Một số sự kiện nổi bật ngành ngân hàng trong tuần qua

(Banker.vn) Mời quý độc giả cùng Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam điểm lại một số sự kiện nổi bật của ngành ngân hàng trong tuần qua.

Sau nhiều lần liên tiếp bất thành, Eximbank đã tổ chức được đại hội cổ đông thành công. Qua đó, đại hội đã bầu ra HĐQT và Ban kiểm soát mới.

Trong đó, bà Lương Thị Cẩm Tú chính thức giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 - 2025) thay cho ông Yasuhiro Saitoh. Ông Tony Ngo, người được đề cử bởi nhóm cổ đông Bamboo Capital, được bầu làm Trưởng Ban Kiểm soát Eximbank.

Một ngày sau khi đại hội Eximbank tổ chức thành công, gần 21 triệu cổ phiếu EIB được trao tay thỏa thuận với mức giá sàn 34.640 đồng/cp. Tổng giá trị giao dịch là hơn 726 tỷ đồng. Lượng cổ phiếu này tương đương với xấp xỉ 1,7% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng.

ACB thông báo ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 là ngày 4/3. Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 3/3. Cuộc họp sẽ thông qua các tờ trình về việc trích lập quỹ và phân phối lợi nhuận năm 2021; kế hoạch lợi nhuận và phân phối lợi nhuận năm 2022; phương án tăng vốn điều lệ từ cổ tức bằng cổ phần phổ thông, phương án phát hành.

Vietcombank vừa có văn bản thông báo chốt danh sách cổ đông hưởng quyền tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 vào ngày 4/3/2022, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 3/3.

Cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 8/4/2022 tại Hội trường Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietcombank, Khu đô thị Ecopark, xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Ban lãnh đạo ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2021, phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 và bầu bổ sung thành viên BKS nhiệm kỳ 2018-2023.

PVcomBank và Tổng Công ty Sông Đà - CTCP (SJG) ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện.

Tại hội thảo trực tuyến với chủ đề “Cần Luật hoá Nghị quyết 42 để giải bài toán xử lý nợ xấu ngân hàng” sáng ngày 19/2, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV TS Cấn Văn Lực dự báo nợ xấu nội bảng có thể lên mức 2,3 - 2,5%.

Đồng thời, nợ xấu gộp sẽ khoảng 6% trong năm 2022, và có thể còn ở mức cao hơn khi từ năm 2024, qui định giữ nguyên nhóm nợ hết hiệu lực (theo Thông tư 14), nếu tình hình phục hồi kinh tế thiếu khả quan.

Ông Phan Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Techcombank đăng ký bán 200.000 cổ phiếu TCB. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trong thời gian 24/2/2022 - 19/3/2022.

Đóng cửa phiên giao dịch 18/2, thị giá TCB dừng ở 51.600 đồng/cp. Ước tính theo mức giá này, ông Sơn có thể thu về hơn 10,3 tỷ đồng nếu bán xong lượng cổ phiếu đăng ký.

Lưu Lâm

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán