Mùa đại hội cổ đông 2023: Nhiều sếp lớn lạc quan

(Banker.vn) Mùa đại hội cổ đông năm 2023 đang dần khép lại với nhiều cung bậc đối với cổ đông. Sau một năm 2022 đầy sóng gió, thị trường chứng khoán đi xuống, cổ đông kém vui. Trước những câu hỏi chất vấn của cổ đông, chủ tịch của nhiều DN lớn như Techcombank, SSI, Coteccons, Hoà Phát… đều đưa ra những đánh giá tích cực.

Dưới đây là một số phát ngôn ấn tượng của các "sếp lớn" doanh nghiệp mùa đại hội cổ đông 2023.

Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh: “Tôi tin giá cổ phiếu TCB sẽ gấp 5-10 lần"

Sáng ngày 22/4/2023, Techcombank tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2023.

Phát biểu tại ĐHCĐ, ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank cho biết năm 2023 mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 22.000 tỉ đồng, giảm 14% so với năm trước. Dư nợ tín dụng dự kiến đạt hơn 511.200 tỉ đồng. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến thấp hơn 1,5%.

Trả lời câu hỏi cổ đông về câu chuyện giá cổ phiếu TCB, Chủ tịch HĐQT ông Hồ Hùng Anh cho biết: “Tôi cũng quan tâm đến giá cổ phiếu TCB hiện tại, nhưng tôi quan tâm nhiều hơn về giá trị phát triển tổ chức và giá trị core của doanh nghiệp. Trong dài hạn, giá trị cổ phiếu TCB tôi luôn tin sẽ gấp 5-10 lần bây giờ. Đầu tư về dài hạn thì không phải suy nghĩ, còn nếu đầu tư ngắn hạn thì không phải sở trường của tôi. Thị trường sẽ trả lại giá trị đúng với thực tế của TCB”.

Tuy nhiên dài hạn là bao lâu thì ông Hồ Hùng Anh không cho biết.

Chủ tịch Coteccons Bolat Duisenov: “Lần tới nếu cổ phiếu xuống giá thì cổ đông nên mua thêm chứ đừng bán”

Ngày 25/4/2023, Xây dựng Coteccons (CTD) đã tổ chức họp ĐHCĐ năm 2023, thông qua kế hoạch doanh thu tăng 12% lên 16.429 tỷ đồng và lợi nhuận kế hoạch tăng cao gấp 10 lần lên 233 tỷ đồng.

Theo đánh giá của HĐQT, CTD đã hoàn tất cảnh báo cho toàn hệ thống về những rủi ro tiềm ẩn trên thị trường, 16 dự án có tổng giá trị nợ rất lớn đến từ mô hình tổ chức, quản lý cũ để lại đã từng bước được xử lý. Do đó giá trị các khoản trích lập dự phòng của năm 2023 sẽ giảm.

Trong phiên thảo luận tại đại hội, khi được hỏi, trong năm 2022 có thời điểm cổ phiếu rơi về đáy chưa từng có, tại sao không thấy thông tin trấn an của Công ty? Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Coteccons đã nói: “Cổ phiếu rớt theo thị trường chung. Thời điểm đó chúng tôi đã có hành động trấn an thông qua các bản tin, các buổi đối thoại. Chúng tôi không thể nhắn tin tới từng cổ đông một vì có rất nhiều việc phải làm. Lần tới, nếu cổ phiếu xuống giá thì cổ đông nên mua thêm chứ đừng bán.”

Mùa đại hội cổ đông 2023: Nhiều sếp lớn lạc quan

TGĐ Gelex Nguyễn Văn Tuấn: “Trước những tin đồn mà không đúng, chúng tôi lại càng tốt lên”

Sáng 26/4, Công ty CP Tập đoàn Gelex (GEX) tổ chức phiên họp cổ đông thường niên năm 2023. Ngoài những câu hỏi về hoạt động kinh doanh, hình ảnh doanh nghiệp và Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuấn là một vấn đề được chú ý.

Một cổ đông đầu tư hơn 5 triệu cổ phiếu GEX cho hay, doanh nghiệp này có dòng tiền tốt, hoạt động kinh doanh ổn định nhưng gần đây lại bị đánh đồng với nhóm bất động sản đang trong giai đoạn khó khăn. Một phần nguyên nhân, theo cổ đông, là do những tin đồn trên thị trường.

Từ cuối năm ngoái, những tin đồn về Gelex và cá nhân CEO Nguyễn Văn Tuấn xuất hiện liên tục. Nội dung về nhiều vấn đề, trong đó có câu chuyện cổ phần hóa Gelex năm 2015 và cá nhân ông Tuấn.

Nói trước cổ đông, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuấn cho biết, gần đây hình ảnh của Tập đoàn Gelex đã được cải thiện, nhưng vẫn có những tin đồn thất thiệt xuất hiện.

"Trước đây tôi nghĩ đơn giản là nếu mình làm tốt, mình làm thật thì có sao nói vậy. Nhưng thị trường vẫn có những tin đồn thất thiệt. Trước những tin đồn mà không đúng, chúng tôi lại càng tốt lên. Qua các tin đồn, chúng tôi càng mạnh lên về tất cả mọi thứ, về tinh thần, về việc tuân thủ pháp luật, về quản trị doanh nghiệp ", CEO Gelex khẳng định.

Nói về việc đầu tư vào Gelex ban đầu, ông Tuấn cho biết lịch sử hình thành của tập đoàn này tương đối khác biệt. Công ty ban đầu là doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn hóa và đến năm 2015 thì cổ đông Nhà nước thoái vốn. Khi đó, CEO Gelex cho biết chiến lược của ông tập trung vào M&A để tăng quy mô, tạo ra nhiều tài sản, nhiều giá trị khi cổ đông Nhà nước thoái vốn.

"Nếu lúc đó chúng tôi không mua thì doanh nghiệp khác cũng sẽ mua, hoặc có thể rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài", ông nói và cho biết, điều mà đến bây giờ nhìn lại vẫn xem như thành công là ông đã tuân thủ các quy định pháp luật, không làm bậy, không làm sai, tuân thủ các quy định với từng thời kỳ khác nhau.

Thời gian tới, ông Tuấn cho biết với các hoạch định về chiến lược, vị thế, tầm nhìn cũng như quản trị, giá trị doanh nghiệp của Gelex "chắc chắn sẽ tăng". Đặc biệt, với các cơ hội hợp tác quốc tế, tái cấu trúc các mảng kinh doanh, Gelex có thể trả cổ tức cho các năm tiếp theo.

Mùa đại hội cổ đông 2023: Nhiều sếp lớn lạc quan

Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng: “Tôi chỉ khác nhiều người khác là tất cả những gì tôi nói là tôi sẽ làm"

Tại ĐHCĐ thường niên 2023 của Công ty CP Chứng khoán SSI ngày 25/4, Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng cho biết, vốn hóa Chứng khoán SSI không thể tăng nếu thị trường chứng khoán không lớn lên.

Hiện, vốn hóa SSI chưa tới 2 tỷ USD. Theo ông Hưng, nếu thị trường chứng khoán tăng quy mô lên gấp 3 lần thì chắc chắn vốn hóa của SSI sẽ lên 10 tỷ USD.

Trong phiên thảo luận, khi được hỏi về việc nhiều CTCK hiện đang cạnh tranh thị phần bằng chiến lược zero fee, SSI làm thế nào để cạnh tranh. Ông Hưng nói: Không chỉ năm nay, mà nhiều năm gần đây chúng tôi đã đặt vấn đề này để tìm ra giải pháp. Tôi cho rằng, những gì phi kinh tế thì không hiệu quả, không bền vững được. Có thể trong một giai đoạn nào đó, thị phần có biến động, có tăng có giảm, nhưng hiệu quả công ty luôn được đảm bảo. Chiến lược không phải được định sẵn, mà là sự lựa chọn những bước đi phù hợp với từng giai đoạn để duy trì hiệu quả và phải khẳng định được vị thế công ty trên thị trường.

Ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng, thị trường chứng khoán không sinh ra tiền, mà là nơi huy động vốn cho doanh nghiệp và tạo cho các nhà đầu tư có cơ hội chuyển nhượng vốn góp của mình dễ hơn.

Có người được thì cũng sẽ có người mất. Thành công hay không, điều này phụ thuộc khả năng phân tích và tiếp nhận thông tin. Nếu chỉ theo một chiều, đầu tư mà nghe theo người này người kia… thì sẽ khó.

Kinh nghiệm của tôi, chọn một cổ phiếu theo suốt thời gian dài, đừng lay động, thì lúc đó không quá bị chi phối bởi cảm giác được hay mất, khi đó sẽ dễ dàng kiểm soát đồng vốn hơn. Nếu mua cổ phiếu với kỳ vọng lãi nhiều rồi mua nhà, mua xe ngay - nếu mình hoạch định từ đầu thế thì như đỏ đen một canh bạc.

Nhà đầu tư ít kinh nghiệm thì nên gặp công ty quản lý tham gia sản phẩm thụ động, để nghe các chuyên gia giải thích về thị trường và khả năng sinh lời…, nếu nhà đầu tư mua/bán mà không biết vì sao thì khả năng thất bại cao.

Nhà đầu tư gặp người tư vấn nên hỏi rõ ràng về rủi ro và xem có chịu được rủi ro không và chịu được bao nhiêu.

Tôi chỉ khác nhiều người khác là tất cả những gì tôi nói là tôi sẽ làm. Đó là bí quyết để tôi giữ uy tín trên thị trường.

Chủ tịch MBBank Lưu Trung Thái: MB không lo nợ xấu từ khoản vay của Novaland

Phiên họp cổ đông thường niên của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) được tổ chức sáng 25/4 tại Hà Nội. 2023 được xem là năm chuyển giao của nhà băng này khi CEO Lưu Trung Thái được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị thay ông Lê Hữu Đức xin từ nhiệm vì lý do cá nhân.

Gần cuối giờ sáng, phiên họp của MB mới bước vào phần thảo luận, nhưng không vì thế mà "sức nóng" giảm bớt. Các câu hỏi của cổ đông tập trung vào ba nhóm vấn đề chính: nhóm khách hàng lớn Novaland, Hưng Thịnh và Trung Nam...

"Quy mô cho vay và trái phiếu của Novaland, Hưng Thịnh, Trung Nam là bao nhiêu? Quy mô dự kiến bị chuyển nhóm nợ của nhóm này và định hướng tiếp theo của MB là thế nào", một cổ đông đặt câu hỏi.

Theo ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB, khó khăn không riêng với những doanh nghiệp lớn như Novaland mà toàn ngành bất động sản. Vấn đề lớn nhất hiện nay là vướng mắc pháp lý, không phải là tài chính. Thậm chí có những doanh nghiệp riêng bước mở bán mà thủ tục cũng kéo dài tới vài năm.

Với Novaland, ông Thái khẳng định tổng quy mô cho vay và trái phiếu không đến con số 10.000 tỷ đồng như cổ đông cho biết. "Các dự án bất động sản không riêng Novaland đều có tài sản đảm bảo, sẽ không phát sinh nợ xấu cho năm nay", ông Thái khẳng định trước các cổ đông.

Tương tự với Trung Nam, Chủ tịch MB cũng khẳng định sẽ không có nợ xấu bởi nhà đầu tư này vẫn thu xếp được tài chính để đảm bảo dòng tiền trả nợ.

Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long: Tại đại hội năm ngoái tôi đã dự báo những khó khăn này rồi nhưng cũng không ngờ tình hình còn xấu hơn cả mình dự báo

Đây là chia sẻ của ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), tại phiên họp ĐHCĐ thường niên 2023 diễn ra sáng 30/3.

Cụ thể, đánh giá về thị trường thép năm vừa qua, ông Long cho biết ngành thép Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đã trải qua giai đoạn đầy khó khăn, cũng là chu kỳ suy thoái chung của ngành thép.

“Tại đại hội năm ngoái tôi đã dự báo những khó khăn này rồi nhưng cũng không ngờ tình hình còn xấu hơn cả mình dự báo”, ông Long chia sẻ.

Trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành, ông Long cho rằng cần nhìn nhận kết quả kinh doanh mà Hòa Phát đã đạt được là không tồi. Thậm chí, dưới một số góc độ thì kết quả kinh doanh của Hòa Phát được đánh giá tốt vì đã vững vàng vượt qua khó khăn và vẫn có lợi nhuận.

Quý 1/2023, Hòa Phát đạt doanh thu 26.865 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ 2022. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 383 tỷ đồng, đạt 5% so với kế hoạch năm 2023. Lĩnh vực sản xuất thép và sản phẩm liên quan vẫn là chủ lực và đóng góp 94% lợi nhuận sau thuế toàn tập đoàn.

Đăng Khiêm

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán