Muốn nâng hạng phải gia tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường niêm yết

(Banker.vn) Trải qua hơn 20 năm hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam đang hướng tới mục tiêu nâng hạng (từ thị trường cận biên lên mới nổi) trước năm 2025. Để đạt được mục tiêu này có rất nhiều việc phải làm trong đó gia tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường là một trong những việc cần thiết. Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đã phỏng vấn bà Hoàng Hải Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) xung quanh nội dung này.

PV: Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, hiện thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là thị trường cận biên. Đâu là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Việt Nam chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi, thưa bà?

Bà Hoàng Hải Anh: Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sau hơn 20 năm hình thành và phát triển đã trải qua giai đoạn phát triển nhanh chóng. Từ xuất phát điểm chỉ có 2 doanh nghiệp niêm yết vào phiên giao dịch đầu tiên, hiện đã tăng lên gần 1.600 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch.

Bên cạnh đó, vốn hóa thị trường tính đến hết tháng 3/2023 đạt 5,47 triệu tỷ đồng, là con số phát triển vượt bậc ngoài dự đoán. Tuy nhiên, cũng như các thị trường khác ở giai đoạn đầu phát triển, TTCK Việt Nam đang bước sang giai đoạn nâng cao chất lượng nhằm thu hút đầu tư.

Muốn nâng hạng phải gia tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường niêm yết

Câu chuyện nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi nhiều năm qua đã được cơ quan quản lý cũng như tổ chức tư vấn quốc tế tập trung nghiên cứu, và chỉ ra những điểm cần cải thiện, hoàn thiện để đáp ứng theo quy định.

Câu chuyện nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi nhiều năm qua đã được cơ quan quản lý cũng như tổ chức tư vấn quốc tế tập trung nghiên cứu, và chỉ ra những điểm cần cải thiện, hoàn thiện để đáp ứng theo quy định.

Trong đó, các vấn đề cốt lõi gồm có: tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; mức độ tự do chuyển đổi của đồng tiền ngoại hối; quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt trong thủ tục đầu tư; thời gian chu kỳ thanh toán…

Nhìn chung, đó là các vấn đề xoay quanh việc tham gia TTCK Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài, và cũng có nghĩa là, một thị trường mới nổi phải là thị trường đạt các thông lệ tối thiểu và có sự thông thoáng, bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Các cơ quan quản lý đang nỗ lực để xóa bỏ những rào cản trên, đặc biệt từ phương diện kỹ thuật, thủ tục như: rút ngắn thời gian cho chu kỳ thanh toán; thủ tục đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào TTCK Việt Nam.

Bên cạnh đó, một số vấn đề mang tính chất chính sách cũng nhận được sự quan tâm lớn của thị trường, như mức độ tự do chuyển đổi của đồng tiền ngoại tệ, hay tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài...

Muốn nâng hạng phải gia tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường niêm yết
Bà Hoàng Hải Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam.

Để giải quyết bài toán này, cần các giải pháp mang tính chiến lược, vừa kịp thời và đáp ứng được các tiêu chí nâng hạng thị trường, tạo điều kiện cho thị trường phát triển, thu hút đầu tư, vừa đảm bảo an toàn trong điều hành nền kinh tế.

Nhìn chung, các vấn đề nêu trên về mặt lý thuyết đều đang được các nhà hoạch định chính sách thiết kế. Tuy nhiên, thực tiễn chỉ ra rằng, khi áp dụng vào thực tế, các chính sách tháo gỡ có khả năng nảy sinh ra những rào cản khác, khiến kết quả đạt được không cao, hoặc không giải quyết được vấn đề một cách toàn diện.

Lấy ví dụ, liên quan đến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại TTCK Việt Nam. Mặc dù Nghị định 60 ban hành ngày 26/6/2015 đã cho phép nới room của nhà đầu tư nước ngoài lên 100%, vậy nhưng, thủ tục thực hiện lại yêu cầu cần có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông, trong khi thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông theo Luật Doanh nghiệp không hề quy định cụ thể về vấn đề này.

Điều này dẫn đến rào cản từ chính các cổ đông hiện hữu (mang tính thời điểm tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông) hoặc rào cản từ HĐQT - nơi có quyền quyết định đưa ra/không đưa ra xin ý kiến cổ đông với những vấn đề liên quan.

Hay như việc quản lý chuyển đổi ngoại tệ, và trình tự thủ tục đầu tư trên TTCK Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài cũng vậy. Trong khi quy định đang được thiết kế với mục tiêu quản lý minh bạch dòng tiền ra/vào Việt Nam, phòng chống hoạt động rửa tiền và kiểm soát cân đối nguồn ngoại tệ; song, các thủ tục vẫn khá "rườm rà" và thiếu tiện ích, đặc biệt đối với hoạt động đầu tư của nước ngoài vào một thị trường năng động như TTCK.

Từ đó, nó bỗng dưng trở thành rào cản mới cho các nhà đầu tư nước ngoài. Để tránh tình trạng này tiếp diễn, tôi cho rằng các cơ quan quản lý liên quan phải cùng nhau thống nhất được quy trình phù hợp, đồng thời, nhanh chóng áp dụng công nghệ thông tin, số hóa và đưa AI vào để phục vụ nhu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

PV: Mục tiêu cuối cùng của việc nâng hạng thị trường là để thu hút đầu tư. Vậy bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chí trong quá trình đánh giá nâng hạng như bà vừa nêu, Việt Nam cần làm gì để đạt được mục tiêu này?

Bà Hoàng Hải Anh: Theo tôi, có một số nhóm vấn đề cần lưu ý trong giai đoạn hiện nay.

Thứ nhất, cần nâng cao chất lượng doanh nghiệp niêm yết, qua đó giúp "hàng hóa" trên TTCK trở nên hấp dẫn, đáng tin cậy hơn. Với những diễn biến trong thời gian qua, có thể nói TTCK đang bước vào giai đoạn thanh lọc để dần loại bỏ những doanh nghiệp niêm yết kém chất lượng, thiếu minh bạch ra khỏi thị trường.

Chúng ta chỉ nên giữ lại những doanh nghiệp niêm yết tốt, xứng đáng được công chúng trong nước và quốc tế quan tâm, cũng như xứng đáng trong việc đại diện cho "phong vũ biểu" của nền kinh tế Việt Nam.

Về số lượng, doanh nghiệp niêm yết mới trong những năm gần đây đã tăng mạnh, đạt đến ngưỡng tương đối khả quan so với một TTCK hơn 20 tuổi. Vì vậy, chúng ta có đủ dư địa để triển khai các phương án sàng lọc doanh nghiệp niêm yết không còn phù hợp và tập trung khuyến khích, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp chất lượng khác tiến hành niêm yết, bổ sung lượng "hàng hóa" mới cho TTCK.

Thứ hai, trình độ và đạo đức của người hành nghề chứng khoán, nhà đầu tư cũng cần tăng cường hơn nữa trong bối cảnh phát triển mới. Đây là vấn đề rất quan trọng.

Nhận thức được điều này, VASB đã xây dựng Bộ quy tắc đạo đức hành nghề chứng khoán, là Bộ quy tắc đạo đức đầu tiên đạt chuẩn theo thông lệ quốc tế ở Việt Nam áp dụng cho các công ty và cá nhân hành nghề trong ngành chứng khoán.

VASB đang nỗ lực truyền tải Bộ quy tắc này đến toàn bộ thị trường TTCK, thông qua việc xây dựng giáo trình sử dụng trong các trường đại học, xây dựng chương trình đào tạo cho các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ sẵn sàng tuân thủ đạo đức nghề nghiệp đối với các công ty...

Muốn nâng hạng phải gia tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường niêm yết
Trình độ và đạo đức của người hành nghề chứng khoán, nhà đầu tư cũng cần tăng cường hơn nữa trong bối cảnh phát triển mới

Mục tiêu của VASB là giúp người hành nghề trên TTCK Việt Nam tăng cường nhận thức về các tiêu chuẩn theo thông lệ quốc tế, từ đó có thể hòa nhập và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy khởi nguồn của các hành vi dưới chuẩn đạo đức (theo thông lệ quốc tế) chủ yếu xuất phát từ sự "vô ý" chứ không phải "cố ý", vì vậy, trang bị kỹ lưỡng hơn cả về kiến thức lẫn nhận thức cho người hành nghề là điều tối quan trọng trong công cuộc phát triển chất lượng TTCK.

Thứ ba, chúng ta cũng cần quan tâm sát sao đến tính ổn định và nhất quán trong ban hành chính sách kinh tế, là chìa khóa mở ra cánh cửa thu hút đầu tư.

Chẳng hạn, những năm qua, vì nhiều nguyên nhân nên Việt Nam chứng kiến các đợt biến động trong chính sách phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió, điện mặt trời), khiến các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài rất quan ngại khi ra quyết định đầu tư vào Việt Nam.

Thực tế minh chứng, dù nguồn năng lượng tái tạo được Chính phủ khuyến khích phát triển mạnh mẽ nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch; tuy nhiên, hiện không ít doanh nghiệp sau khi đầu tư xây dựng các nhà máy năng lượng tái tạo (điển hình như điện mặt trời) lại gặp nhiều khó khăn khi hòa lưới điện...

Tôi hy vọng rằng, với sự quyết liệt của Chính phủ trong giai đoạn gần đây, tất cả những vấn đề đã được nhận diện sẽ có phương án giải quyết toàn diện, qua đó tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam, cũng như TTCK phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.

PV: Song song với hoạt động thanh lọc TTCK đang diễn ra mạnh mẽ trong những tháng gần đây, có quan điểm cho rằng chúng ta cần ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đủ tốt lên sàn chứng khoán để bù đắp thiếu hụt, bổ sung lượng "hàng" chất lượng cho TTCK. Bà nghĩ sao về quan điểm này?

Thực tế, bên cạnh yếu tố chất lượng, quy mô cũng là một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của một TTCK. TTCK và giới đầu tư luôn mong muốn tiếp nhận thêm các "tân binh" giàu tiềm năng, đáp ứng được các tiêu chuẩn niêm yết lên sàn giao dịch.

Cần nhắc lại, đây là cuộc chơi "win-win" cho doanh nghiệp cũng như TTCK Việt Nam. Về phía doanh nghiệp, họ sẽ nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư, dễ dàng tiếp cận các kênh huy động vốn phi ngân hàng, tạo tiền đề phát triển lâu dài, bền vững.

Muốn nâng hạng phải gia tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường niêm yết
TTCK và giới đầu tư luôn mong muốn tiếp nhận thêm các "tân binh" giàu tiềm năng, đáp ứng được các tiêu chuẩn niêm yết lên sàn giao dịch

Đối với TTCK, việc bổ sung thêm doanh nghiệp niêm yết sẽ giúp đa dạng hóa các lĩnh vực kinh doanh trên thị trường, thay vì chỉ tập trung vào hai mảng ngân hàng và bất động sản như trước. Điều này có ý nghĩa không chỉ đối với các chỉ số đầu tư, các quỹ đầu tư mà còn cả với điều hành chính sách vĩ mô.

Các doanh nghiệp được khuyến khích niêm yết mới đại diện cho các lĩnh vực, ngành nghề đang phát triển sẽ làm gia tăng tỷ trọng của ngành, cũng phần nào đóng góp vào sự gia tăng của các ngành đang phát triển, phản ánh thực trạng phát triển của nền kinh tế.

PV: Theo bà, các chính sách, quy định đối với doanh nghiệp đại chúng, doanh nghiệp đủ điều kiện niêm yết trên sàn hiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hay chưa? Bà có đề xuất thay đổi, điều chỉnh chính sách nào với các cơ quan quản lý nhà nước?

Bà Hoàng Hải Anh: Nhìn chung, so với Luật Chứng khoán 2006, Luật Chứng khoán 2019 đã có nhiều quy định mới siết chặt hơn các điều kiện về doanh nghiệp đại chúng, doanh nghiệp đủ điều kiện niêm yết trên sàn. Ví dụ như tăng mức vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng, điều kiện về hoạt động của doanh nghiệp, các điều kiện về hồ sơ, cam kết của doanh nghiệp… cũng tăng lên.

Điều này góp phần tích cực trong việc sàng lọc bớt các doanh nghiệp nhỏ lẻ, hoạt động không hiệu quả tham gia vào thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, để có thể khuyến khích các doanh nghiệp chất lượng niêm yết và tham gia vào thị trường chứng khoán, vấn đề không nằm chủ yếu ở các quy định về điều kiện mà chủ yếu nằm ở nhận thức của các doanh nghiệp và thủ tục xử lý ở các cơ quan quản lý.

Theo tôi, cần có những giải pháp xung quanh các nhóm vấn đề này.

Trong đó, đầu tiên cần tăng cường công tác phổ biến nhận thức, đẩy mạnh hoạt động tư vấn sớm cho các doanh nghiệp có mục tiêu niêm yết để doanh nghiệp có thể chuẩn bị tốt cho việc niêm yết từ 1 đến 2 năm trước khi niêm yết. Các công ty chứng khoán nên được khuyến khích để đồng hành cùng doanh nghiệp từ sớm thay vì đa số chỉ xử lý thủ tục hồ sơ để niêm yết doanh nghiệp như hiện nay.

Thứ nữa, chúng ta cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ và thêm nhiều ưu đãi đối với các doanh nghiệp trước, trong và sau khi niêm yết.

Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa sản phẩm, kênh huy động vốn hiệu quả trên TTCK cũng là một trong các chính sách giúp thu hút các doanh nghiệp tham gia.

Cuối cùng, công tác thanh kiểm tra, xử lý các sai phạm cũng cần được quan tâm, chú trọng nhằm đảm bảo chất lượng của TTCK Việt Nam, góp phần xây dựng một thị trường chứng khoán minh bạch, rõ ràng và vững bền.

Xin cám ơn bà!

Đón đọc bài 9: Phối hợp đồng bộ các chính sách vĩ mô để khơi thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán biến động quá lớn, chưa tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp lên sàn

Chưa xác định mục tiêu phát triển huy động vốn trên thị trường, khó khăn do nền kinh tế vĩ mô, ngại chia sẻ quyền ...

Doanh nghiệp lên sàn chứng khoán: Thiếu vắng cả "chất" và "lượng"

Những hoạt động niêm yết trong 2 năm gần đây không chỉ thiếu vắng về "lượng", mà ngay cả "chất" cũng không đủ. Chẳng hạn ...

Ông chủ lo mất quyền kiểm soát khiến nhiều doanh nghiệp đứng ngoài sàn

Trở thành doanh nghiệp đại chúng, tiến tới niêm yết trên sàn đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đa dạng hóa cơ cấu cổ ...

Giải pháp nào để tăng sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán, thu hút doanh nghiệp lên sàn? (Bài 1)

LTS: Các doanh nghiệp Việt Nam đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn do dư âm của đại dịch Covid-19 và những biến ...

Vì sao nhiều doanh nghiệp Đà Nẵng chưa mặn mà niêm yết?

Là trung tâm kinh tế năng động nhất miền Trung nhưng hiện tại, số DN tại Đà Nẵng lên sàn chứng khoán còn rất khiêm ...

Thách thức đến từ minh bạch hóa thông tin

Để hấp dẫn nhà đầu tư và có thể gọi được vốn thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu, ngoài hiệu quả kinh doanh ...

Doanh nghiệp FDI ngại lên sàn vì tiềm tàng rủi ro định giá

"Thị trường chứng khoán Việt Nam sau bao nhiêu năm hoạt động vẫn tồn tại nhiều bất cập, thiếu sự minh bạch và hiện tượng ...

Nhiều doanh nghiệp “ngó lơ” sàn chứng khoán

Hiệu quả của việc huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán là một thực tế không thể phủ nhận. Bên cạnh đó còn ...

Vân Oanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán