Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu có thể đạt 600 tỷ USD

(Banker.vn) Trong quý đầu tiên của năm 2020, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã đạt 154 tỷ USD, vượt xa cùng kỳ 2020. Với kết quả tăng trưởng khả quan, nhiều khả năng năm 2021, cả nước sẽ cán mốc kim ngạch xuất nhập khẩu 600 tỷ USD.

Theo thông tin Tổng cục Hải quan vừa công bố, trong tháng 3 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt gần 30 tỷ USD, tăng tới 46,8% so với tháng 2.

Trong tháng 3, có 5 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch 1 tỷ USD trở lên gồm: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị; dệt may; giày dép.

Lũy kế hết quý 1, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 78,4 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Ở chiều nhập khẩu, tháng 3 cũng ghi nhận kim ngạch đạt 28,5 tỷ USD, tăng trưởng ấn tượng tới 37,8% so với tháng 2 trước đó. Hết quý 1, kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 75,6 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với kết quả trên, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả quý 1 đạt 154 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu 2,8 tỷ USD.

Đáng chú ý, so với quý 1/2020, kim ngạch trong quý đầu năm nay tăng thêm tới hơn 41 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng tới 36,6%.

Với kết quả quý 1, cộng với tốc độ tăng trưởng cao và quy luật những năm gần đây, nhiều khả năng năm 2021, cả nước sẽ cán mốc kim ngạch xuất nhập khẩu 600 tỷ USD.

Đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu trong năm 2021, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, kể cả dịch bệnh có thể thuyên giảm thì tác động của Covid-19 vẫn sẽ còn lâu dài, ít nhất trong một vài năm nữa. Yếu tố thị trường có thể cũng chưa trở lại, các doanh nghiệp cần phải đặc biệt lưu ý đến yếu tố này và cũng không thể chủ quan mà vẫn phải tiếp tục sử dụng các công cụ mà chúng đã phát triển tốt hơn, ví dụ như sử dụng các kênh tiếp thị trên môi trường số.

Tuy nhiên, chúng ta đã có trong tay các hiệp định thương mại tự do với hầu hết các thị trường cơ bản, những thị trường lớn trên thế giới. Bây giờ các doanh nghiệp sẽ phải tổ chức sắp xếp lại để tìm hiểu cho kỹ và vận dụng được tốt hơn các lợi thế từ các hiệp định này. Còn các vấn đề về quản trị, về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như các yếu tố về cải cách hành chính để hỗ trợ cho doanh nghiệp, đấy là những vấn đề về lâu dài chúng ta vẫn phải duy trì.

Ông Trần Thanh Hải chia sẻ thêm, hiện nay, các yếu tố về mặt dịch bệnh cũng như những yếu tố về địa chính trị, các vấn đề về tác động chung của kinh tế vĩ mô trên thế giới đến Việt Nam thì Bộ Công Thương đã đều có tính toán đưa vào các kịch bản phát triển cũng như các dự báo chính sách của Bộ trong thời gian sắp tới.

Đối với lĩnh vực về xuất nhập khẩu, hiện nay, Bộ Công Thương đang xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược mới về hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn sắp tới, vừa là để thay thế chiến lược 10 năm vừa qua, đồng thời cũng là xác định hướng đi mới trong bối cảnh thế giới đã có rất nhiều thay đổi như hiện nay, về những yếu tố về môi trường kinh doanh quốc tế, những yếu tố về địa lý, yếu tố về tự nhiên cũng như là yếu tố về sản xuất, tác động của khoa học công nghệ. Đây sẽ là sự hỗ trợ lớn nhất, cơ bản nhất của Bộ Công Thương trong dài hạn.

Theo Báo Công thương

Theo: Báo Công Thương