Muốn thâm nhập thị trường Úc, doanh nghiệp cần đặt ưu tiên hàng đầu đối với chất lượng sản phẩm

(Banker.vn) Xuất khẩu hàng hoá sang Úc đang có nhiều triển vọng, tuy nhiên doanh nghiệp cần đặt ưu tiên hàng đầu đối với chất lượng sản phẩm.
Trái vải Việt Nam sẽ vào thị trường Úc “Bén duyên” thị trường Úc

Thương mại song phương nhiều điểm sáng

Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết, trong năm 2023, do bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Úc, Việt Nam nói riêng phục hồi còn chậm so với kỳ vọng, căng thẳng, bất ổn tại nhiều khu vực trên thế giới, tình hình lạm phát cao, biến động tỷ giá… dẫn tới thương mại song phương Việt Nam - Úc có sự sụt giảm so với 2022, đạt 13,75 tỷ USD, giảm 12%, trong đó Việt Nam xuất khẩu 5,22 tỷ USD, nhập khẩu 8,53 tỷ USD.

Mặc dù vậy, thương mại song phương trong năm 2023 cũng chứng kiến nhiều điểm sáng. Thứ nhất, xuất khẩu của Việt Nam sang Úc tuy giảm nhưng không quá lớn (-5,3%), nằm quanh mức giảm tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra toàn thế giới trong năm 2023 (355,5 tỷ USD, giảm -4,4%).

Thứ hai, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường Úc vẫn chứng kiến đà tăng như dầu thô (+37,4%), dệt may (+4,9%), sản phẩm từ sắt thép (+1,5%)…; đặc biệt kim ngạch hàng dệt may tăng trưởng tốt trong bối cảnh xuất khẩu dệt may Việt Nam sang các thị trường khác sụt giảm.

Thứ ba, lạm phát tại Úc đã giảm mạnh các tháng cuối năm 2023. Thực tế kim ngạch song phương sụt giảm trong những tháng đầu năm 2023 song đã phục hồi mạnh trong những tháng cuối năm; đây là cơ sở để kỳ vọng thương mại sẽ tiếp tục phục hồi trong năm tới.

Muốn thâm nhập thị trường Úc, doanh nghiệp cần đặt ưu tiên hàng đầu đối với chất lượng sản phẩm
Xuất khẩu hàng hoá sang Úc có một số thuận lợi. Ảnh: TTXVN

Thời gian tới, theo Thương vụ Việt Nam tại Úc, xuất khẩu hàng hoá sang Úc có một số thuận lợi, cụ thể: Quan hệ song phương Việt Nam – Úc đang phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt kinh tế. Lãnh đạo hai nước cũng đã thống nhất chủ trương nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược toàn diện ở thời điểm phù hợp. Hai nước đều là thành viên của WTO, là thành viên của 3 Hiệp định FTA quan trọng (CPTPP, RCEP, AANZFTA) với những ưu đãi đặc biệt về thuế quan; hai nước ký Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam – Úc (EEES) với nhiều nội dung hợp tác quan trọng.

Đặc biệt, nền kinh tế Úc có nhiều tín hiệu phục hồi tích cực sau khi tình hình lạm phát được kiểm soát và tránh được suy thoái kỹ thuật. Ngoài ra, Úc có chính sách tập trung vào Đông Nam Á, mới đây Chính phủ Úc ban hành Chiến lược kinh tế với Đông Nam Á đến năm 2040, trong đó riêng với Việt Nam sẽ tập trung 4 lĩnh vực ưu tiên gồm: Nông nghiệp và thực phẩm, năng lượng sạch, tài nguyên khoáng sản, giáo dục đào tạo, tạo thuận lợi cho thúc đẩy hợp tác thương mại song phương.

Cùng với đó, sản phẩm hàng hoá của Việt Nam phong phú, đa dạng, một số sản phẩm Việt Nam đã tiếp cận được thị trường và khẳng định được thương hiệu, chất lượng (thuỷ sản, hạt tiêu, dệt may, đồ da giày…). Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng đang ghi nhận mức kim ngạch tăng trưởng mạnh những năm gần đây và có tiềm năng lớn để đẩy mạnh xuất khẩu sang Úc trong thời gian tới như bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc (+89%), gạo (+19,1%), clinker và xi măng (+119,7%)…

Ngoài ra, Nhà nước có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu như miễn thuế xuất khẩu, cho phép tiếp cận nguồn vốn kinh doanh lãi suất thấp, hỗ trợ thông tin, chính sách phù hợp, kịp thời… Trong đó, Bộ Công Thương và các đơn vị trực thuộc (Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Thương vụ Việt Nam tại Úc…) luôn sẵn sàng hỗ trợ, cung cấp cho doanh nghiệp các thông tin cần thiết về thị trường, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Úc cũng chỉ rõ sẽ có không ít khó khăn. Trong đó, thị trường Úc có các quy định, rào cản kỹ thuật rất khắt khe, một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả Hoa Kỳ và EU. Úc cũng đặt ra nhiều quy định về nhập khẩu như quy định về bao bì, nhãn mác; quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch; quyền sở hữu trí tuệ; thương hiệu; tập quán kinh doanh,... "Đặc điểm nhu cầu tiêu dùng người dân Úc chú trọng chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, nếu muốn thâm nhập thị trường Úc, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần đặt ưu tiên hàng đầu đối với chất lượng sản phẩm, thay vì giá thành"- Thương vụ Việt Nam tại Úc nêu rõ.

Đáng chú ý, theo Thương vụ Việt Nam tại Úc, hiện quy mô sản xuất, nhất là nông sản của Việt Nam, còn phân mảnh, các doanh nghiệp hoạt động còn riêng rẽ, chưa huy động được nguồn lực tổng hợp để thúc đẩy chiếm lĩnh thị trường. Trong khi đó, khả năng truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Úc còn những hạn chế nhất định. Doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ tại thị trường từ nhiều nước khác như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ…

Xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi thế FTA

Trong năm 2024, để phục hồi và thúc đẩy thương mại song phương, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết sẽ tiếp tục chủ động các công tác nắm bắt cập nhật thông tin thị trường, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (AANZFTA, CPTPP, RCEP) thúc đẩy xuất khẩu.

Đồng thời, Thương vụ cũng sẽ tăng cường phối hợp Cục Xúc tiến thương mại và các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương triển khai các hoạt động hợp tác với đối tác của Úc, đặc biệt Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Úc (Austrade), tổ chức các chương trình làm việc, trao đổi, qua đó xây dựng các cơ chế hợp tác song phương góp phần củng cố và thúc đẩy hợp tác thương mại.

Phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Úc, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các hoạt động, chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại, thúc đẩy đầu tư, tuyên truyền hình ảnh sản phẩm Việt Nam tại thị trường Úc, góp phần tăng cường và củng cố quan hệ song phương Việt Nam – Úc.

Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thông qua nhiều hoạt động cụ thể, trong đó cam kết: Kịp thời cung cấp thông tin thị trường, các chính sách thương mại của nước sở tại cho bất kỳ doanh nghiệp nào có yêu cầu. Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường thông qua tham gia, trưng bày sản phẩm, thương hiệu miễn phí tại các Hội chợ quốc tế lớn trong năm mà Thương vụ tham gia. Hỗ trợ doanh nghiệp làm việc, kết nối xuất nhập khẩu với các nhà nhập khẩu lớn tại Úc và siêu thị tại Úc.

Tư vấn hoặc phối hợp tư vấn thiết kế bao bì, tiếp xúc khách hàng, đến khi nổi tiếng đối với doanh nghiệp mới, doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng mới. Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh công tác truyền thông, marketing tuyên truyền, quảng bá sản phẩm. Phối hợp giải quyết các khó khăn, hạn chế cho doanh nghiệp trong quá trình thâm nhập thị trường cũng như xuất nhập khẩu hàng hoá với thị trường. Hỗ trợ xử lý các vướng mắc liên quan tới phòng vệ thương mại, bảo hộ thương hiệu, giải quyết tranh chấp nếu có phát sinh xảy ra…

Cùng với đó, Thương vụ Việt Nam tại Úc đã đưa ra một số khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam nhằm tăng cường hiệu quả xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Úc. Cụ thể, cần ghiên cứu kỹ các thông tin về thị trường, tập trung vào nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, pháp luật nước sở tại… đối với các sản phẩm doanh nghiệp có ý định xuất khẩu. Chú trọng hơn nữa về bao bì sản phẩm, đảm bảo chất lượng hàng hóa nhất là các quy định về thành phần hóa chất, chất bảo quản...

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp cần tăng cường kiểm soát chất lượng vùng trồng, vùng nuôi; Hoàn thiện hệ thống đăng ký, đánh giá cấp mã vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến; Thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất, thương mại nông sản. Tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm, đầu tư phát triển nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trên các khía cạnh công nghệ, nhân sự, nhất là nhân sự chuyên môn về marketing và thị trường.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương