Theo đó, nguồn vốn sử dụng để phát hành cổ phiếu tăng vốn là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và thặng dư vốn cổ phần có thể sử dụng để tăng vốn điều lệ sau khi đã trích lập đầy đủ các quỹ theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.
MSB sẽ phát hành thêm tối đa 458.250.000 cổ phiếu. Tổng giá trị phát hành thêm theo mệnh giá là 4.582,5 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu đang lưu hành dự kiến sau phát hành sẽ tăng lên 1.985,75 triệu cổ phiếu.
Trước đó, Hội đồng quản trị MSB đã ra Nghị quyết về việc tăng vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 30% và phát hành tối đa 14,25 triệu cổ phiếu cho người lao động từ nguồn vốn chủ sở hữu. Trong tháng 8/2022, Ngân hàng Nhà nước cũng ra quyết định chấp thuận đề nghị tăng vốn này.
Sau khi hoàn thành tăng vốn 30% thông qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, MSB sẽ triển khai phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động. Dự kiến, MSB sẽ tiến hành chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận 30% cổ phiếu thưởng vào tháng 10/2022.
“Việc tăng vốn sẽ giúp MSB nâng cao năng lực tài chính, mở rộng quy mô hoạt động và đáp ứng kế hoạch tăng trưởng đã được đặt ra”, đại diện MSB chia sẻ.
Vừa qua, MSB cũng được Moody’s Investors Service (Moody’s) nâng xếp hạng rủi ro đối tác và đánh giá triển vọng ổn định. Cụ thể, hạng mục rủi ro xếp hạng đối tác dài hạn với tiền gửi nội, ngoại tệ (domestic and foreign currency Counterparty Risk Ratings) và Đánh giá rủi ro đối tác dài hạn (Counterparty Risk Assessments) của MSB được nâng từ B1 lên Ba3. Xếp hạng tiền gửi dài hạn (cả nội tệ và ngoại tệ) và Nhà phát hành tiếp tục giữ mức xếp hạng B1.
Đánh giá này đến từ việc Moody’s vừa nâng xếp hạng tín nhiệm của Chính phủ Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, phản ánh sự phục hồi đáng kể của tăng trưởng kinh tế cũng như sức khỏe của hệ thống ngân hàng Việt Nam ngày càng cải thiện.
Phan Huyền
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|