Ngày 07/9/2023, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) và Cơ quan Dịch vụ thông tin tín dụng Hàn Quốc (KCIS) phối hợp tổ chức Tọa đàm “MyData: Bước đột phá nâng cao chất lượng hoạt động thông tin tín dụng và hỗ trợ phát triển các dịch vụ tài chính” để giới thiệu những lợi ích và hiệu quả thu được từ hệ thống MyData - Dữ liệu thông tin ngành tài chính và ngân hàng do KCIS vận hành, qua đó có những bài học kinh nghiệm từ Hàn Quốc và cơ hội phát triển một hệ thống tương tự tại Việt Nam.
Ông So Young Kim - Phó Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc phát biểu tại Tọa đàm
Tham dự Tọa đàm về phía Hàn Quốc có ông So Young Kim - Phó Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc; ông Sang Ki Yoon - Tham tán công sứ - Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam; ông You Sam Choi - Chủ tịch KCIS cùng lãnh đạo một số tổ chức tín dụng và tổ chức cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng của Hàn Quốc. Về phía ngành Ngân hàng Việt Nam, dự Tọa đàm có ông Tạ Quốc Hùng - Chủ tịch Hội đồng Quản lí CIC, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), ông Cao Văn Bình - Tổng Giám đốc CIC, NHNN. Tham dự Tọa đàm còn có lãnh đạo một số vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN, lãnh đạo một số tổ chức tín dụng…
Ông Tạ Quốc Hùng - Chủ tịch Hội đồng Quản lí CIC phát biểu khai mạc Tọa đàm
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Tạ Quốc Hùng - Chủ tịch Hội đồng Quản lí CIC cho biết, trong thời đại công nghệ số và toàn cầu hóa sâu rộng, bên cạnh khái niệm thông tin tín dụng truyền thống, các thuật ngữ “dữ liệu lớn hay dữ liệu thay thế” không còn xa lạ với tất cả chúng ta. Các nguồn dữ liệu này tồn tại ở nhiều tổ chức, nhiều hoạt động xã hội, nhiều lĩnh vực trong đời sống sinh hoạt và kinh tế. Nhiều nghiên cứu, giải pháp công nghệ nhằm khai thác và sử dụng các nguồn dữ liệu này đã chứng minh hiệu quả to lớn của các nguồn dữ liệu trong hỗ trợ công tác dự báo, thống kê, hoạch định chính sách, quản trị rủi ro, đánh giá khách hàng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng… Tuy nhiên, việc tập hợp được tất cả các nguồn dữ liệu truyền thống và phi truyền thống để hình thành nên một cơ sở hay hệ thống dữ liệu phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau của nền kinh tế thật sự là một công việc khó khăn với không ít các quốc gia trong đó có Việt Nam, từ việc hình thành khuôn khổ pháp lí về bảo vệ, chia sẻ dữ liệu cá nhân, đến phát triển nền tảng công nghệ để khai thác cơ sở dữ liệu hay xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị thành viên…
Theo ông Tạ Quốc Hùng, việc xây dựng một hệ thống tập trung các dữ liệu về người tiêu dùng dịch vụ tài chính; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tra cứu và kiểm soát dữ liệu tài chính cá nhân từ nhiều tổ chức trong cùng một nền tảng như mô hình MyData của Hàn Quốc là một giải pháp đáng để Việt Nam nghiên cứu và học tập kinh nghiệm. Có thể thấy, Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc và KCIS rất nỗ lực và tâm huyết trong việc xây dựng hệ thống MyData đạt hiệu quả, mang tính thiết thực và gắn với đời sống để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp tại Hàn Quốc. Ông Hùng nhấn mạnh, CIC luôn nhận được sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam, Ban Lãnh đạo NHNN trong các hoạt động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng nói chung, đặc biệt là lĩnh vực thông tin tín dụng nói riêng giữa các quốc gia, nền kinh tế, cơ quan thông tin tín dụng trong khu vực và trên toàn thế giới. Việc chia sẻ thông tin cởi mở về cơ sở hạ tầng MyData trong lĩnh vực tài chính và những ứng dụng của hệ thống MyData trong việc xếp hạng tín dụng và cải thiện các dịch vụ tài chính dành cho khách hàng sẽ giúp ích cho Việt Nam trong xây dựng hệ thống dữ liệu mới hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận và kiểm soát thông tin dữ liệu chặt chẽ hơn, giảm thiểu rủi ro mất an toàn bảo mật thông tin, hạn chế và ngăn chặn tình trạng lừa đảo, đánh cắp danh tính trong các giao dịch tài chính trên nền tảng số.
Ông You Sam Choi - Chủ tịch KCIS phát biểu tại Tọa đàm
Phát biểu khai mạc chào mừng Tọa đàm, ông So Young Kim - Phó Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc cho biết, việc xây dựng hệ thống MyData và cơ sở thông tin tín dụng của ngành tài chính Hàn Quốc để phù hợp với nền kinh tế phát triển, ngành tài chính đã có nhiều thay đổi để có thể tăng tính lành mạnh của ngành tài chính, việc hợp tác giao lưu trong ngành tài chính giúp hai bên đều có lợi. Dữ liệu là nguồn nguyên liệu thô quan trọng trong ngành tài chính, nhờ dữ liệu, xếp hạng tín dụng sẽ tạo ra những sự đổi mới trong lĩnh vực tài chính, phát triển các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm, cho vay. Theo ông So Young Kim, hệ thống MyData của Hàn Quốc được coi là mô hình thành công, người dân có thể xem các thông tin của họ, xem các dịch vụ tài chính được xếp hạng và nâng xếp hạng tín dụng cá nhân của mình. Số người dùng ngày càng tăng, đang có hơn 90 triệu người sử dụng MyData. Do đó, cần thiết truyền tải dữ liệu an toàn để ứng dụng vào các ngành khác. Ông So Young Kim hi vọng, MyData sẽ được ứng dụng vào ngành tài chính Việt Nam, đồng thời mong muốn, ngành tài chính, ngân hàng Việt Nam sẽ có bước nhảy vọt, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của đất nước, cũng như tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa ngành tài chính của hai quốc gia.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông You Sam Choi - Chủ tịch KCIS cho biết, lí do phải tập trung nhiều vào dữ liệu vì muốn có sự liên kết thông suốt trong việc giải quyết các vấn đề mà chúng ta đang đối mặt thông qua sức mạnh của dữ liệu. Đáng tiếc là việc chỉ thu thập dữ liệu mà không có một hệ sinh thái kết nối thì sẽ không tạo ra được sự đột phá nào. Thông qua việc thu thập, tổng hợp dữ liệu, chúng ta sẽ có thể xử lí các vấn đề liên quan đến tín dụng, nợ công… Ở một khía cạnh nào đó, việc thu thập dữ liệu còn dựa trên kinh nghiệm của con người, nhưng dữ liệu phải được tập hợp và coi đó là trải nghiệm để có thể đưa ra quyết định một cách chính xác chứ không phải theo trực giác. Các tổ chức tài chính có thể hoạt động linh hoạt, chủ động dựa trên dữ liệu.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm chụp hình lưu niệm
Tầm quan trọng của việc thiết lập cơ sở hạ tầng MyData
Theo đại diện của KCIS, những năm 2010, cơ sở dữ liệu MyData dần trở thành một lĩnh vực quan trọng, dẫn đầu xu hướng đổi mới kĩ thuật số, các luật liên quan đến MyData được Hàn Quốc sửa đổi từ năm 2020. MyData là khuôn khổ cho phép các cá nhân chủ động quản lí và sử dụng dữ liệu của mình, từ đó tăng cường quyền của chủ thể thông tin bằng các công cụ kĩ thuật số, đây là một mô hình mới trong ngành kinh doanh dữ liệu toàn cầu, hệ thống MyData bao gồm ba bên là chủ sở hữu dữ liệu, bên cung cấp dữ liệu, công ty vận hành MyData. Ở Hàn Quốc, có năm đạo luật có liên quan cho phép công ty vận hành MyData được quyền tiếp cận dữ liệu. Hiện có khoảng 720 danh mục dữ liệu trong MyData tài chính được truyền qua 100 API (Application programming interface). Có thể kể đến như thông tin về ngân hàng, thẻ, đầu tư, bảo hiểm, thông tin giao dịch trả góp, tài chính điện tử và các thông tin khác như thông tin viễn thông, hoạt động cấp tín dụng, bảo hiểm bảo lãnh, cho vay ngân hàng… Kể từ tháng 7/2023, có 61/65 công ty thành viên MyData được cấp phép đang vận hành dịch vụ. Phần lớn các công ty thành viên MyData cung cấp dịch vụ quản lí tài chính cá nhân và mới xuất hiện một số công ty cung cấp dịch vụ quản lí tài chính doanh nghiệp.
Toàn cảnh phiên thảo luận nhóm.
Ứng dụng MyData cung cấp trải nghiệm tài chính trực quan, thân thiện với người dùng cho chủ sở hữu dữ liệu. MyData cung cấp các dịch vụ như tìm kiếm các khoản trợ cấp của Chính phủ mà bạn có thể được hưởng, đề xuất thẻ tín dụng, cung cấp các khoản vay, quản lí điểm tín dụng… Trong 17 tháng hoạt động, có 80 triệu lượt đăng kí và 220 tỉ lượt giao dịch qua API. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu thông tin công khai trong lĩnh vực hành chính đã và đang tăng trưởng đều đặn trong lĩnh vực tài chính.
MyData mở rộng trên mọi ngành, tạo ra sức mạnh tổng hợp và hệ sinh thái kinh doanh dữ liệu sôi động. Ngoài lĩnh vực tài chính, MyData còn hiện diện trong tất cả các ngành khác, tạo ra hiệu ứng tổng hợp và khuyến khích hợp tác liên ngành. Trong tương lai, sẽ mở rộng khái niệm chia sẻ dữ liệu, không chỉ là sở hữu dữ liệu, hướng tới minh bạch thông tin, khái quát hóa dịch vụ, truy vấn thông tin cá nhân tích hợp; kích thích nền kinh tế dữ liệu thông qua lưu thông dữ liệu.
MyData là một dự án thu thập thông tin tài chính cá nhân phân tán ở các cơ quan khác nhau, phân tích về tình hình tài chính, dạng thức tiêu dùng, giúp quản lí tài sản và tín dụng, như giới thiệu sản phẩm tài chính phù hợp cho người tiêu dùng. Thông qua dịch vụ này, khách hàng có thể chuyển thông tin mong muốn cho công ty tài chính, hạn chế tình trạng thu thập thông tin tràn lan của các công ty tài chính như trước.
Ứng dụng cơ sở dữ liệu MyData
Với tham luận: “Cơ sở dữ liệu MyData và nâng cao xếp hạng tín dụng trong kỉ nguyên số hóa”, đại diện từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thông tin tín dụng NICE đã trình bày cách thức MyData nâng cao chất lượng các mô hình xếp hạng tín dụng và tiềm năng trong việc tăng tính chính xác của mô hình xếp hạng tín dụng.
Đại diện đến từ Ngân hàng Shinhan trình bày tham luận: “Ứng dụng MyData phát triển các nền tảng dịch vụ tài chính và triển vọng của nền tảng”, trong đó nhấn mạnh cách thức hoạt động của MyData trong ứng dụng ngân hàng và tác dụng của MyData trong việc cải thiện dịch vụ tài chính cho khách hàng.
Ông Hwang Soon Young, Phó Giám đốc chi nhánh Công ty Bảo hiểm Bảo lãnh Seoul (SGI) Hà Nội với tham luận: “Triển vọng tăng trưởng tín dụng dựa trên bảo hiểm bảo lãnh” nhận định dữ liệu sẽ là “chìa khóa” để phát triển các sản phẩm mới trong mọi ngành nghề, trong đó có tài chính. Dữ liệu là nguồn tài nguyên mới của thế kỉ 21, trong thời gian tới, cần thúc đẩy sự phát triển kinh tế dựa trên dữ liệu. Theo ông Hwang Soon Young, việc có các thông tin rộng rãi về tài chính và tín dụng trên nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ là động lực nâng cao lợi ích cho khách hàng. Tại Việt Nam, một trong những sản phẩm có thể tận dụng tốt dữ liệu để phát triển đó là bảo hiểm bảo lãnh, thông tin tín dụng là động lực quan trọng để phát triển sản phẩm này. Ông Hwang Soon Young cho biết, hiện 11 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam đã được cấp phép kinh doanh bảo hiểm bảo lãnh cho thấy tiềm năng phát triển sản phẩm này còn rất lớn. Để phát triển mạnh mẽ hơn, ông Hwang Soon Young cho rằng, cần có quản lí thông tin riêng về bảo lãnh, thông tin về thanh toán hộ và chia sẻ thông tin tín dụng với các doanh nghiệp bảo hiểm bảo lãnh.
Tại phiên thảo luận nhóm dưới sự chủ trì của ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc CIC, các diễn giải đã trao đổi sâu, cung cấp thêm nhiều thông tin có giá trị về MyData và các vấn đề có liên quan. Về vấn đề liên quan đến SGI mong muốn tham gia CIC, ông Lê Anh Tuấn cho biết, SGI thuộc loại doanh nghiệp bảo hiểm, sẽ được coi là tổ chức tự nguyện tham gia CIC nếu đủ các điều kiện CIC đưa ra. Hiện nay, có khoảng 60 tổ chức được CIC cho phép tham gia hệ thống. Các tổ chức như CIC, KCIS, NICE có vai trò quan trọng trong trao đổi thông tin xuyên biên giới, hỗ trợ cá nhân Hàn Quốc sang Việt Nam làm ăn, sinh sống và ngược lại.
Ông Lê Anh Tuấn cho biết thêm, thông qua cơ chế trao đổi thông tin xuyên biên giới, CIC tích cực tham gia mạng lưới để đàm phán kí kết hoạt động trao đổi, nhưng vẫn đảm bảo an toàn, an ninh bảo mật và đảm bảo quyền của chủ thể dữ liệu.
Ông Cao Văn Bình - Tổng Giám đốc CIC phát biểu kết luận Tọa đàm
Phát biểu kết luận Tọa đàm, ông Cao Văn Bình - Tổng Giám đốc CIC nhấn mạnh, những kinh nghiệm từ mô hình MyData sẽ là những gợi mở hữu ích cho CIC và các ngân hàng, tổ chức tài chính, cũng như các cơ quan, ban, ngành của Việt Nam trong việc định hướng xây dựng một cơ sở dữ liệu đầy đủ các nguồn thông tin tín dụng và phi tín dụng, hình thành các khuôn khổ chia sẻ và khai thác thông tin một cách toàn diện, ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin hiện đại... để phục vụ tốt hơn các nhiệm vụ, mục tiêu của hệ thống ngân hàng và mục tiêu tăng trưởng kinh tế an toàn, bền vững.
Quỳnh Anh