MSB mạnh tay chi 1.000 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn

(Banker.vn) Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ngày 16/8 đã công bố kết quả giao dịch trái phiếu tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HOSE: MSB).

Cụ thể, MSB đã mua lại 1.000 trái phiếu trái phiếu đang lưu hành của mã MSBL2124005 được phát hành vào ngày 11/8/2021 có thời hạn 3 năm với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tương ứng với 1.000 tỷ đồng.

MSB mạnh tay chi 1.000 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HOSE: MSB). Ảnh: Diệp Quỳnh

Được biết, lô trái phiếu có lãi suất cố định 3,7%/năm, kỳ hạn trả lãi 12 tháng/lần, là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo và không phải nợ thứ cấp của tổ chức phát hành.

Trong năm 2023, MSB đã liên tục mua lại lượng lớn trái phiếu được phát hành trong năm 2021 và 2022. Nếu chỉ tính riêng trong tháng 6/2023, ngân hàng này đã 5 lần mua lại các lô trái phiếu. Những lô trái phiếu mà MSB chọn mua lại trước hạn này là đều còn cách rất xa đến ngày đáo hạn.

Thống kê từ HNX cho thấy, riêng trong quý 2/2023 vừa qua đã có đến 17 ngân hàng xuống tiền mua lại trái phiếu trước hạn, tăng mạnh so với cùng kỳ và cả quý 1/2023. Tổng khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn của nhóm ngân hàng đạt trên 57.000 tỷ đồng.

Trong đó, MSB xếp vị trí thứ 2 với 7 đợt mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị 5.900 tỷ đồng. Đứng thứ nhất là TPBank với 10 đợt mua lại trái phiếu trước hạn, tổng giá trị 7.500 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh của MSB, theo dữ liệu hợp nhất quý 2/2023, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của MSB tăng 26,7% đạt 3.528 tỷ đồng. Đa số các mảng kinh doanh chính của ngân hàng đều có kết quả tích cực. Một số mảng từng lỗ lớn đã được cải thiện đáng kể trong quý 2.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần của MSB đạt khoảng 2.211 tỷ đồng trong quý 2/2023, tăng 7,3% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh dịch vụ tăng trưởng tới 233,2%, đạt 812 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của nhà băng nhích nhẹ thêm 4%, đạt 328 tỷ đồng.

Hai mảng từng khiến MSB thua lỗ trong năm ngoái là mua bán chứng khoán kinh doanh và HĐKD khác hiện nay đều đã ghi nhận lợi nhuận. Cụ thể, HĐKD khác đã đem về cho MSB 111,8 tỷ đồng trong quý 2/2023, so với mức thua lỗ 391 tỷ đồng vào năm ngoái.

Mảng mua bán chứng khoán kinh doanh cũng đã sinh lời khoảng 400 triệu đồng, so với thua lỗ 1,4 tỷ đồng vào cùng kỳ.Tuy nhiên, mảng mua bán chứng khoán đầu tư của ngân hàng có lợi nhuận giảm sâu tới 88,3%, xuống chỉ còn hơn 65 tỷ đồng.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (HĐKD) của MSB ghi nhận mức tăng hơn 46% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 2.531 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của MSB lại chỉ tăng chưa tới 10%.

Nguyên nhân là bởi trong quý nhà băng này tăng chi phí dự phòng rủi ro lên gần 500 tỷ đồng, tác động làm giảm lợi nhuận trước thuế trong khi cùng kỳ năm trước được hoàn nhập hơn 115 tỷ. Trích lập dự phòng rủi ro nhảy vọt, lãi trước thuế quý 2 của MSB giảm nhẹ dù hoạt động kinh doanh khởi sắc

Trich lập dự phòng tăng là xu thế chung trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Nhiều ngân hàng đã báo cáo kết quả kinh doanh cũng ghi nhận tình trạng tương tự như của MSB. Đồng thời, trong tương lai, nếu chất lượng tài sản có chuyển biến tốt lên, MSB có thể hoàn nhập số tiền đã trích lập, giúp đóng góp thêm vào lợi nhuận sau thuế.

Khi trừ đi chi phí về thuế, MSB thu lại gần 1.618 tỷ đồng trong quý 2 năm nay, tăng 8,4% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, nhà băng này thu về lợi nhuận sau thuế là 2.835 tỷ đồng, tăng 7,3%.

Tính đến cuối quý 2, tổng tài sản của MSB tăng 12% so với đầu năm, lên gần 237.815 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm 32% còn 2.511 tỷ đồng, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác tăng đến 51%, tương đương 44.352 tỷ đồng và cho vay khách hàng tăng 13%, tương đương 136.593 tỷ đồng.

Ở nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác tăng 49%, tương ứng với 43.662 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng 8% đạt 126.257 tỷ đồng, phát hành giấy tờ có giá giảm 27% (8,516 tỷ đồng).

Tổng nợ xấu tính đến ngày 30/6/2023 của MSB là 3.496 tỷ đồng, tăng 69% so với đầu năm. Trong đó, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) chạm mức 1.190 tỷ đồng, tăng đến 169%. Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) cũng đều tăng mạnh lần lượt là 55% và 33%. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ mức 1,71% lên 2,56%.

Số lượng nhân viên của nhà băng này đã tăng 2,3% so với hồi đầu năm, lên 6.462 người. Tuy nhiên, chi phí trung bình cho một nhân viên đã được cắt giảm khoảng 18,5%, xuống chỉ còn 28,5 triệu đồng/tháng.

Năm 2023, MSB đặt ra kế hoạch kinh doanh thận trọng thể hiện qua các chỉ tiêu tài chính trình Đại hội đồng cổ đông vừa qua: Tổng tài sản 230.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 6.300 tỷ đồng; dư nợ tín dụng dự kiến 141.700 tỷ đồng, tùy theo tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được NHNN cấp theo chính sách điều hành từng thời kỳ; nợ xấu duy trì dưới 3% theo quy định.

Nợ xấu tăng vọt, loạt ngân hàng đẩy mạnh thanh lý bất động sản

Mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – HOSE: BID) cho biết sẽ thu giữ tài sản bảo đảm ...

MSB huy động 2.000 tỷ đồng trái phiếu

Mới đây, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (HOSE: MSB) vừa công bố kết quả chào bán trái phiếu.

MSB: Cổ phiếu trên đà tăng mạnh, con trai thành viên HĐQT muốn thoái sạch vốn

Theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB, HOSE: MSB), ông Phạm Lê Việt Anh, con trai bà Lê Thị Liên - Thành ...

Đan Chi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục