4 lưu ý giúp Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 2024 Hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng GDP: Đòi hỏi sự ứng biến phù hợp! |
Tăng trưởng vượt kịch bản
Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý II/2024 đạt 6,93%, đưa tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,42% so với cùng kỳ năm ngoái. So với giai đoạn 2020-2024, mức tăng trưởng GDP Việt Nam đạt được trong quý II/2024 được đánh giá là tích cực, chỉ thấp hơn tốc độ tăng trưởng 7,83% của quý II/2022, còn lại đều cao hơn quý II của các năm 2020, 2021 và 2023 với mức tăng lần lượt là: 0,34%; 6,55% và 4,25%.
Tăng trưởng GDP quý II/2024 đạt 6,93%, đưa tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 6,42% (Ảnh minh họa) |
Đặc biệt, theo Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng GDP 6,42% trong 6 tháng đầu năm 2024 chỉ thấp hơn mức tăng trưởng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024, còn lại cao hơn các năm 2020, 2021, 2023 với lần lượt là: 1,74%; 5,7% và 3,84%.
Trước đó, sau khi có kết quả tăng trưởng GDP quý I/2024 với mức tăng 5,66%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự báo 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm 2024, trong đó, kịch bản 1, Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6%; kịch bản 2, tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,5%. Để đạt được mức tăng trưởng 6,5%, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng cuối năm Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng 6,75%, trong đó tăng trưởng GDP quý II đạt 6,32%; quý III 6,79% và quý IV là 7,08%.
Như vậy, với mức tăng trưởng 6,93% trong quý II và 6,42% trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng GDP đã vượt so với dự báo được đưa ra tại kịch bản 2. Với kết quả đó, nhiều dự báo cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có cơ hội đạt mục tiêu đề ra trong năm nay.
Điều này càng được củng cố hơn bởi theo bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Tiêu dùng trong nước vẫn là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm với lợi thế thị trường tiêu thụ hơn 100 triệu dân. Một số yếu tố kích thích tiêu dùng trong nước 6 tháng cuối năm như: Chính sách giảm thuế VAT 2% đến hết năm đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đã được Quốc hội thông qua; chính sách tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2024 sẽ mang lại nhiều ý nghĩa cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao đời sống, tăng tiêu dùng và năng suất lao động, đóng góp vào tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm.
Ngoài ra, thương mại quốc tế của Việt Nam đang có xu hướng tăng mạnh do nhu cầu thế giới dần cải thiện, sản xuất trong nước phục hồi. Xuất khẩu Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm, đặc biệt với những mặt hàng chủ lực như điện tử máy tính và linh kiện, máy móc thiết bị phụ tùng, một số sản phẩm nông, lâm nghiệp thủy sản…
Cùng với đó, đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh, đẩy nhanh và có nhiều giải pháp sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công trong 6 tháng cuối năm để hoàn thành mục tiêu, nhằm tháo gỡ khó khăn, dẫn dắt, thúc đẩy, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế khác, tạo việc làm, góp phần tăng cường an sinh xã hội, cũng như tạo nền tảng về kết cấu hạ tầng để phục vụ phát triển nhanh và bền vững trong dài hạn.
Căn cứ diễn biến tình hình thế giới, kết quả hoạt động kinh tế trong nước 6 tháng đầu năm và một số nhận định về tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, nếu không có biến động lớn, nhiều khả năng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6-6,5%.
Việt Nam có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6,0-6,5% trong năm 2024 |
Các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng những tháng cuối năm
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, để đạt mức tăng trưởng cận trên khoảng 6,5% vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục thực hiện những giải pháp quyết liệt nhằm duy trì ổn định tình hình kinh tế - chính trị - xã hội; đảm bảo các cân đối vĩ mô; kiểm soát tốt lạm phát; phát huy hiệu quả, linh hoạt các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đã được đề ra trong các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm.
Trên cơ sở đó, đại diện Tổng cục Thống kê kiến nghị một số giải pháp trên góc độ sản xuất và góc độ sử dụng. Trong đó, trên góc độ sản xuất, cần tập trung các nhóm giải pháp, bao gồm:
Các ngành, lĩnh vực cần bám sát tình hình sản xuất kinh doanh để chủ động ứng phó với rủi ro phát sinh, tập trung vào các chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực cho khu vực doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành dịch vụ thị trường; ngành điện đảm bảo cung ứng đầy đủ cho sản xuất và tiêu dùng.
Tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu; đảm bảo phân phối sản phẩm hàng hóa gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; Thúc đẩy mạnh mẽ mô hình chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp và xuất khẩu.
Tiếp tục tìm kiếm và tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh. Xây dựng các kênh phân phối sản phẩm, mở rộng việc tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, từ đó thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số nhằm nâng cao năng suất lao động, tạo ra các sản phẩm mới giúp ngành công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ phát triển. Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức và các lĩnh vực mới nổi như chíp, bán dẫn, AI…
Đảm bảo nguồn cung trong nước; ổn định hàng xuất khẩu; bám sát diễn biến thị trường để xác định nhu cầu hàng hóa, nhằm giảm thiểu hàng tồn kho của doanh nghiệp, góp phần kiểm soát lạm phát đặc biệt khi chính sách tăng lương cơ sở bắt đầu được thực hiện vào ngày 1/7/2024.
Cũng theo Tổng cục Thống kê Việt Nam cũng cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; đặc biệt sát sao kiểm tra, giám sát thực hiện hiệu quả vốn đầu tư công để đảm bảo hoàn thành mục tiêu và lan tỏa tới các ngành kinh tế khác. Ưu tiên kích cầu đầu tư vào các dự án sắp hoàn thành, nhanh đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng, góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Xây dựng và thực hiện mạnh mẽ các chính sách, chương trình thúc đẩy tiêu dùng hộ dân cư. Phát triển và đa dạng hóa các kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân; Đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa tại các địa phương có các sản phẩm đặc thù, lợi thế.
Đối với xuất, nhập khẩu, tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng tốt và tiếp tục đẩy nhanh đàm phán, ký kết, thúc đẩy các hiệp định thương mại song phương và đa phương để mở rộng thị trường đầu ra cho các sản phẩm của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm.