MSB hợp tác cùng Backbase, SmartOSC triển khai nền tảng ngân hàng tương tác Một doanh nghiệp dùng cổ phiếu MSB để phát hành trái phiếu Cổ đông của MSB trả trước hạn 1,2 tỷ đồng trái phiếu |
“Lấn sân” sang chứng khoán
Một trong những nội dung được Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra ngày 21/4/2925 là thoái vốn tại TNEX Finance và góp vốn/mua cổ phần công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.
Theo đó, MSB dự kiến tìm kiếm đối tác phù hợp để chuyển nhượng một phần vốn hoặc chuyển nhượng 100% số vốn góp tại TNEX Finance. Việc chuyển nhượng này sẽ giúp ngân hàng có thêm nguồn lực để tăng cường khả năng tài chính, mở rộng quy mô, tiếp tục đầu tư công nghệ và các dự án tiềm năng, qua đó tập trung thúc đẩy kinh doanh mảng hoạt động lõi.
Đại diện MSB cho biết, đây là kế hoạch được Ngân hàng thận trọng cân nhắc, không chỉ riêng với năm 2025 mà cả thời gian trước đó, do diễn biến thị trường có những tác động bất lợi tới các công ty tài chính trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, dự báo cho thấy ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuẩn bị cho một chu kỳ tăng trưởng mới và còn nhiều dư địa phát triển do tỷ lệ thâm nhập còn thấp. Do vậy, MSB sẽ thực hiện xin ý kiến cổ đông về vấn đề này và triển khai khi điều kiện thị trường thuận lợi.
![]() |
Góp vốn vào công ty chứng khoán MSB có thể tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường vốn. Ảnh: Duy Minh |
Bên cạnh đó, MSB đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam và các dịch vụ thuộc mảng ngân hàng đầu tư là thị trường tiềm năng, giữ vai trò kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế và được dự báo thu hút khoảng 25 tỷ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài mỗi năm vào Việt Nam. Từ cơ sở này, việc “lấn sân” sang lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng đầu tư là một trong những trọng tâm phát triển trong tương lai của ngân hàng, mang đến nhiều lợi ích: Có thể xây dựng và phát triển mô hình tài chính toàn diện, dựa trên việc cung cấp các dịch vụ tài chính trọn gói như: Môi giới chứng khoán, tư vấn tài chính và phát hành cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư chứng khoán đến quản lý tài sản và đầu tư quỹ…;
Thứ hai, ngân hàng dễ dàng tiếp cận và mở rộng lĩnh vực hoạt động sang quản lý tài sản (Wealth Management), phục vụ khách hàng tiềm năng muốn đầu tư vào các sản phẩm tài chính chuyên nghiệp;
Thứ ba, MSB có thể tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường vốn, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực để Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi (Emerging market), mở ra cơ hội đón dòng vốn ngoại. “Trong bối cảnh đó, MSB sẽ có lợi thế lớn khi vừa cung cấp dịch vụ ngân hàng thương mại vừa hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn qua kênh ngân hàng đầu tư” - đại diện ngân hàng bày tỏ.
Tăng vốn lên 31.200 tỷ đồng
Cùng với việc góp vốn vào các lĩnh vực tiềm năng, tại đại hội, MSB cũng trình phương án tăng vốn điều lệ từ 26.000 tỷ đồng lên 31.200 tỷ thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 20% từ nguồn lợi nhuận tích lũy chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ theo Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024.
Kế hoạch cổ tức năm nay sẽ đảm bảo tính hiệu quả trong đầu tư và quyền lợi cho cổ đông, đồng thời cũng cho thấy năng lực của MSB trong việc duy trì tốt tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và các tỷ lệ an toàn như chiến lược đề ra.
Ngoài ra, kế hoạch kinh doanh năm 2025 của ngân hàng được đưa ra trên nền tảng kết quả năm 2024 cùng việc nghiên cứu các kịch bản diễn biến thị trường. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng với tổng tài sản đạt 350.000 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm; tổng huy động thị trường 1 và trái phiếu huy động vốn đạt 202.000 tỷ đồng, tăng 15% so với 2024; tổng dư nợ (bao gồm cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) đạt 212.000 tỷ đồng, tăng 20%. Và lợi nhuận mục tiêu là 8.000 tỷ đồng, tăng 16%; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.