Một tuần đáng thất vọng của phố Wall

(Banker.vn) Tuần qua, Dow Jones mất 2,9%, đánh dấu chuỗi 8 tuần lao dốc đầu tiên kể từ thời kỳ Đại khủng hoảng năm 1923. Còn chỉ số S&P 500 giảm 3% trong tuần, trong khi Nasdaq Composite sụt 3,8%, cả 2 đều ghi nhận chuỗi 7 tuần giảm liên tiếp.

Phố Wall kết thúc trái chiều vào thứ Sáu (20/5), với một phiên giao dịch đầy biến động chứng kiến ​​Tesla lao dốc và các cổ phiếu tăng trưởng khác cũng mất điểm.

Chỉ số S&P 500 phần lớn thời gian của phiên giao dịch trong vùng tiêu cực và có thời điểm rơi vào thị trường “con gấu” khi giảm hơn 20% so với mức cao kỷ lục vào ngày 3/1, trước khi thu hẹp đà giảm sau đó và đóng cửa xanh nhạt.

Phiên này, Tesla giảm 6,4%, sau khi Giám đốc điều hành Elon Musk tố cáo những tuyên bố "hoàn toàn không đúng sự thật" trong một bản tin rằng ông đã quấy rối tình dục một tiếp viên hàng không trên máy bay tư nhân vào năm 2016.

Các cổ phiếu megacap khác cũng giảm, với Alphabet, Apple, Google, giảm 1,3% và Nvidia mất 2,5%.

Đáng chú ý khác là cổ phiếu của Deere & Co giảm 14% sau khi nhà sản xuất thiết bị máy móc cơ giới này công bố doanh thu quý vừa qua kém khả quan.

Lo lắng về lạm phát gia tăng và lãi suất tăng đã ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Mỹ trong năm nay, với những tín hiệu nguy hiểm từ Walmart và các nhà bán lẻ khác trong tuần này làm tăng thêm lo ngại về nền kinh tế.

Lập trường cứng rắn về chính sách tiền tệ của Fed đã làm dấy lên lo ngại trong tuần này rằng hành động của Fed có thể khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái. Vào ngày thứ Năm (19/5), Deutsche Bank cho biết S&P 500 có thể rơi xuống mốc 3,000 điểm nếu có một cuộc suy thoái sắp xảy ra.

Tuần qua, Dow Jones mất 2,9%, đánh dấu chuỗi 8 tuần lao dốc đầu tiên kể từ thời kỳ Đại khủng hoảng năm 1923. Còn chỉ số S&P 500 giảm 3% trong tuần, trong khi Nasdaq Composite sụt 3,8%, cả 2 đều ghi nhận chuỗi 7 tuần giảm liên tiếp.

Kết thúc phiên 20/5, chỉ số Dow Jones tăng 8,77 điểm (+0,03%), lên 31.261,90 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,57 điểm (+0,01%), lên 3.901,36 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 33,88 điểm (-0,30%), xuống 11.354,62 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng, nhờ sự thúc đẩy từ các lĩnh vực phòng thủ sau khi hy vọng phục hồi kinh tế ở đối tác thương mại lớn Trung Quốc được củng cố.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,73% lên 431,10 điểm, với nhóm cổ phiếu du lịch, dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe và tiện ích dẫn đầu mức tăng, tăng từ 1,5% đến 2,0%.

Tuy nhiên, trong tuần, chỉ số STOXX 600 giảm 0,5%.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cơ bản cho khoản vay 5 năm xuống 15 điểm cơ bản (bps) lớn hơn mức dự kiến, thúc đẩy tâm lý thị trường toàn cầu ngay cả khi các ca nhiễm Covid-19 ở Thượng Hải tăng trở lại.

Jonathan Bell, Giám đốc đầu tư tại Stanhope Capital, cho biết: “Không có gì ngạc nhiên khi chúng tôi có chút khởi sắc ngày hôm nay trước tin tốt từ Trung Quốc và vì chúng tôi đã có một số ngày rất tiêu cực trong tuần này đã thúc đẩy lực mua bắt đáy”.

Trong tuần, cổ phiếu bán lẻ ở châu Âu và thực phẩm, đồ uống lần lượt mất 2,2% và khoảng 5%, trong khi nhóm khai thác tốt hơn, tăng 4,4%.

Dữ liệu vào thứ Sáu cho thấy doanh số bán lẻ của Anh tăng bất ngờ trong tháng Tư, nhưng triển vọng chi tiêu của người tiêu dùng vẫn giảm. Ngoài ra, giá sản xuất của Đức tăng kỷ lục trong tháng trước, do xung đột tại Ukraine đã đẩy chi phí năng lượng lên cao.

Kết thúc phiên 20/5: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 87,24 điểm (+1,19%), lên 7.389,98 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 99,61 điểm (+0,72%), lên 13.981,91 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 12,53 điểm (+0,20%), lên 6.285,24 điểm.

Thanh Tùng

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán