Nhiều ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý II/2021 trong tuần qua, bao gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, ACB, SeABank...
Ngày 27/7 vừa qua, Sacombank đã bán xong toàn bộ 81,5 triệu cổ phiếu quỹ (tương đương 4,33% vốn điều lệ) theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận cổ phiếu lẻ, thu về hơn 2.438 tỷ đồng, thặng dư vốn Sacombank có được là 1.684 tỷ đồng.
Như vậy, Sacombank đã hoàn tất thêm một nội dung quan trọng trong Đề án tái cơ cấu Ngân hàng sau sáp nhập đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Bên cạnh đó, cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2021, Sacombank dự kiến thoái toàn bộ số cổ phần còn lại tại SBS (CTCP Chứng khoán Sacombank) với giá bình quân dự kiến từ 11 – 12.000 đồng/cp.
Chiều ngày 29/7, Hội đồng quản trị Ngân hàng Quốc dân đã bầu bà Bùi Thị Thanh Hương nắm giữ vị trí Chủ tịch ngân hàng này. Trước đó, bà Hương từng là Tổng Giám đốc Sun Group và giữ nhiều chức vụ quan trọng tại các ngân hàng như TPBank, SeABank.
Cổ đông VPBank đã thống nhất phương án tăng vốn điều lệ năm 2021 thông qua việc phát hành tối đa hơn 1,97 tỷ cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 80%. Trong đó, tỷ lệ phát hành cổ tức bằng cổ phiếu là 62,15%, tỷ lệ phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu là 17,85%. Vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng từ gần 25.300 tỷ đồng lên gần 45.058 tỷ đồng.
HDBank thông báo ngày 27/8 là ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%. Ngày giao dịch không hưởng quyền sẽ là ngày 26/8. Ngân hàng chưa cho biết thời gian thanh toán cụ thể. Vốn điều lệ của HDBank dự kiến tăng tối đa thêm hơn 3.984 tỷ đồng sau khi chia.
Sau khi bị huỷ cuộc đấu giá lần 1, Saigonbank tiếp tục đăng ký bán gần 8,3 triệu cổ phiếu BVB, tương ứng 2,25% vốn điều lệ tại Ngân hàng Bản Việt. Giá chào bán giữ nguyên như trước là 22.800 đồng/cp. Số lượng cổ phiếu mỗi nhà đầu tư được đăng ký tối thiểu là 100 cổ phiếu. Thời gian đấu giá dự kiến là ngày 25/8.
Sau cuộc họp kéo dài hai ngày 27/7 - 28/7, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở mức 0% - 0,25%. Đồng thời, cơ quan này cũng cho biết nền kinh tế đang tiếp tục đà phục hồi bất chấp ảnh hưởng của đại dịch.
Trong tuần, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân về đề nghị xây dựng Luật xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Theo đánh giá của NHNN, từ khi Nghị quyết 42 được ban hành, xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực. Tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đến 31/5/2021 là 425,4 nghìn tỷ đồng (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ hạch toán ngoại bảng cân đối kế toán, nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt được xác định theo Nghị quyết 42), giảm 3,4% so với cuối năm 2020.
Lưu Lâm
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|