Mua nhà ở dự án Thủ Thiêm Zeit River, nhà đầu tư cần lưu tâm điều gì?

(Banker.vn) Sở hữu vị trí đắt giá giữa bán đảo Thủ Thiêm, dự án Thủ Thiêm Zeit River đang là tâm điểm đầu tư trong khu vực, được xem là "ngôi sao sáng" sẽ vượt lên sự ảm đạm của thị trường. Tuy nhiên, ở góc độ thận trọng, nhà đầu tư cần tìm hiểu kĩ càng năng lực và tiềm lực của chủ đầu tư, để tránh những rủi ro đáng tiếc.
Mua nhà ở dự án Thủ Thiêm Zeit River, nhà đầu tư cần lưu tâm điều gì?
Phối cảnh dự án Thủ Thiêm Zeit River của Công ty TNHH MTV Việt Nam GS Enterprise (VGSE).

Thủ Thiêm Zeit River: Tâm điểm đầu tư tại TP.HCM

Khó có thể phủ nhận sự trầm lắng quá đỗi rõ ràng của thị trường bất động sản trong thời gian qua. Khó khăn nhiều bề, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, đặc biệt là việc van tín dụng chảy vào bất động sản chỉ mở "nhỏ giọt" đã làm nản lòng chủ đầu tư lẫn khách mua nhà.

Thế nhưng, trước thực trạng thị trường bất động sản ảm đạm, không ít nhà đầu tư lại cho rằng, đó chính là cơ hội tốt để những người có nhu cầu thực sự có thể tiếp cận và sở hữu sản phẩm bất động sản mơ ước.

Chia sẻ quan điểm trên một số diễn đàn nhà đất hàng đầu, nhiều tài khoản thành viên cho biết họ đang tích cực lùng sục các dự án có vị trí thuận lợi tại thành phố lớn, nơi họ đang sinh sống và làm việc như Hà Nội, TP.HCM... để thực hiện hóa giấc mộng an cư trọn vẹn.

Cùng chung ý tưởng lớn, các nhà đầu tư này hào hứng bàn luận về các dự án mà họ đã dày công nghiên cứu, từ tiến độ, pháp lý, cho đến giá bán, vị trí địa lý và những kỳ vọng trong tương lai.

Nổi bật trong đó, một dự án nhận về sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư, đó là dự án Thủ Thiêm Zeit River (tên cũ là Xi Thủ Thiêm), sở hữu vị trí đắt giá với 2 mặt tiền Nguyễn Cơ Thạch và Đại lộ Vòng Cung, thuộc Khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức, TP.HCM.

Thủ Thiêm Zeit River là dự án do Công ty TNHH MTV Việt Nam GS Enterprise (VGSE) - thành viên của Tập Đoàn GS E&C (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích hơn 3,3 ha, quy mô xây dựng gồm 6 tòa căn hộ cao cấp và shophouse thương mại...

Hiện, Thủ Thiêm Zeit River đang triển khai giai đoạn 1 - bao gồm hai tòa tháp cao 25 tầng và 32 tầng với loại hình sản phẩm khá đa dạng. Nằm giữa bán đảo Thủ Thiêm, được "ôm ấp" bởi dải sông Sài Gòn giao với sông Đồng Nai, cùng với mức giá bán hợp lý, không ngạc nhiên khi dự án Thủ Thiêm Zeit River đang trở thành tâm điểm đầu tư của khu vực TP.HCM.

Từ lời giới thiệu của môi giới, được biết Thủ Thiêm Zeit River sẽ bàn giao căn hộ tại tòa đầu tiên cho khách hàng vào cuối năm 2024. Trong diễn biến liên quan, mới đây, Tập đoàn Khải Hoàn Land (KHG) tổ chức lễ ký kết hợp tác cùng VGSE, qua đó trở thành đối tác phân phối dự án Thủ Thiêm Zeit River trên thị trường.

Mua nhà ở dự án Thủ Thiêm Zeit River, nhà đầu tư cần lưu tâm điều gì?
Bà Đinh Nhật Hạnh, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Khải Hoàn Land cùng chủ đầu tư VGSE.

Bất ngờ tiềm lực chủ đầu tư

Tuy nhiên, ở góc độ thận trọng, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kĩ lưỡng thêm về năng lực, tiềm lực của chủ đầu tư để tránh vấp phải những rủi ro có thể nảy sinh.

Theo tìm hiểu của phóng viên, điểm đáng lưu tâm đối với chủ đầu tư Thủ Thiêm Zeit River, đó là VGSE đang quá lệ thuộc vào các khoản nợ, trong bối cảnh vốn chủ sở hữu... âm nặng.

VGSE, pháp nhân thành lập năm 2007, là nhân tố quan trọng nhất của Tập Đoàn GS E&C trên thị trường Việt Nam. Hiện VGSE có vốn điều lệ 704 tỷ đồng, do ông Cho Sung Yol, doanh nhân Hàn Quốc sinh năm 1969 làm người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc.

Nhiều năm trở lại đây, VGSE đang phải hứng chịu những tác động tiêu cực do sử dụng đòn bẩy tài chính lớn. Làm chủ đầu tư các dự án quy mô "khủng", nhưng sau năm 2016 với doanh thu đạt đỉnh, dường như VGSE không đưa được thêm các sản phẩm nào khác ra thị trường, khiến doanh thu liên tục giảm sút mạnh.

Không loại trừ khả năng, tiến độ các dự án đang bị ngưng trệ nặng nề, cho dù khoảng thời gian trước đó thị trường địa ốc khá sôi động, chưa chịu tác động của đại dịch.

Mua nhà ở dự án Thủ Thiêm Zeit River, nhà đầu tư cần lưu tâm điều gì?
Tình hình tài chính của VGSE những năm gần đây.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2021, nợ phải trả của VGSE đã lên đến 9.700 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nợ vay tại tổ chức tín dụng, với 4.237 tỷ đồng vay ngắn hạn và 5.153 tỷ đồng vay dài hạn (tổng cộng 9.390 tỷ đồng).

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu cùng thời điểm âm 1.200 tỷ đồng, nguyên nhân là bởi VGSE đang cõng trên vai khoản lỗ dồn 1.904 tỷ đồng sau nhiều năm chịu lỗ.

Đó là hệ quả trực tiếp của chiến lược vay mượn quá nhiều. Chi phí lãi vay luôn là gánh nặng đẩy VGSE đến thua lỗ các năm, chẳng hạn năm 2018, doanh nghiệp phải chi ra 450 tỷ đồng trả lãi, khiến năm đó lỗ hơn 600 tỷ đồng; năm 2019, tiếp tục chi trả thêm 417 tỷ đồng cho chủ nợ, cùng với đó lỗ ròng 427 tỷ đồng.

Tài sản của VGSE tập trung ở hạng mục chi phí xây dựng cơ bản dở dang, chiếm trên 80% tổng tài sản; còn lại nắm ở các khoản phải thu dài hạn. Việc "chôn" vốn ở các dự án dang dở nhiều năm, cho thấy VGSE đang không làm chủ được tiến độ các công trình.

Được biết, các nhà băng hỗ trợ đắc lực cho VGSE phải kể đến là Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered Việt Nam, và Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM.

Việt Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán