Thẩm định giá theo phương pháp P/E nói chung là phương pháp định giá phổ biến trên thế giới được áp dụng để định giá cổ phiếu doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Phương pháp P/E có nguyên tắc sử dụng đơn giản, trực quan, giúp so sánh mức độ đắt rẻ tương đối tại một những điểm nhất định của một doanh nghiệp so với các doanh nghiệp kinh doanh tương tự khác đang hoạt động trong cùng môi trường và niêm yết trong các thị trường tương đồng hoặc trong cùng một thị trường chứng khoán. Đây cũng là một trong các phương pháp định giá doanh nghiệp được hình thành đầu tiên trên thế giới và sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực định giá chứng khoán. Phương pháp P/E sử dụng thích hợp nhất trong các thị trường hiệu quả cao, thể hiện ở thanh khoản và mức độ sôi động của các bên tham gia mua bán trên thị trường.
Có rất nhiều lý do để một công ty có mức P/E thấp trong một thời điểm nhất định. Có thể bởi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn so với thời gian trước, khi đó phần E (Earnings) sẽ tăng lên dẫn tới P/E thấp. Trong trường hợp này, có thể nói cổ phiếu đang được định giá thấp và là cơ hội cho nhà đầu tư mua vào cổ phiếu.
Tuy nhiên, P/E cũng có thể thấp do doanh nghiệp thu được lợi nhuận bất thường (thanh lý tài sản, bán công ty con, nhượng quyền sở hữu đất đai hoặc công nghệ…), những khoản lợi nhuận không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty và không có tính lặp lại trong tương lai. Hoặc cũng có thể công ty có P/E thấp là do cổ đông hiện hữu của họ không còn thấy khả năng phát triển của công ty nên tiến hành bán chốt lời khiến giá cổ phiếu giảm. Những trường hợp này P/E thấp có thể kéo dài nhưng có lẽ cổ phiếu đó không phải rẻ bởi triển vọng phát triển không sáng.
Ngược lại, chỉ số P/E cao thể hiện sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào doanh nghiệp. Nhà đầu tư chuyên nghiệp thường sẵn sàng trả một mức “premium” cho những doanh nghiệp hàng đầu. Và thường những doanh nghiệp này có chỉ số P/E rất cao.
P/E đắt hay rẻ còn phụ thuộc vào khẩu vị nhận định của nhà đầu tư và cũng là phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư với doanh nghiệp.
Phương pháp P/E chỉ nên áp dụng đối với những doanh nghiệp cùng ngành, và nhà đầu tư cần loại trừ những khoản thu nhập bất thường để tăng tính chính xác của việc định giá. Về mặt lý thuyết, nhà đầu tư nên lấy trung bình tỷ lệ P/E trong khoảng thời gian vài năm để xây dựng một tỷ lệ P/E tiêu chuẩn và sử dụng trong quá trình ra quyết định.
Khi sử dụng phương pháp định giá bằng P/E ta có thể lựa chọn một trong các cách sau:
Xác định hệ số P/E bình quân của nhóm công ty tương đương trong ngành về kỹ thuật, mạng lưới khách hàng, quy mô, cơ cấu vốn và nhân hệ số này với thu nhập dự kiến của công ty để có mức giá hợp lý.
Xác định hệ số P/E trung bình các công ty tương đương cùng ngành các nước trong khu vực và nhân hệ số này với thu nhập dự kiến để có mức giá hợp lý.
Ưu điểm phương pháp thẩm định giá cổ phiếu dựa vào tỷ số P/E
Đơn giản và dễ dàng tiếp cận; Cho kết quả nhanh chóng để ra quyết định kịp thời; Phương pháp này dựa trên cơ sở giá trị thị trường; Giúp xác định giá cổ phiếu đang ở mức nào để đưa ra chiến thuật đầu tư hợp lý;
Nhược điểm phương pháp thẩm định giá cổ phiếu dựa vào tỷ số P/E
Do trong công thức tính toán có yếu tố P(Price) – giá thị trường của cổ phiếu, nên nếu thị trường chứng khoán hoạt động không ổn định, giá cả cổ phiếu bị ảnh hưởng bởi các yếu tố đầu cơ, lũng đoạn thị trường thì tỷ số P/E sẽ bị sai lệch, từ đó ảnh hưởng đến kết quả tính toán;
Phương pháp này không đưa ra được những cơ sở để các nhà đầu tư phân tích, đánh giá về khả năng tăng trưởng và rủi ro tác động tới giá trị doanh nghiệp;
Tỷ số P/Esscó thể không chính xác trong trường hợp thị trường đánh giá không đúng, chẳng hạn như đánh giá quá cao hoặc quá thấp.
Đăng Điệp
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|