Mục tiêu nào cho giá tiêu sắp tới?

(Banker.vn) Thiếu những yếu tố hỗ trợ khiến giá tiêu vẫn chỉ xoay quanh mức 150.000 đồng/kg. Mục tiêu nào cho giá tiêu sắp tới?
Giá tiêu sẽ đi về đâu? Giá tiêu: Tuần của sự kỳ vọng!

Khoảng 10 ngày trở lại đây, giá tiêu quay quanh mức trên dưới 150.000 đồng/kg. Tại các diễn đàn hồ tiêu, chủ đề giá tiêu cũng không còn quá nóng dù kỳ vọng giá tăng vẫn cứ được đặt ra. Nhiều người mong mỏi, giá tiêu có thể lên 200.000 đồng/kg, thậm chí có thể lên 220.000 đồng/kg.

Mục tiêu nào cho giá tiêu sắp tới?
Mục tiêu nào cho giá tiêu sắp tới?

Giá tiêu tại các vùng trồng trọng điểm trong nước như Đắk Lắk, Gia Lai, giá tiêu Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai ngày 16/7/2024 ghi nhận ổn định quanh mức 150.000 – 151.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm 2021, mức giá này tăng gấp đôi, theo đó, giá tiêu ngày 16/7/2021 quanh mức 73.000 – 75.000 đồng/kg. Giá tiêu duy trì quanh mức 67.000 - 70.000 đồng/kg thời điểm này các năm 2022 và 2023.

Thị trường thiếu các yếu tố hỗ trợ khiến giá tiêu trong nước hơn chục ngày qua không bật tăng như kỳ vọng của giới đầu cơ. Tuy nhiên, với mức giá như hiện nay, người trồng tiêu đã thu được lợi nhuận.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê - cho hay, hiện, giá thành bình quân sản xuất của người trồng hồ tiêu hiện nay dao động quanh mức 60.000 - 70.000 đồng/kg do chi phí vật tư và các chi phí khác đều tăng cao. Như vậy, giá bán hiện nay đang cao hơn gấp đôi so với giá thành sản xuất.

Cung thấp hơn cầu là nguyên nhân khiến xu hướng giá tăng diễn ra tại tất cả các thị trường, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế, hiện giá hồ tiêu trong nước còn đang thấp hơn cả giá hồ tiêu các nước.

Giá tiêu thế giới mới nhất được cập nhật từ Hiệp hội hồ tiêu Quốc tế.
Giá tiêu thế giới ngày 16/7/2024 mới nhất được cập nhật từ Hiệp hội hồ tiêu Quốc tế

Dù không tăng như kỳ vọng, nhưng với mức giá như hiện nay cũng là niềm mơ ước của người trồng tiêu. Giá tiêu tăng từ đầu năm đến nay, đáng chú ý có thời điểm lên gần 200.000 đồng/kg nên nông dân nhiều khu vực tập trung cải tạo vườn tiêu hiện có. Một số nơi, nông dân có vườn tiêu già cỗi đã mạnh dạn đầu tư trồng mới hoặc nhân rộng diện tích so với trước.

Việc này cũng đẩy giá tiêu giống tăng cao. Như tại xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, đã có một số diện tích cây tiêu được trồng mới, giá cây giống cũng tăng cao, hiện tại đã tăng lên 20.000 – 25.000 đồng/cây giống.

Ông Hoàng Phước Bính cho hay, cùng với hồ tiêu, hiện nay, cây sầu riêng và cà phê giá cũng rất hấp dẫn nên bà con cũng không mở rộng diện tích trồng tiêu. Tuy nhiên, với mức giá tiêu đạt trên 120.000 đồng/kg, đây cũng là căn cứ để bà con chuyển sang trồng mới loại cây được ví như “vàng đen” này. Tuy nhiên, kỹ thuật trồng hồ tiêu khó hơn các cây trồng công nghiệp khác, nên nếu ai không hiểu biết thì sẽ khiến tiêu chết hàng loạt. Do đó, bà con cũng cần cẩn trọng trong việc mở rộng diện tích.

Về việc này, ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cũng khuyến cáo người dân, trước khi cải tạo hoặc mở rộng diện tích trồng cây tiêu, bà con nên kiểm tra lại diện tích vườn có phù hợp với sinh trưởng và phát triển của cây tiêu hay không.

Trên những vườn tiêu có cây trồng chết nhiều trước đây thì không nên mở rộng và tự ý trồng mới, phải thực hiện cải tạo đất trước khi trồng; cần tìm hiểu trồng các loại giống tốt, giống chuẩn để có được sản phẩm tốt cho thị trường sau này.

Đặc biệt, người dân nên phát triển cây trồng theo định hướng sinh học, hữu cơ để đảm bảo hệ sinh thái chung cho đất, trả lại đất nguồn dinh dưỡng để đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt thì sẽ bền vững hơn so với dùng thuốc hóa học trước đây.

Giá tiêu được kỳ vọng sẽ được trợ lực bởi sức mua tăng từ thị trường Trung Quốc vào khoảng quý III này. Mặt khác, đây đang được nhận định là thời điểm khan hàng khi vụ thu hoạch hồ tiêu của Việt Nam đã kết thúc trong khi đó, tại Brazil chưa tới vụ, còn tại Indonesia và Malaysia chính vụ vào khoảng tháng 7.

Nhưng thực tế, giá tiêu thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Lượng tiêu xuất khẩu qua Trung Quốc vẫn rất thấp so với các năm. Theo thống kê bộ sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), tháng 6/2024 Việt Nam xuất khẩu được 28.162 tấn hồ tiêu các loại, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 141,1 triệu USD. Tính đến hết tháng 6/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 142.586 tấn hồ tiêu các loại, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 634,2 triệu USD. 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Trung đạt 7.453 tấn, giảm 85,2%.

Các chuyên gia nhận định, sau một thời gian bị “nhiễu sóng”, thì thị trường đang về điểm cân bằng, giá tiêu đang ở mức mà thị trường cả người bán và người mua đều cho là hợp lý.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung vẫn tiếp tục dự báo giảm do các yếu tố thời tiết, mùa vụ, các chuyên gia dự báo, về dài hạn trong 3 - 5 năm tới, lượng hồ tiêu sản xuất ra chưa thể đáp ứng được cho nhu cầu tiêu dùng của thế giới. Do đó, ngành hồ tiêu Việt Nam còn rất nhiều cơ hội để phát triển và duy trì đà tăng như hiện nay.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương