Một tuần sóng gió của cổ phiếu bất động sản

(Banker.vn) Việc chỉ số chứng khoán Việt Nam lệch pha so với các thị trường thế giới đến từ rủi ro mất thanh khoản của một số cổ phiếu bất động sản lớn khi hoạt động bán giải chấp xuất hiện...

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục trải qua một tuần giao dịch (từ ngày 7 - 11/11/2022) kém tích cực trước áp lực bán giải chấp ở hàng loạt cổ phiếu trong đó có các mã lớn dòng bất động sản. Chỉ số VN-Index xuyên thủng mức đáy 958 điểm và lùi về mức 947,2 điểm (mức thấp nhất kể từ đầu năm) trước khi phục hồi nhẹ trong phiên cuối tuần nhờ lực mua vào mạnh của khối ngoại sau thông tin lạm phát của Mỹ tích cực hơn kỳ vọng.

Kết tuần, VN-Index giảm 4,3% về mức 954,5 điểm; HNX-Index giảm 7,2% về mức 189,8 điểm; UPCoM-Index giảm 7,6% còn 68,6 điểm.

Việc chỉ số chứng khoán Việt Nam lệch pha so với các thị trường thế giới đến từ rủi ro mất thanh khoản của một số cổ phiếu bất động sản lớn khi hoạt động bán giải chấp xuất hiện. Lần lượt lãnh đạo/cổ đông của Phát Đạt, DIC Corp, Đầu tư LDG, HDC,... bị công ty chứng khoán thông báo bán giải chấp cổ phiếu từ 1 - 3 lần chỉ trong thời gian ngắn.

Một tuần sóng gió của cổ phiếu bất động sản

Theo thống kê của của FiinTrade, nhóm cổ phiếu ngành bất động sản có một tuần giao dịch tương đối phân hóa với mức giảm toàn ngành là 7,7% với tỷ trọng giá trị giao dịch của ngành tăng lên 18,71% toàn thị trường.

Tuần qua, hai bluechip thuộc rổ VN30 là NVL, PDR bị bán giải chấp mạnh nhưng thanh khoản không có dẫn đến ngày càng nhiều lượng cổ phiếu bị bán ra. DIG được giải cứu có thanh khoản nhưng việc giá liên tiếp giảm sâu cũng làm cho cổ phiếu này chưa dứt chuỗi giải chấp.

Với ảnh hưởng của NVL, PDR, DIG, một loạt các cổ phiếu bất động sản khác cũng giảm sàn như DXG, IDC, HQC,…

Chỉ số dòng tiền tích lũy của nhóm bất động sản tăng trong tuần từ mức thấp trong vòng một năm, chỉ số giá giảm mạnh. Điều này cho thấy dòng tiền vào nhóm này đang tăng lên nhưng không đủ mạnh để hỗ trợ giá. Chỉ số dòng tiền của nhóm bất động sản tăng nhẹ nhưng vẫn duy trì ở vùng thấp của một năm cho thấy so với thị trường chung nhóm này giao dịch yếu hơn.

Trong tuần, nhóm bất động sản - xây dựng là tâm điểm xả hàng với NVL (-30,1%), PDR (-30,1%), DIG (-29,8%), CTD (-26,3%), HBC (-25,5%), FCN (-25,05%), QCG (-24,7%), NHA (-23,8%), DXG (-22,1%), HPX (-21,9%); các cổ phiếu CII, TDH, HUB, HHV, PTC, LGL, SCR, ITC giảm từ 18% đến 21%.

Với 5 phiên giảm sàn liên tiếp, NVL đã lấy đi tổng cộng 7,3 điểm của VN-Index. Rộng hơn, mã đã có chuỗi 13 phiên không tăng giá trong đó có 12 phiên giảm mạnh; thị giá từ mức 75.000 đồng đã giảm về còn 41.850 đồng - tương ứng giảm gần 45%.

Tệ hơn, cổ phiếu PDR của Bất động sản Phát Đạt thậm chí đã mất tới gần 47% sau chuỗi 18 phiên giảm liên tiếp từ ngày 19/10.

Nhóm cổ phiếu họ "Vin" với 3 phiên giảm và 2 phiên tăng cũng trở thành lực cản tương đối của VN-Index.

Trong danh mục top 10 cổ phiếu được khối ngoại mua ròng trên HOSE, dẫn đầu là cổ phiếu KDH của Nhà Khang Điền với giá trị 533 tỷ đồng trong đó giao dịch chủ yếu ghi nhận trong phiên cuối tuần. Mã này kết tuần tại mức 20.200 đồng/cổ phiếu. Ngược lại, mã này dẫn đầu chiều bán của khối tự doanh chứng khoán với giá trị gần 164 tỷ đồng

Mới đây HĐQT Nhà Khang Điền vừa thông qua phương án cho Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Phúc (Khang Điền nắm 100% vốn) vay vốn và thế chấp tài sản tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).

Cụ thể, Nhà Khang Điền sẽ bảo lãnh cho Nhà Khang Phúc vay tối đa 1.220 tỷ đồng để thanh toán chi phí nộp tiền thuê đất tối đa là 420 tỷ đồng theo thông báo nộp tiền thuê đất của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thanh toán chi phí đầu tư và xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án Khu công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng giai đoạn 1 do Nhà Khang Phúc làm chủ đầu tư tối đa 800 tỷ đồng.

Cổ phiếu VHM của Vinhomes cũng hút ròng với giá trị 296,7 tỷ đồng.

Tuần qua, nhà đầu tư cá nhân đã đảo chiều bán ròng mạnh nhất nhóm cổ phiếu bất động sản với giá trị lên tới 878 tỷ đồng. 2 tuần trước đó, nhóm này hút ròng tới 1.230 tỷ đồng.

Thanh Tùng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán