Một số rủi ro trong quá trình phát triển nhanh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp

(Banker.vn) Số lượng mã TPDN phát hành riêng lẻ với giá trị rất lớn sẽ “đổ bộ” trong 1 tháng tới đây và dồn vào thời điểm cuối của thời hạn 3 tháng. Điều này sẽ gây áp lực lớn lên Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) trong việc đăng ký lần đầu các mã trái phiếu riêng lẻ.

Ngày 15/9/2023, Sở GDCK Hà Nội (HNX) phối hợp với Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) tổ chức Hội nghị phổ biến quy định về đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ.

Ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các tổ chức ngân hàng và tổ chức tín dụng - Bộ Tài chính cho biết, thời qua thị trường TPDN phát hành riêng lẻ phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là giai đoạn 2017-2022, hiện nay quy mô thị trường đạt 10% GDP.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các tổ chức ngân hàng và tổ chức tín dụng - Bộ Tài chính phát biểu tại Hội nghị
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các tổ chức ngân hàng và tổ chức tín dụng - Bộ Tài chính phát biểu tại Hội nghị

Theo quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế, trong thời hạn 3 tháng kể từ khi hệ thống đăng ký, lưu ký, giao dịch TPDN riêng lẻ chính thức vận hành, trái phiếu phát hành theo nghị định này và Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và còn dư nợ phải thực hiện đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết, tính đến thời điểm hiện nay mới có 35 trái phiếu của 7 doanh nghiệp đăng ký giao dịch, với khối lượng chỉ đạt khoảng 5% tổng giá trị trái phiếu bắt buộc đăng ký trên thị trường.

Như vậy, số lượng mã TPDN phát hành riêng lẻ với giá trị rất lớn sẽ "đổ bộ" trong 1 tháng tới đây và dồn vào thời điểm cuối của thời hạn 3 tháng. Điều này sẽ gây áp lực lớn lên VSDC trong việc đăng ký lần đầu các mã trái phiếu riêng lẻ.

Cũng theo Bộ Tài chính, thời gian vừa qua, thị trường TPDN phát triển phù hợp với định hướng của Chính phủ trong việc phát triển cân bằng giữa thị trường vốn, thị trường trái phiếu với kênh tín dụng ngân hàng, từ đó, từng bước giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào tín dụng ngân hàng. Đồng thời, tạo điều kiện cho công cuộc tái cơ cấu của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, quá trình phát triển nhanh của thị trường bộc lộ một số rủi ro.

Thứ nhất, có tình trạng doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật doanh nghiệp và sự thiếu hiểu biết của nhà đầu tư để tăng vốn ảo, sau đó, phát hành TPDN huy động vốn.

Thứ hai, các doanh nghiệp chưa quản lý tốt việc sử dụng vốn huy động từ trái phiếu. Nhiều doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức độ lớn và có nhiều trường hợp vi phạm pháp luật trong việc phát hành và giao dịch TPDN.

Thứ ba, tính tuân thủ đạo đức, nghề nghiệp cũng như pháp luật của các tổ chức cung cấp dịch vụ chưa cao.

Theo đó, “có hiện tượng lôi kéo những người gửi tiền tiết kiệm ngân hàng chuyển sang mua trái phiếu, trong khi không cung cấp đầy đủ các thông tin để người gửi tiền, nhà đầu tư nắm được thông tin về tình hình tài chính, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Dương nêu rõ những bất ổn xảy ra thời gian qua.

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị sử dụng những chiêu dụ dỗ, sử dụng những thuật ngữ lập lờ như: TPDN tiết kiệm linh hoạt, gửi tiết kiệm linh hoạt TPDN... Do đó, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thời gian qua nhận được nhiều đơn thư phản ánh của nhà đầu tư, người dân.

Điểm thứ tư đáng lo ngại là chất lượng của nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư cá nhân.

Hiện nay, Bộ Tài chính đã báo cáo các cấp có thẩm quyền thực hiện nhiều giải pháp bình ổn thị trường, tăng cường tính công khai minh bạch của thị trường và ban hành Thông tư 30/2023/TT-BTC hướng dẫn việc đăng ký, lưu ký, thực hiện quyền, chuyển quyền sở hữu, thanh toán giao dịch và tổ chức thị trường giao dịch TPDN chào bán riêng lẻ tại thị trường trong nước và tổ chức thị trường TPDN riêng lẻ. Đến ngày 19/7/2023, hệ thống giao dịch thứ cấp TPDN riêng lẻ cũng đã chính thức được vận hành.

"Cơ quản quản lý sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khung khổ pháp lý, tăng cường công tác quản lý giám sát, đảm bảo tính minh bạch của thị trường trái phiếu; đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì động lực phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng thanh toán trái phiếu đến hạn"- ông Nguyễn Hoàng Dương khẳng định.

Trong khi đó, ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết, hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ được chính thức vận hành sau gần 01 năm chuẩn bị cho thấy sự quyết tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính, đặc biệt là sự nỗ lực của HNX, VSDC và đơn vị liên quan.

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCKNN phát biểu tại Hội nghị
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCKNN.

Trên cơ sở đánh giá cao về ý nghĩa, tính thiết thực của Hội nghị, ông Phạm Hồng Sơn đề nghị HNX, VSDC chia sẻ rộng rãi nội dung Hội nghị cũng như các câu hỏi được giải đáp ngày hôm nay để các tổ chức phát hành và các tổ chức tư vấn có thể tham khảo như một cuốn sổ tay pháp lý. Đồng thời, đề nghị hai đơn vị tăng cường tuyên truyền, đổi mới phương thức giải đáp thắc mắc để các tổ chức phát hành nhanh chóng nắm bắt được quy định pháp lý và chủ động nộp hồ sơ đăng ký trái phiếu.

Ông Sơn nhận định, việc hoàn thành đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch các trái phiếu theo quy định trước ngày 19/10/2023 nhằm đáp ứng thời hạn 03 tháng kể từ ngày hệ thống giao dịch vận hành chính thức đặt ra áp lực rất lớn cho các tổ chức phát hành, cũng như cho cả VSDC và HNX. Do vậy, để đạt kết quả nêu trên, cần xác định trách nhiệm tiên quyết là của các tổ chức phát hành. Bên cạnh đó, VSDC, HNX cũng phải tập trung nguồn lực để xử lý các hồ sơ niêm yết TPDN riêng lẻ đảm bảo nhanh chóng và đúng quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch UBCKNN nhấn mạnh “Chúng tôi mong muốn các tổ chức phát hành, VSDC, HNX và các bên liên quan cùng chung tay nỗ lực tối đa để đảm bảo thị trường được vận hành an toàn, suôn sẻ và quyền lợi của các trái chủ được đặt lên cao nhất”.

Ngành Ngân hàng chiếm hơn 40% tổng giá trị phát hành TPDN

Lũy kế 8 tháng đầu năm, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 132.358 tỷ đồng, gồm 17 đợt ...

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất

Sàn trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ vừa được đưa vào giao dịch cùng với xu hướng lãi suất tiếp tục giảm… là ...

Giải pháp khôi phục niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Để khôi phục nhu cầu trái phiếu và niềm tin của nhà đầu tư cá nhân, SSI cho rằng việc định hình lại cấu trúc ...

Khánh Vân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán