Năm 2022, lợi nhuận Chứng khoán APS âm gần 450 tỷ đồng

(Banker.vn) Công ty CP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (HNX: APS) công bố kết quả kinh doanh quý IV/2022 với doanh thu doanh thu hoạt động đạt gần 82 tỷ đồng, giảm 85% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đóng góp chính vào doanh thu chủ yếu từ lãi mảng tự doanh với 69,2 tỷ đồng, thu từ cho vay chỉ đạt gần 5,8 tỷ trong khi hoạt động môi giới đến về gần 2,2 tỷ đồng (đều giảm sâu so với quý IV/2021).

Năm 2022, lợi nhuận Chứng khoán APS âm gần 450 tỷ đồng
năm 2022, APS lỗ sau thuế tới 448 tỷ cho cả năm trong khi cùng kỳ lãi ròng gần 563 tỷ đồng. Hình minh họa

Ở chiều ngược lại, chi phí hoạt động bất ngờ tăng gấp 60,7 lần so với cùng kỳ lên 265 tỷ trong đó lỗ mảng tự doanh tăng ở mức 263 tỷ đồng (cùng kỳ không ghi nhận lỗ). Chính điều này đã khiến APS lỗ trước thuế 190 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 534 tỷ; lỗ sau thuế 151,6 tỷ đồng (cùng kỳ lãi ròng 528 tỷ).

Tính chung cả năm 2022, APS ghi nhận doanh thu đạt 353 tỷ đồng - giảm 47% so với năm 2021. Đáng nói, con số này thậm chí chưa bằng mức thu 522 tỷ đồng của quý IV/2021. Đáng góp chính cho doanh thu của công ty trong năm này vẫn là mảng tự doanh với gần 292 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, lỗ tự doanh của công ty cũng tăng mạnh lên mức 954 tỷ đồng - gấp 177 lần mức 5,4 tỷ của năm 2021. Điều này khiến APS lỗ sau thuế tới 448 tỷ cho cả năm trong khi cùng kỳ lãi ròng gần 563 tỷ đồng. Đây là mức lỗ kỷ lục của công ty đồng thời là năm thứ 2 trong 4 năm gần nhất APS kinh doanh thua lỗ.

Đến cuối quý IV, tổng tài sản của APS giảm từ 40% so với đầu năm về còn 976 tỷ đồng. Trong số này gồm 160 tỷ tiền và tương đương, dư nợ cho vay và phải thu giảm 64% còn 179 tỷ đồng. Nợ phải trả giảm từ 202,5 tỷ về còn dưới 14 tỷ đồng (chủ yếu từ việc giảm khoản phải trả ngắn hạn và thuế phải nộp).

Với việc tiếp tục có thêm quý kinh doanh thua lỗ, vốn chủ sở hữu của công ty giảm tới 450 tỷ đồng so với đầu năm về mức 963 tỷ đồng trong đó thăng dư lợi nhuận chưa phân phối giảm 80% về còn 116 tỷ đồng.

So với thời điểm đầu năm 2022, giá trị gốc danh mục tự doanh của APS tăng gần 85% lên mức 517 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá hợp lý chuyển từ trạng thái lãi 405 tỷ đồng sang lỗ gần 170 tỷ tại thời điểm 31/12/2022.

Các cổ phiếu của nhóm công ty cùng hệ sinh thái Apec gồm API và IDJ vẫn là các khoản đầu tư lớn nhất của APS. Tuy nhiên, đến cuối kỳ, công ty đang lỗ nửa giá trị với khoản đầu tư cổ phiếu API và lỗ 25% với cổ phiếu IDJ. Cổ phiếu CEO cũng được APS rót 104 tỷ đồng và hiện đang lỗ 18 tỷ.

Cổ phiếu HPG và BCG cũng ghi nhận giá trị đầu tư mới tại thời điểm cuối năm với giá trị cùng ở mức 25 tỷ đồng. Đáng nói, cả 2 mã này đều đang sinh lời âm.

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục