Mường Phăng - Vùng đất cách mạng ngày ấy và bây giờ

(Banker.vn) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, những ngày này, Nhân dân cả nước đều hướng về vùng đất Điện Biên lịch sử, nơi ghi dấu ấn Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của quân và dân ta khiến cả thế giới sửng sốt, khâm phục!

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, những ngày này, Nhân dân cả nước đều hướng về vùng đất Điện Biên lịch sử, nơi ghi dấu ấn Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của quân và dân ta khiến cả thế giới sửng sốt, khâm phục!

Về vùng căn cứ địa cách mạng

Trên chiến trường Điện Biên năm xưa, có một địa danh chúng ta không thể không nhắc tới khi nói về Chiến thắng Điện Biên Phủ, đó là Mường Phăng - vùng đất mà cách đây 70 năm, dưới sự chỉ huy tài tình của vị tướng đại tài - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân đội nhân dân Việt Nam non trẻ lúc bấy giờ đã làm nên chiến thắng kỳ tích, ghi mốc son chói lọi vào trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

 
“Vinh quang thay đất Mường Phăng
Có hầm Đại tướng, có rừng chỉ huy”

Câu ca dao ra đời sau Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi vào đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Mường Phăng, để mỗi khi đọc lên, người dân nơi đây lại trỗi lên niềm tự hào về vùng căn cứ địa cách mạng anh hùng, đã có đóng góp vô cùng quan trọng trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, bảo vệ  Tổ quốc.

Mường Phăng - nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ trong 105 ngày đêm (từ ngày 31/01/1954 đến ngày 15/5/1954) nằm cách thung lũng Mường Thanh khoảng 18 km theo đường chim bay và 38 km đi đường bộ.

Trước đó, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ được đặt tại hang Thẩm Púa nằm dưới chân núi đá vôi Pú Hồng Cáy thuộc địa phận bản Bó, xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên trong 32 ngày (từ ngày 17/12/1953 đến ngày 17/01/1954).

Tại hang Thẩm Púa, ngày 14/01/1954, đã diễn ra hội nghị quan trọng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trao nhiệm vụ cho các đơn vị: Đại đoàn 308 đánh vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ từ hướng tây, xuyên qua những vị trí nằm trên cánh đồng chọc thẳng tới Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; Đại đoàn 312 và Đại đoàn 316 có nhiệm vụ đột kích từ hướng đông, nơi có những cao điểm trọng yếu của địch.

Gần tới ngày nổ súng tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, rạng sáng ngày 18/01/1954, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được chuyển về hang Huổi He ở km 62, bản Nà Tấu, xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho gần mặt trận, gần các đơn vị để tiện điều hành các phương án tác chiến trong thời gian 13 ngày (từ ngày 18/01/1954 đến ngày 30/01/1954).

Tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có quyết định sáng suốt và khó khăn nhất trong cuộc đời của mình là chuyển phương châm tiêu diệt địch từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc. Có ba khó khăn để Đại tướng và Bộ Chỉ huy chiến dịch thay đổi quyết định đó là: Thứ nhất, quân Pháp có sự thay đổi rất lớn, từ 4.500 tên tăng lên 10.000 tên; thứ hai, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, mặc dù có sự phối hợp giữa bộ binh và pháo binh nhưng Quân đội nhân dân Việt Nam chưa qua tập luyện; thứ ba, trong năm 1954, Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ quen đánh du kích, đánh ban đêm có địa hình ẩn náu, đánh ban ngày chưa có kinh nghiệm.

Tuy nhiên, hang Huổi He có địa điểm gần với quốc lộ 279, dễ bị phát hiện. Do đó, để đảm bảo yếu tố bí mật, ngày 31/01/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Chỉ huy chiến dịch đã quyết định chuyển toàn bộ Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ vào khu rừng Mường Phăng, dưới chân núi Pú Đồn, thuộc địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên (nay là xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Mường Phăng là Sở Chỉ huy thứ ba và cũng là Sở Chỉ huy cuối cùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Mặc dù Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ chỉ cách trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hơn chục cây số đường chim bay, quân Pháp thường xuyên cho máy bay do thám, tìm kiếm và xua quân càn quét, tìm diệt cơ quan đầu não và bộ đội chủ lực của ta, nhưng suốt thời gian di chuyển và tập kết tại Mường Phăng cho đến ngày bộ đội ta giải phóng Điện Biên Phủ, nơi này luôn được đảm bảo an toàn tuyệt đối.

 


Du khách tham quan Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên

Ẩn mình dưới những tán lá cây cổ thụ của khu rừng Mường Phăng, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ nằm ở độ cao trên 1.700 m so với mặt biển, được xây dựng dọc theo con suối nhỏ trong mát, uốn mình lượn quanh chân núi Pú Đồn. Nơi đây là cơ quan đầu não, chỉ huy, điều hành toàn bộ Chiến dịch Điện Biên Phủ, cũng là nơi thuận lợi cho việc quan sát, chỉ huy tác chiến trên chiến trường.

Các cơ quan của Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ được bố trí thành một hệ thống chỉ huy và phòng thủ liên hoàn gồm các vị trí: Trạm gác tiền tiêu - bảo vệ Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở vòng ngoài; lán và hầm làm việc của cơ quan thông tin và Trưởng ban Thông tin chiến dịch Hoàng Đạo Thúy. Tiếp đến là lán và hầm làm việc của sĩ quan liên lạc giữa Bộ Chỉ huy chiến dịch với đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc; lán và hầm làm việc của đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc. Đi vào khu vực trung tâm Sở Chỉ huy Chiến dịch là lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngôi lán vô cùng đơn sơ, giản dị, có diện tích 18
m2 và được làm thành hai gian: Gian rộng phía ngoài là nơi làm việc, nghỉ ngơi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thời gian 3 tháng rưỡi; gian phía trong dành cho đồng chí cần vụ của Đại tướng.


Trạm gác Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong cuốn Hồi ức “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhớ lại lán ở và làm việc của mình: “…Vật liệu gồm tre, luồng, lá móc, lá gồi kiếm được tại chỗ. Giữa nhà có một chiếc bàn đủ rộng để trải bản đồ. Hai bên là hai ghế dài, mặt ghế ghép bằng những đoạn vầu bổ đôi. Hai đầu có hai chiếc giường lát nứa, một của tôi, một của đồng chí vệ sĩ. Không biết ai là người đầu tiên nghĩ ra kiểu nhà này. Nó đã ổn định tới mức không cần có sự cải tiến nào”.
  

Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam kiêm Chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ
 
Từ lán Đại tướng Võ Nguyên Giáp thông sang lán ở và làm việc của Thiếu tướng Hoàng Văn Thái - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kiêm Tham mưu trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ và lán cố vấn quân sự Vi Quốc Thanh là một đường hầm dài 69 m, cao 1,70 m, rộng từ 1 đến 3 m, giữa hầm có một phòng họp diện tích 18 m
2 và 5 vị trí đặt máy thông tin liên lạc: Một máy nối Sở Chỉ huy chiến dịch với Bộ Chính trị Trung ương Đảng, bốn máy liên lạc trực tiếp với các đại đoàn đang chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Đường hầm này là công trình lớn nhất ở Sở Chỉ huy do trung đội công binh của đồng chí Đỗ Hải thực hiện trong 28 ngày đêm liên tục. Đường hầm được đưa vào sử dụng từ ngày 15/4/1954, giữa đợt tấn công thứ hai ở Điện Biên Phủ.

Từ căn hầm đi ra triền núi phía sau, trèo lên đỉnh núi Pú Huốt (núi Sừng Trời) là đỉnh cao nhất trong quần thể núi rừng ở Mường Phăng. Đỉnh Pú Huốt được Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn đặt đài quan sát của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ trên đài quan sát có thể nhìn thấy toàn bộ thung lũng Mường Thanh với các cứ điểm đồi Him Lam, đồi Độc Lập, đồi A1, đồi C1, đồi D1, cầu Mường Thanh, hầm De Castriest… Do đó, mọi động thái của quân Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đều nằm trong sự giám sát chặt chẽ của bộ đội ta.

Để chỉ huy, điều hành các công tác của Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội ta đã xây dựng một chiếc lán rộng tại Sở Chỉ huy chiến dịch làm hội trường. Đây là nơi diễn ra các hội nghị cán bộ từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên do Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch triệu tập. Tại hội trường đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng có liên quan đến sự thành bại của chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó phải kể đến Hội nghị cán bộ ngày 7/2/1954. Tại Hội nghị này, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch đã quán triệt phương châm tác chiến mới và tiến hành công tác chuẩn bị chiến đấu. Cũng tại hội trường này, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã sáng tác bài hát “Giải phóng Điện Biên” vào đêm mồng 7/5/1954.

Tiếp theo là nhà tác chiến, nơi diễn ra các cuộc họp giao ban hằng ngày của Bộ Chỉ huy chiến dịch và theo dõi diễn biến tình hình chiến sự trên chiến trường của Ban Tác chiến và Ban Quân báo. Tại ngôi lán này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định cho từng trận đánh mà đỉnh cao là lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận tiến công vào sở chỉ huy của quân Pháp, đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ Chỉ huy quân Pháp bị bắt sống vào ngày 7/5/1954, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

 


Nhà tác chiến - nơi giao ban hằng ngày của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ

 
Lán Ban Cơ yếu do đồng chí Nguyễn Chánh Cân phụ trách đã giải mã các điện mật kịp thời, chính xác, đảm bảo tuyệt đối bí mật các chỉ đạo của Bộ Chỉ huy chiến dịch và các đơn vị tham gia chiến đấu trên chiến trường.

Vị trí bếp Hoàng Cầm và lán ăn thuộc Cơ quan hậu cần luôn đảm bảo cung cấp đầy đủ những bữa cơm cho các cán bộ, chiến sĩ. Bếp Hoàng Cầm là một loại bếp dã chiến, được thiết kế có nhiều đường rãnh để làm loãng khói tỏa ra khi nấu ăn nhằm tránh bị máy bay phát hiện từ trên cao cũng như ở gần. Vì vậy, bếp Hoàng Cầm “nấu không khói” cả ban ngày lẫn ban đêm mà không sợ bị địch phát hiện.

Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ là hệ thống hầm hào và những ngôi lán nhỏ vô cùng đơn sơ được làm từ tre, luồng, lá móc, lá gồi... có sẵn trong khu rừng Mường Phăng. Với một ý chí kiên cường vì độc lập tự do của dân tộc, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, tiến hành trận quyết chiến, quyết thắng Điện Biên Phủ, giành thắng lợi quyết định, đưa cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn, ghi một mốc son bằng vàng chói lọi trong lịch sử dân tộc ta, non sông đất nước ta.

 
“Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”
 

Mường Phăng tươi đẹp hôm nay
 
Mường Phăng - vùng căn cứ cách mạng, địa chỉ đỏ cho các thế hệ con cháu phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện, noi theo tinh thần đấu tranh vì độc lập dân tộc của ông cha ta… Nhưng ngày nay, Mường Phăng không còn là vùng rừng núi sâu thẳm, đường vào các thôn, bản giao thông nhỏ, hẹp, đi lại rất khó khăn, tỉ lệ đói nghèo cao nữa. Mường Phăng giờ đây đang vươn mình trỗi dậy, bứt phá vươn lên, đời sống kinh tế của người dân từng bước được nâng cao; bản làng Mường Phăng sầm uất, giao thông đồng bộ, các tuyến đường liên xã được mở rộng, trải nhựa phằng lì, các trục đường nội bản, liên bản được nhựa hóa hoặc bê tông hóa kiên cố; hệ thống cơ sở hạ tầng về điện, đường, trường, trạm được xây dựng đồng bộ, khang trang, hiện đại nhưng vẫn lưu giữ đậm nét văn hóa truyền thống của các dân tộc nơi đây.

Mường Phăng hiện có gần 5.000 nhân khẩu thuộc ba dân tộc là Thái, Mông, Kinh, sinh sống ở hơn 20 thôn, bản. Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và tỉnh Điện Biên, Mường Phăng có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ, chú trọng sản xuất nông nghiệp, phát triển nhiều mô hình chăn nuôi như cá, gia súc, gia cầm. Tính đến cuối năm 2023, toàn xã Mường Phăng có hơn 540 ha lúa 2 vụ, tổng sản lượng lương thực đạt hơn 2.968 tấn/năm; tổng đàn gia súc đạt 5.362 con và gia cầm các loại là 50.685 con. Cùng với đó, diện tích các loại cây trồng, cây ăn quả đặc trưng vùng miền được mở rộng như hồng, mận, đặc biệt là cây dâu tây.

Nhiều người dân Mường Phăng đã dám nghĩ dám làm, bứt phá trong tư duy, học hỏi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ… để vươn lên làm giàu. Điển hình là mô hình kinh tế trang trại dâu tây của anh Hoàng Văn Dán. Trong một lần về huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, thấy bà con nơi đây trồng nhiều dâu tây, lại bán được giá nên anh Dán nhen nhóm ý tưởng trồng dâu tây Hana trên mảnh đất Mường Phăng. Sau đó, anh Dán đã mạnh dạn mua giống dâu tây đem lên trồng ở vùng đất có nhiệt độ cao như Điện Biên. Qua quá trình thử nghiệm trồng trọt và chăm sóc, nhận thấy cây dâu tây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Mường Phăng, cây phát triển và sinh trưởng tốt, cho quả ngon, có vị ngọt như dâu tây trồng ở Mộc Châu, anh Hoàng Văn Dán đã quyết định mở rộng quy mô trang trại trồng dâu tây với 2.000 m2. Sản phẩm dâu tây Hana của anh Hoàng Văn Dán hiện đã được cung cấp cho toàn thị trường thành phố Điện Biên Phủ và các vùng lân cận. Từ thu hoạch dâu tây, mỗi năm, gia đình anh Hoàng Văn Dán thu nhập khoảng 400 triệu đồng, trừ đi tất cả chi phí cho lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng. Ngoài ra, từ giữa năm 2023, anh Hoàng Văn Dán còn mạnh dạn trồng thử nghiệm khoảng 2.000 m2 nho Hạ Đen. Anh Dán kì vọng mô hình này thành công để tiếp tục mở rộng diện tích cây trồng, nâng cao thu nhập cho gia đình và tạo việc làm cho lao động địa phương.

Mô hình trồng dâu tây của anh Hoàng Văn Dán đã được xã Mường Phăng cũng như tỉnh Điện Biên đánh giá rất cao về hiệu quả kinh tế, giúp bà con nơi đây thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Bên cạnh đó, xã Mường Phăng phát huy thế mạnh của địa phương, chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch trải nghiệm lịch sử, mô hình du lịch cộng đồng, điển hình là bản Che Căn - bản nằm gần Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ - với những nếp nhà sàn truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái, những điệu xòe, những bài hát dân ca Thái, ẩm thực của đồng bào Thái ở Tây Bắc; phát triển nghề rèn dao, dệt thổ cẩm của đồng bào Mông, khôi phục lại việc trồng lanh, dệt vải của người Mông ở Mường Phăng theo phương thức truyền thống… Mô hình du lịch cộng đồng ngày càng thu hút khách du lịch thập phương, qua đó làm tăng thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Đặc biệt, những năm qua, hộ nghèo, hộ cận nghèo, bà con dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách ở Mường Phăng luôn được quan tâm, tạo điều kiện vay vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư, phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, cơ sở kinh doanh, cửa hàng tạp hóa, buôn bán các mặt hàng đặc sản của địa phương, đầu tư xây dựng mô hình du lịch cộng đồng... từ đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giúp họ có cuộc sống ấm no hơn. Không những thế, nhiều hộ gia đình còn vay vốn chương trình học sinh, sinh viên để trang trải học phí, mua máy vi tính... đầu tư cho các con học tập để có một tương lai tốt đẹp.

Năm 2018, xã Mường Phăng về đích thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, Mường Phăng đang tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Tính đến hết năm 2023, xã Mường Phăng chỉ còn 3 hộ cận nghèo và 4 hộ nghèo, giảm 13 hộ so với năm 2022. Phấn đấu đến hết năm 2024, Mường Phăng sẽ không còn hộ nghèo.

 


Diện mạo khang trang của Mường Phăng ngày nay

 
Đã tròn 70 năm, Mường Phăng những ngày đầu của tháng 5 lịch sử ngập tràn trong sắc vàng của lúa chín báo hiệu mùa màng bội thu, những nương ngô, nương sắn được người nông dân dày công chăm sóc tốt tươi trải dài một màu xanh mướt…; những nếp nhà sàn khang trang, vững chãi nép mình bên những sườn đồi uốn lượn; những con đường trải bê tông sạch sẽ nối giữa các thôn, bản; những mô hình du lịch cộng đồng, nhà sàn, quán ăn… bận rộn đón khách du lịch trong nước và quốc tế tấp nập tới tham quan khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, Cụm tượng đài mừng công, công viên Chiến thắng Mường Phăng… đã đem đến cho Mường Phăng nguồn thu đáng kể, là nguồn sinh kế bền vững của người dân địa phương.

Diện mạo khởi sắc của Mường Phăng hôm nay là nhờ Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc xã Mường Phăng phát huy truyền thống cách mạng, sức mạnh của Nhân dân, phấn đấu nỗ lực không ngừng, chung sức, đoàn kết, đồng lòng, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cùng nhau phát triển kinh tế bên cạnh giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng vùng đất cách mạng Mường Phăng ngày càng giàu đẹp, mức sống của bà con được nâng cao, cuộc sống đủ đầy, ấm no, hạnh phúc.
 
Tài liệu tham khảo:


1. Từ hang Thẩm Púa đến rừng Mường Phăng. Đài Truyền hình Thanh Hóa.
2. Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hồi ức “Điện Biên Phủ, Điểm hẹn lịch sử”. Hữu Mai thể hiện.
3. https://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/213769/muong-phang-ngay-ay-bay-gio?page=169
4. https://phananh.dienbien.gov.vn/vi/chi-tiet-tin?id=20777

5. https://baotintuc.vn/xa-hoi/sac-xuan-tren-can-cu-dia-cach-mang-muong-phang-20240206083137976.htm
6. https://www.tuyengiao.vn/de-cuong-tuyen-truyen-ky-niem-70-nam-chien-thang-dien-bien-phu-152552

Phương Chi (NHNN)
Theo: Tạp chí Ngân hàng
    Bài cùng chuyên mục