MSB- những dấu ấn sau 3 năm thay đổi chiến lược thương hiệu

(Banker.vn) Sau hành trình hơn 3 năm thay đổi chiến lược thương hiệu, MSB ghi nhận nhiều kết quả ấn tượng, khẳng định dấu ấn trên thị trường, đặc biệt là chuyển, đổi số.
Cần một chiến lược thương hiệu bài bản

Tháng 1/2019, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HoSE:MSB) chuyển đổi chiến lược thương hiệu với tên gọi “MSB” cùng logo mới thể hiện cho sự phát triển về “chất” của nhà băng cũng như cam kết cùng khách hàng gia tăng trải nghiệm. Sau hành trình hơn 3 năm, MSB ghi nhận nhiều kết quả ấn tượng, khẳng định dấu ấn nổi bật trên thị trường.

Tính đến 31/3/2022, tổng tài sản của MSB đạt 195,7 nghìn tỷ đồng, tăng 68% từ mốc hơn 116,1 nghìn tỷ đồng tại quý I/2018. Vốn điều lệ tăng 30%, đạt 15.275 tỷ đồng, tăng 3.525 tỷ đồng, tương đương 30% so với năm 2018.

MSB- những dấu ấn sau 3 năm thay đổi chiến lược thương hiệu
Chuyển đổi số trở thành mục tiêu chiến lược của MSB trong nhiều năm qua

Cho vay khách hàng hết quý I/2022 đạt 110,5 nghìn tỷ đồng, ghi nhận tăng 215% so với quý I/2018. Tổng huy động của MSB đạt 108,8 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh hơn 61% so với mốc 67,3 nghìn tỷ hồi cùng kỳ 2018. Thu nhập lãi thuần tăng từ 440,5 tỷ đồng hồi quý I/2018 lên hơn 1.964 tỷ đồng, tương đương 346%. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng ghi nhận số liệu nổi bật – đạt 336,5 tỷ đồng tại 31/3/2022, tăng vượt trội 793%. Từ đó, lợi nhuận trước thuế tính đến hết quý I/2022 của MSB đạt gần 1500 tỷ đồng, tăng 542% so với mức 233 tỷ đồng hồi cùng kỳ năm 2018. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2018 đến 2021 với các chỉ tiêu như tiền gửi không kỳ hạn (CASA), lợi nhuận trước thuế, cho vay khách hàng cũng tăng trưởng tốt khi ghi nhận số liệu lần lượt là 35%, 69%, 28%. Đặc biệt, về chỉ số an toàn trong hoạt động đạt kết quả tốt với hệ số an toàn vốn CAR hợp nhất theo thông tư 41 đạt 12,06%, tỉ lệ nợ xấu theo thông tư 11 chỉ 1,29%, đều có sự cải thiện lớn so với thời điểm trước thay đổi nhận diện.

Tăng trưởng trong kết quả kinh doanh MSB có được là từ sự tin tưởng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của khách hàng. Tính đến nay, MSB phục vụ hơn 3 triệu khách hàng cá nhân và hơn 63.000 khách hàng doanh nghiệp, tăng tương ứng 87% số lượng khách hàng cá nhân và 62% khách hàng doanh nghiệp so với quý I/2018.

Để nâng cao trải nghiệm khách hàng, MSB đã đưa chuyển đổi số trở thành mục tiêu chiến lược của ngân hàng trong nhiều năm qua. Thời điểm năm 2018, MSB đang từng bước đẩy mạnh hoạt động này thông qua một số tính năng giao dịch tiện ích như chuyển khoản online, thanh toán QR code hay ứng dụng Samsung Pay, mở thẻ bằng công nghệ AI… Đến nay, hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm – dịch vụ của MSB đã tăng rõ rệt, hướng tới tạo nên một hệ sinh thái khép kín và liền mạch trong trải nghiệm khách hàng.

Chuyển đổi số là cơ sở quan trọng để ngân hàng phục vụ ngày một tốt hơn và đến gần khách hàng hơn. Chính vì vậy, tính đến hết 31/3/2022, số lượng giao dịch số hóa tại MSB đã tăng 404% so với cùng kỳ 2018.

Từ những bước chuyển mình nói trên, vừa qua MSB vinh dự nhận giải bạc cho hạng mục Trải nghiệm thương hiệu tốt nhất tại Transform Award Asia 2021 - một trong những giải thưởng uy tín vinh danh những thương hiệu nổi bật tại châu Á.

Trong thời gian tới, MSB tiếp tục đầu tư và đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới số hóa hoàn toàn loạt hành trình cốt lõi như vay thế chấp, thẻ tín dụng…cho cả hai phân khúc bán lẻ và doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking) phiên bản hiện đại hàng đầu hiện nay. Nền tảng công nghệ được MSB đánh giá là động lực giúp ngân hàng chinh phục được những mục tiêu thách thức hơn, đặc biệt là trong kỷ nguyên 4.0 – khi số hóa là xu hướng tất yếu.

Thuỳ Linh

Theo: Báo Công Thương