Một tuần làm tốt của cổ phiếu ngân hàng

(Banker.vn) Đóng góp lớn nhất cho đà phục hồi của VN-Index chính là nhóm phiếu ngân hàng khi có đến 5 cổ phiếu thuộc nhóm này bao gồm VCB, VPB, EIB, TCB và MBB nằm trong top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất tuần.

VN-Index đóng cửa tuần thứ 51 của năm 2022 với 2 phiên giảm, 3 phiên tăng, có thêm 0,67 điểm tương đương 0,06% đóng cửa tại 1.052,48 điểm. Chỉ số duy trì được mức tăng 20,45% kể từ mức thấp nhất 873,78 điểm thiết lập ngày 16/11/2022. Trong khi đó, HNX-Index giảm 4,01 điểm (-1,85%), xuống 212,99 điểm.

Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 14.237 tỷ đồng, giảm 18,08% so với tuần trước đó, nhưng tăng 4,3% so với trung bình 5 tuần gần đây. Sự phục hồi của thị trường có đóng góp không nhỏ từ dòng vốn ngoại khi họ có duy trì đà mua ròng tuần thứ 6 liên tục với quy mô hơn 1.900 tỷ đồng.

Đóng góp lớn nhất cho đà phục hồi của VN-Index chính là nhóm phiếu ngân hàng khi có đến 5 cổ phiếu thuộc nhóm này bao gồm VCB, VPB, EIB, TCB và MBB nằm trong top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất tuần. Tổng cộng, 5 cổ phiếu này đã giúp chỉ số tăng gần 9 điểm, trong đó VCB dẫn đầu cả nhóm với hơn 2,8 điểm.

Một tuần làm tốt của cổ phiếu ngân hàng

Sự kiện đáng chú ý nhất của ngành ngân hàng cũng như nền kinh tế toàn cầu nói chung trong tuần qua chính là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa có quyết định nâng lãi suất 50 điểm cơ bản và nâng phạm vi mục tiêu lên 4,25%-4,5%, mức cao nhất trong 15 năm. Dù vậy, xét về mức tăng thì lần tăng này lại tương đối nhẹ nhàng hơn so với 4 đợt tăng 75 điểm cơ bản trước đó.

Sau quyết định nâng lãi suất, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Fed vẫn chưa gần với điểm kết thúc chiến dịch chống lạm phát, khi các quan chức phát tín hiệu tiếp tục nâng lãi suất cho tới khi chạm 5,1%.

Còn trong nước, Ngân hàng Nhà nước ngày 14/12/2022 có quyết định tăng lãi suất đối với các khoản dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở trong năm 2023 lên 5%/năm, thay vì 4,8%/năm như năm 2022.

Tới ngày 15/12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam họp bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Cụ thể, Hiệp hội Ngân hàng đã họp với các hội viên để kêu gọi và 100% đã thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn không vượt quá 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất). Đồng thời, các TCTD cũng đồng thuận nỗ lực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp thông qua tiết giảm chi phí.

Bên cạnh nhóm ngân hàng, HVN và HPG là 2 cổ phiếu ghi nhận mức kéo tăng đáng kể trong tuần qua với lần lượt 1,95 điểm và 1,83 điểm.

Trong khi đó ở phe kéo giảm, cũng xuất hiện không ít cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng gây ảnh hưởng tiêu cực cho chỉ số như BID, LPB và OCB. Tuy nhiên, 3 cổ phiếu này chỉ làm mất hơn 0,7 điểm của VN-Index.

Ở diễn biến khác, cổ phiếu “họ Vingroup” mới là những cổ phiếu làm giảm điểm của chỉ số nhiều nhất khi cả 3 cổ phiếu VIC, VHM và VRE đều có ảnh hưởng tiêu cực. Trong đó, VIC là cổ phiếu kéo giảm mạnh nhất trên sàn HOSE trong tuần qua với hơn 8,5 điểm.

Đối với rổ VN30 tuần qua, nhóm kéo tăng đã lấy lại được ưu thế với 18 cổ phiếu, trong khi nhóm kéo giảm chỉ có 12 cổ phiếu. Trong đó, VPB là cổ phiếu dẫn đầu nhóm kéo tăng với hơn 7,6 điểm. Ngược lại, VIC là cổ phiếu kéo giảm mạnh nhất với hơn 9 điểm.

Trong khi đó ở HNX-Index, cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất tuần qua là THD với hơn 2 điểm kéo giảm. Ngược lại, lực kéo giữa các cổ phiếu kéo tăng không chênh lệch quá lớn về mặt điểm số, dẫn đầu trong đó là PTI với 0,58 điểm.

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán