Mù Cang Chải và hành trình trở thành điểm đến yêu thích của du khách

(Banker.vn) Dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng ngày nay, nhắc đến Mù Cang Chải mọi người đã “định vị” là điểm đến hấp dẫn; du lịch đã tạo sức sống mới cho mảnh đất vùng cao.
Mù Cang Chải: Phát triển thương mại, dịch vụ tạo đà cho sản phẩm địa phương “Ngày cuối tuần cùng dân” giúp Mù Cang Chải khoác áo mới

Đến nay, khi nhắc đến huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) không chỉ trong nước mà du khách quốc tế cũng đã biết đến Mù Cang Chải như một thương hiệu về “xứ sở ruộng bậc thang” hay du lịch cộng đồng đặc sắc gắn với đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc. Du lịch đang giúp Mù Cang Chải thay da đổi thịt, tạo khí thế mới trong đời sống kinh tế - xã hội… Để phát triển du lịch, mục tiêu hướng đến của Mù Cang Chải là trở thành huyện du lịch - là điểm đến “Bản sắc - An toàn - Thân thiện”.

Mù Cang Chải và hành trình trở thành điểm đến yêu thích của du khách
Khách du lịch bay dù lượn trên "mùa vàng" Mù Cang Chải. (Ảnh: Thanh Miện)

Đến với Mù Cang Chải dù chỉ một lần, du khách cũng cảm nhận được sự trù phú của thiên nhiên, sự đặc sắc của văn hóa, sự ấm áp tình người. Từ Hà Nội lên Mù Cang Chải đã dễ hơn và du khách có nhiều trải nghiệm thú vị... Quang cảnh thay đổi liên tục trên đường, những ngôi nhà sàn Thái trên cánh đồng Mường Lò rộng lớn, những con đường quanh co, uốn khúc trên các sườn đồi dốc đứng.

Các vận động địa chất đã tạo cho Mù Cang Chải có những đỉnh núi cao như: Púng Luông (2.985 m), Phu Ba (2.512 m), Mồ Dề (2.100 m)… Qua đèo Khau Phạ (cao 2.100 m), đây là đỉnh núi cao nhất trong "tứ đại đỉnh đèo" Tây Bắc được bao phủ trong biển mây bồng bềnh, khí hậu mát mẻ quanh năm. Đỉnh đèo Khau Phạ còn là địa điểm đẹp đứng thứ 4 trên thế giới để cho các phi công bay dù lượn, cho những ai ưa thích cảm giác mạnh, trò chơi mạo hiểm chinh phục bầu trời và cùng được thỏa sức chiêm ngưỡng, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của đất trời từ trên không trung qua trò chơi dù lượn…

Mù Cang Chải và hành trình trở thành điểm đến yêu thích của du khách
Người dân Mù Cang Chải phát triển nhiều mô hình thu hút khách du lịch. (Ảnh: booking.vn)

Thị trấn Mù Cang Chải nhỏ xinh nằm gọn giữa hai sườn núi với những bản làng thanh bình dưới thung lũng. Đến nơi đây, du khách có thể vào thăm các bản làng dân tộc Mông, khám phá nét văn hóa cũng như những phong tục tập quán nơi vùng cao Tây Bắc với nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc và sản vật nổi tiếng. Xem múa khèn, cùng trai gái Mông đi hội Sải Sán, trải nghiệm một số nghề thủ công truyền thống như: Nghề rèn đúc, dệt vải bằng sợi lanh, làm đồ trang sức và thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào Mông.

Đặc biệt du khách cũng không thể bỏ qua và ghé thăm bản Thái bình yên nằm giữa thung lũng, lưng tựa vào núi. Ở đây, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn đặc sản của người Thái, tắm lá thuốc theo cách cổ truyền của người Thái, nghỉ ngơi tại nhà sàn và cùng tổ chức giao lưu, đốt lửa trại, múa xòe…

Đến Mù Cang Chải, du khách được thưởng ngoạn vẻ đẹp của quần thể danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải với tổng diện tích 330 ha phân bố chủ yếu trên 3 xã Chế Cu Nha, La Pán Tẩn và Dế Su Phình, nơi đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận Danh thắng quốc gia từ năm 2007. Những thửa ruộng bậc thang nơi đây đẹp tựa vân tay của trời, một công trình kiến trúc nghệ thuật mang đầy tính sáng tạo từ đôi bàn tay khéo léo của đồng bào Mông…

Theo chương trình phát triển du lịch, hàng năm Mù Cang Chải tổ chức nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ, du lịch, kỷ niệm các ngày lễ lớn như: Mừng Đảng, mừng Xuân; Lễ hội “Hoa Sơn tra” vào dịp tháng 2, tháng 3; Ngày hội Thống nhất 30/4; các hoạt động văn hóa, du lịch và Festival dù lượn “Bay trên mùa nước đổ” vào tháng 5, tháng 6; Tết độc lập 2/9 và tuần lễ Văn hóa Du lịch Danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang tháng 9, tháng 10; Festival dù lượn “Bay trên mùa vàng"; Festival khèn Mông tháng 11, tháng 12 Âm lịch… thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Nói về việc lựa chọn và định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, ông Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải nhấn mạnh: Mù Cang Chải có hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, khí hậu mát mẻ cùng với hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng của đồng bào các dân tộc H’Mông, Thái. Đặc biệt, với hơn 5.000 ha ruộng bậc thang - một nghệ thuật trồng lúa nước trên núi được hình thành từ sức lao động và sự sáng tạo của đồng bào H’Mông nơi đây đã trở thành nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, là tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm du lịch với nhiều sắc thái văn hóa đặc sắc, biến di sản thành tài sản, tạo sinh kế cho người dân...

Mù Cang Chải với nhiều cảnh đẹp như: Mâm xôi, Võng Lúa, Rừng Trúc, Sống Khủng Long, đặc biệt khu bảo tồn và sinh cảnh Chế Tạo, đèo Khau Phạ, cùng với đó là những nét văn hóa riêng, đậm bản sắc văn hóa các dân tộc: H’Mông, Thái, Mù Cang Chải đang là điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.

Mù Cang Chải và hành trình trở thành điểm đến yêu thích của du khách
Mù Cang Chải đang đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp phát triển du lịch. (Ảnh: Khu du lịch được đầu tư tại Mù Cang Chải)

Theo ông Trịnh Thế Bình, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mù Cang Chải cho biết, để phát triển du lịch, thời gian tới địa phương sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa trở thành sản phẩm đặc trưng tạo thương hiệu điểm đến cho du lịch huyện Mù Cang Chải như du lịch lễ hội, du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa; du lịch tâm linh; du lịch ẩm thực.

Cùng với đó là xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch xanh trở thành sản phẩm du lịch chủ đạo của địa phương. Xây dựng mới các sản phẩm du lịch cộng đồng; đào tạo nguồn nhân lực du lịch… Mù Cang Chải đang đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch vùng, liên vùng, cùng với xã hội hóa và thu hút nhà đầu tư chiến lược để phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bản sắc, hấp dẫn, thân thiện môi trường. Gắn du lịch với phát triển nông nghiệp, nông thôn miền núi và ngành tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống...

Đại hội Đảng bộ huyện Mù Cang Chải lần thứ XIX đã xác định mục tiêu trong những năm tới giữ gìn bản sắc văn hóa, phát triển nông nghiệp xanh, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển kinh tế du lịch là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Linh Nhi

Theo: Báo Công Thương