dư địa huy động vốn của TIG còn rất rộng mở. Nợ phải trả cuối năm 2022 chỉ đứng ở mức 1.871 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với vốn chủ sở hữu 2.489 tỷ đồng, cho thấy mức độ tự chủ tài chính khá cao.

Tiếp đó, trong cơ cấu nợ, TIG chỉ có khoản vay ngân hàng dài hạn 200 tỷ đồng và không phát sinh nợ vay ngắn hạn. Với phần lớn là nợ thương mại - nợ không mất lãi, TIG khá "dễ thở" trong điều kiện lãi suất cho vay đang có chiều hướng tăng cao và tiền mặt ngày một trở nên "đắt đỏ" như hiện tại.

Sức khỏe tài chính vững mạnh trong suốt nhiều năm là nét hấp dẫn của TIG trong mắt nhà đầu tư, giới phân tích thị trường. Trong một báo cáo gửi nhà đầu tư, CTCK Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho rằng chỉ số tổng nợ trên vốn chủ sở hữu của chủ dự án Vườn Vua luôn duy trì ở mức thấp so với các đối thủ, được xem là lợi thế lớn về dư địa nguồn vốn phát triển cho các dự án của tập đoàn.

Ánh Dương

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán