Mỹ bị Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm: Ảnh hưởng ra sao?

(Banker.vn) Việc Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ đã gây ra những làn sóng, cả trong nền kinh tế lẫn trong chính trị. Nhưng đối với thị trường tài chính, động thái này liệu có thực sự tạo ra ảnh hưởng quá lớn?

Hạ xếp hạng tín nhiệm

Ngày 1/8, Fitch Ratings đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ một bậc, từ AAA xuống AA+, phần lớn do những bế tắc của Chính phủ nước này trong vấn đề trần nợ công.

graphic.jpg
Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống AA+

Quyết định hạ xếp hạng được đưa ra 2 tháng sau "cuộc chiến" chỉ nhượng bộ đến phút cuối cùng của các nhà lập pháp tại đồi Capitol về thỏa thuận trần nợ công bắt đầu từ đầu năm nay, đưa Mỹ đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Xếp hạng mới của Fitch Ratings đã đặt Mỹ ngang hàng với Áo và Phần Lan, đồng thời thấp hơn Thụy Sỹ và Đức.

Động thái này có thể khiến các nhà đầu tư bán tháo trái phiếu Kho bạc Mỹ, dẫn đến sự gia tăng đột biến về lợi suất, vốn được xem là dữ liệu tham khảo cho lãi suất đối với nhiều khoản vay.

Giải thích lý do hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ, Fitch Ratings chỉ ra tình trạng thâm hụt tài khóa sẽ ngày càng trầm trọng trong 3 năm tới ở nước này,  các tranh cãi về trần nợ công đã dẫn tới vòng xoáy bế tắc và làm giảm sút lòng tin về khả năng giải quyết tình hình của chính phủ Mỹ, bất chấp lưỡng đảng đã đạt được thoả thuận trần nợ cho đến tháng 1/2025.

Fitch Ratings cho biết quyết định này không chỉ được thúc đẩy bởi xung đột trần nợ mới nhất mà là do “sự suy giảm liên tục trong các tiêu chuẩn quản trị trong 20 năm qua” liên quan đến “các vấn đề tài chính và nợ”.

Chỉ trích

Việc Fitch Ratings hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Mỹ đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ Washington và Phố Wall bất chấp thực tế rõ ràng, thâm hụt ngân sách gia tăng có nguy cơ dẫn đến tình trạng hỗn loạn trên thị trường, nền kinh tế và cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.

Trước hết, các quan chức chính quyền Tổng thống Biden ngay lập tức phản đối động thái này của Fitch Ratings.

“Tôi hoàn toàn không đồng ý với quyết định của Fitch Ratings. Thay đổi do Fitch Ratings công bố hôm nay là tùy ý và dựa trên dữ liệu đã lỗi thời”, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết trong một tuyên bố đưa ra trong ngày 1/8.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cũng khẳng định quan điểm hoàn toàn không đồng ý với quyết định trên và đưa ra những lo ngại về mô hình xếp hạng của Fitch Ratings.

Đây không phải là lần đầu tiên một cơ quan xếp hạng lớn hạ bậc tín nhiệm của Mỹ. S&P Global Ratings từng hạ bậc tín nhiệm của nước này vào năm 2011. Động thái của S&P Global Ratings khi đó đã có tác động lớn đến thị trường, dẫn đến sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán và tăng lợi suất trái phiếu.

S&P Global Ratings đã duy trì xếp hạng AA+ đối với Mỹ sau lần hạ xếp hạng năm 2011 trong khi Moody’s giữ nguyên xếp hạng AAA.

Một quan chức chính quyền Tổng thống Biden đã từ chối suy đoán về việc liệu các cơ quan xếp hạng tín dụng lớn khác có làm theo sự dẫn dắt của Fitch Ratings hay không song ông cũng lưu ý rằng, Fitch Ratings là cơ quan duy nhất có quan điểm tiêu cực với Mỹ.

Việc Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm cũng đã gây ra một cuộc tranh cãi chính trị mới, có khả năng kéo dài đến cuộc bầu cử vào tháng 11/2024. Đảng Dân chủ đổ lỗi cho Đảng Cộng hòa vì đã trì hoãn việc tăng trần nợ vào đầu năm nay, trong khi Đảng Cộng hòa chỉ trích chương trình chi tiêu của Tổng thống Joe Biden, được gọi là “Bidenomics”.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng những quan điểm được Fitch Ratings nêu ra là hợp lý. Hai cựu Bộ trưởng Tài chính, Hank Paulson và Tim Geithner thúc giục Washington kiểm soát thâm hụt liên bang ngày càng tăng.

"Quỹ đạo tài chính của chúng ta rất đáng lo ngại", ông Paulson nói với Bloomberg, trong khi ông Geithner cảnh báo Chính phủ cần hành động trước khi quá muộn và khó khăn.

Thâm hụt liên bang ghi nhận 1.390 tỷ USD trong chín tháng đầu tiên của năm tài chính hiện tại, tăng khoảng 170% so với cùng kỳ năm trước. Bộ Tài chính Mỹ mới đây cũng đã tăng dự báo khoản vay cho quý hiện tại lên 1.000 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức 733 tỷ USD đưa ra vào tháng 5/2023.

Những con số trên đã nâng lợi tức trái phiếu 30 năm của Mỹ lên mức cao nhất trong gần 9 tháng vào hôm 25/7, trước khi Fitch hạ bậc tín nhiệm.

Từ phố Wall, Laura Cooper, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại BlackRock International, nhận định, việc Mỹ bị hạ bậc tín nhiệm có thể khiến các nhà đầu tư chú ý đến gánh nặng nợ công cao ngất ngưởng và cũng có thể bị coi là mối lo ngại trong trung hạn. Những thách thức tài chính củng cố cho quan điểm, các nhà đầu tư sẽ yêu cầu phần bù rủi ro cho kỳ hạn cao hơn từ trái phiếu trái phiếu Kho bạc Mỹ khi  danh mục của họ trở nên kém khả quan sau khi Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm.

Steven Ricchiuto, chuyên gia kinh tế trưởng tại Mizuho Securities USA thẳng thắn cho rằng: "Về cơ bản, việc hạ xếp hạng tín nhiệm cho thấy chi tiêu của chính phủ Mỹ là một vấn đề".

Không quá quan trọng

Mỹ khó có thể sớm lấy lại được xếp hạng "hoàn hảo" của mình. Richard Francis, một giám đốc cấp cao của Fitch Ratings tại Mỹ, nói với The Times rằng, yếu tố quan trọng đằng sau việc hạ xếp hạng tín nhiệm là sự chia rẽ đảng phái mạnh mẽ, nguyên nhân chính dẫn đến bế tắc trong vấn đề trần nợ công và ngăn chặn mọi nỗ lực đạt được thỏa thuận về thuế hoặc tăng chi tiêu liên bang.

“Không có sự sẵn sàng từ bất kỳ bên nào nhằm thực sự giải quyết những thách thức tiềm ẩn”, Francis nói.

Tuy nhiên, Jamie Dimon, CEO của JPMorgan Chase cho rằng, việc hạ xếp hạng tín nhiệm lần này “không thực sự quan trọng lắm”. Đây cũng là quan điểm mà nhiều chuyên gia đã đưa ra.

Dựa trên các tiêu chí do chính Fitch đặt ra vào năm ngoái, bao gồm tỷ lệ nợ trên GDP và hiệu suất kinh tế vĩ mô, có thể thấy nền kinh tế Mỹ đang được cải thiện.

Carol Kong, chiến lược gia tiền tệ tại Commonwealth Bank of Australia đánh giá, đồng USD có thể tiếp tục giảm giá trong ngắn hạn song xếp hạng tín nhiệm thường không phải là động lực trung hạn chính của tiền tệ.

Các nhà đầu tư cũng được coi là ít có khả năng bán phá giá trái phiếu Kho bạc đang nắm giữ do đây là tài sản trung tâm như đối với thị trường toàn cầu. Bộ Tài chính Mỹ cũng phát hành thêm trái phiếu trong những tháng tới.

Trong khi đó, Chris Harvey, Trưởng bộ phận chiến lược cổ phần tại Wells Fargo & Co. cho biết, việc Fitch Ratings hạ xếp hạng lần này sẽ không có tác động tương tự như việc S&P hạ xếp hạng vào năm 2011 do môi trường vĩ mô hoàn toàn khác biệt và các lý do khác.

"Trước đợt hạ xếp hạng của S&P vào tháng 8/2011, thị trường đang ở chế độ “không mạo hiểm”, cổ phiếu điều chỉnh, chênh lệch tín dụng mở rộng đáng kể, lãi suất giảm. Hiện tại, các điều kiện gần như ngược lại: chênh lệch lợi suất đã chạm mức thấp nhất so với đầu năm, lãi suất tăng, chỉ số S&P 500 tăng 20% so với đầu năm và nhiều nhà đầu tư kỳ vọng FED sẽ cắt giảm lãi suất vào đầu năm 2024”, Harvey nói.

Quỳnh Lê

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục