Hiệu quả tín dụng đặt ra không chỉ bằng tăng trưởng mà cao hơn là trọng trách chính trị rất nhân văn của Đảng, Nhà nước giao cho NHCSXH trợ giúp các đối tượng yếu thế thoát nghèo bền vững. Câu chuyện làm tín dụng 18 năm qua của NHCSXH vì thế có những đặc thù riêng, đòi hỏi mỗi cán bộ không chỉ giỏi chuyên môn mà đòi hỏi phải có tâm để nuôi dưỡng ý chí, khát vọng “nơi nào có người nghèo, nơi đó có mạch nguồn tín dụng”.
Sinh ra và lớn lên ở bản Hang Chú, xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, Giàng A Dua thấu hiểu hơn ai hết cái nghèo và cơ cực của đồng bào quê hương. Địa hình hiểm trở, núi thì dốc, đất đai đã ít lại bạc màu, thời tiết khắc nghiệt lúc khô hạn, lúc lũ quét, cuộc sống của người dân nếu không có nguồn vốn và phương thức sản xuất phù hợp, chuyện cơm no ắt còn gian nan. Cũng bởi vậy, khi chọn cho mình đơn vị công tác ở quê nhà, Giàng A Dua đã chọn NHCSXH huyện Bắc Yên với mong muốn trao cho đồng bào quê anh cơ hội đổi đời từ việc cho vay vốn chính sách phát triển kinh tế.
Hơn 11 năm làm tín dụng chính sách, đôi chân Giàng A Dua đã quen thuộc từng dốc núi, góc rừng của huyện. Chẳng phải vì theo đồng nghiệp tham gia các phiên giao dịch, mà hơn hết là trong vai trò cán bộ phụ trách địa bàn đồng hành cùng các hộ dân qua các chu kỳ vay vốn. Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, Giàng A Dua đã phụ trách tín dụng 12 xã/15 xã của huyện. Liên tục luân chuyển địa bàn theo phân công của đơn vị, song nhìn lại từng năm và những nơi Giàng A Dua phụ trách đều thấy sự bứt phá về chất và lượng. Như năm 2017, phụ trách 4 xã Mường Khoa, Phiêng Côn, Xím Vàng và Háng Đồng, Giàng A Dua đã đưa tổng dư nợ lên 33 tỷ đồng với 1.186 hộ vay, tăng so với 31/12/2016 là 2,6 tỷ đồng; nợ quá hạn là 147,4 triệu đồng, giảm so với 31/12/2016 là 8,6 triệu đồng. Năm 2018, Giàng A Dua đưa dư nợ 4 xã Chim Vàn, Phiêng Ban, Xím Vàng và Háng Đồng lên 65,7 tỷ đồng, tăng gần 7 tỷ đồng so với cuối năm 2017. Tính đến thời điểm 30/4/2020, Giàng A Dua phụ trách 4 xã Song Pe, Pắc Ngà, Phiêng Côn và Hua Nhàn với tổng dư nợ gần 81 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm 2015 là 40 tỷ đồng. Số hộ vay vốn đang còn dư nợ 2.140 hộ, dư nợ bình quân mỗi hộ là 37,7 triệu đồng.
Cái khó của làm tín dụng chính sách không chỉ chịu thương, chịu khó mà phải tâm huyết với nghề. Đặc biệt, ở một huyện miền núi khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, thiên tai, dịch bệnh luôn rình rập, để có thể đưa đồng vốn hiệu quả đến đồng bào có nhu cầu và năng lực sử dụng vốn, Giàng A Dua luôn biết mình phải dựa vào cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các Tổ tiết kiệm và vay vốn... Thế nên, ngoài các phiên giao dịch tại xã, thời gian còn lại Giàng A Dua không lúc nào ngơi tay từ việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các xã trong việc xây dựng kế hoạch tín dụng, phân bổ vốn, xác định đối tượng vay vốn, xử lý nợ quá hạn; tập huấn, nâng cao năng lực, hướng dẫn cho tổ chức chính trị - xã hội mở sổ sách, ghi chép, thống kê kết quả thực hiện ủy thác; tham mưu cho thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị giải quyết những vấn đề khó khăn, tồn tại của việc thực hiện tín dụng chính sách tại xã. Rà soát hoạt động những Tổ tiết kiệm và vay vốn còn yếu kém, đề nghị tổ chức chính trị - xã hội cấp xã đến các bản cùng dự họp tổ để củng cố bầu Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn mới. Công việc cứ thế ngày qua ngày, ngoảnh đi ngoảnh lại đã hết tháng rồi lại hết năm, hầu như Giàng A Dua không có ngày nghỉ.
Nhiều lớp anh em cán bộ được bổ nhiệm, điều động từ tỉnh về những huyện vùng sâu, vùng xa, cứ tưởng đi rồi về, song nhìn hiệu quả từng đồng vốn cho vay hiện hữu trong đời sống lại lưu luyến chẳng rời. Như chị Đinh Thị Thu Hiền - Giám đốc NHCSXH huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, niềm vui và cũng là động lực gắn bó với mảnh đất này suốt 17 năm qua. Chị Thu Hiền kể, bây giờ giao thông thuận lợi, còn ngày trước đi làm tín dụng ở cơ sở rất khổ nhọc, chuyện đi bộ, trèo núi là bình thường. Xã Kon Ple cách trung tâm huyện 85km, mỗi phiên giao dịch chỉ có thể thuê xe ô tô U-oát vào, rồi đi bộ đến trưa mới tới thôn đầu tiên, 2 giờ chiều mới tới xã. Anh em giải ngân xong rồi ăn mỳ tôm đi ra. Chưa kể những trận mưa xối xả, thối đất. “Khó khăn thế, nhưng mình cũng như nhiều anh em chưa bao giờ nhụt chí”, Thu Hiền chia sẻ. Bởi những nhọc nhằn ấy, đổi lại là Kbang xóa trắng tín dụng vào năm 2004, đời sống đồng bào mỗi ngày một no ấm. Hay như xã Lơ Ku, nơi tập trung đồng bào Tày, Nùng, Dao di cư từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Thanh Hóa, khi chị đến chỉ toàn nhà liếp, tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Song, khi có nguồn vốn tín dụng chính sách mở lối cho cây mía, mì, bắp và lúa nước về vùng đất này, cái đói dần lùi xa. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 16,5 triệu đồng/năm, tăng hơn 5 triệu đồng so với năm 2013; tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Cùng với đó, để hướng tới nền nông nghiệp bền vững, hiện nay, xã Lơ Ku đang tiến hành xây dựng 2 cánh đồng mía lớn tại làng Bôn và cánh đồng Đắk Dăng với tổng diện tích gần 100ha, bên cạnh những nương bắp, sắn bạt ngàn.
Ngay cả bây giờ, ở vị trí Giám đốc NHCSXH huyện, chị Đinh Thị Thu Hiền vẫn luôn lăn xả vào công việc để cùng tham gia quán xuyến hoạt động giao dịch. Kết quả là đơn vị thực hiện xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch, củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. NHCSXH huyện Kbang luôn là đơn vị có chất lượng tín dụng tốt trong nhiều năm qua, cụ thể, tỷ lệ nợ quá hạn 0,03%, tỷ lệ thu lãi 100%, tỷ lệ thu nợ đến hạn 93%, không có nợ bị xâm tiêu, chiếm dụng. Vui hơn là sau khi tiếp cận vốn phát triển kinh tế, người dân không chỉ có sự chuyển biến về nhận thức phát triển kinh tế, mà còn góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị tại địa phương.
Câu chuyện tín dụng chính sách vì thế không chỉ là những con số cho vay mà còn là sự đồng hành cùng người nghèo vượt khó. Chỉ tính riêng những tháng đầu năm 2020, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long, NHCSXH đã kịp thời triển khai chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại. Hoạt động tín dụng thông suốt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đã góp phần giúp người nghèo, các đối tượng chính sách duy trì, mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập và chất lượng sống.
Hành trình đồng hành và thấu hiểu khó khăn của người nghèo và đối tượng chính sách cũng có thể nhìn thấy rõ qua việc NHCSXH đề xuất cùng các bộ, ngành và Chính phủ xây dựng chuỗi 22 chương trình tín dụng, nâng mức vay theo từng thời kỳ để phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo tiến trình phát triển của họ, theo nguyên tắc ưu tiên hộ nghèo rồi đến hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đáp ứng nhu cầu cấp thiết phát triển kinh tế của người dân đã tạo thành một hệ thống chính sách đồng bộ, bao phủ các nhóm đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ đa chiều cho người dân không chỉ giảm nghèo mà còn thoát nghèo bền vững. 18 năm qua, đã có hơn 38 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vốn chính sách. Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, xã xây dựng nông thôn mới..., góp phần giúp hơn 6 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 4,2 triệu lao động; giúp hơn 118 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn tại nước ngoài; gần 3,7 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 13,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 600 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách...
Tín dụng chính sách đã và đang tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong cả nước thực hiện công cuộc giảm nghèo. Tính đến nay, có gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn với tổng dư nợ đạt trên 221,5 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam vươn lên quốc gia có mức thu nhập trung bình thế giới khiến các nguồn vốn hỗ trợ từ quốc tế đối với người nghèo và đối tượng yếu thế giảm; các hiệp ước thương mại ngày càng nhiều mở ra cơ hội cho Việt Nam hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế, song, cũng tạo ra những thách thức và áp lực trong việc đảm bảo an sinh xã hội khi nguy cơ chênh lệch mức sống ngày càng lớn. Lại đặt trong diễn biến khó lường của nhiều loại dịch bệnh như Covid-19, dịch tả lợn châu Phi... “Và tới đây sẽ còn xuất hiện nhiều nữa, như biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhân dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong bối cảnh đó phải tập trung sức làm tốt hơn nữa công tác tín dụng chính sách xã hội, để hỗ trợ ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn cho người nghèo, người yếu thế. Làm được như vậy sẽ có ý nghĩa rất quan trọng cả trước mắt và lâu dài”, đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cho biết tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Để có thể hỗ trợ người nghèo, cùng với việc phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và của toàn xã hội, NHCSXH sẽ nâng cao hơn nữa năng lực và hiệu quả hoạt động, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, NHCSXH cần làm tốt công tác dân vận, vận dụng phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” để thực hiện tín dụng chính sách xã hội; triển khai kịp thời, có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đến hộ nghèo, đối tượng chính sách trong cả nước với phương châm “Thấu hiểu lòng dân. Tận tâm phục vụ”. Đó là mục tiêu chính của hoạt động NHCSXH.
Việt Hải
Theo TCNH số 20/2020