Một công ty con của Tập đoàn Dệt may Việt Nam ước đạt lợi nhuận kỷ lục, cổ phiếu lên đỉnh lịch sử

(Banker.vn) Dệt May Hòa Thọ - Công ty con của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) ước đạt lợi nhuận kỷ lục 336 tỷ đồng trong năm 2024, vượt 53% kế hoạch. Doanh thu ước tính 4.950 tỷ đồng, tăng trưởng vượt mong đợi. Song song với đó, cổ phiếu HTG ghi nhận đỉnh lịch sử, đạt 48.200 đồng/cp vào phiên 16/12 vừa qua.

Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ (HOSE: HTG) mới đây đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Hội nghị ghi nhận nhiều thành tích nổi bật, khẳng định vai trò của Hòa Thọ trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).

Một công ty con của Tập đoàn Dệt may Việt Nam ước đạt lợi nhuận kỷ lục, cổ phiếu lên đỉnh lịch sử
Hình minh họa

Tại hội nghị, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex đánh giá cao vai trò của Hòa Thọ trong tập đoàn, gọi đây là "hòn ngọc quý" với tỷ suất lợi nhuận trên vốn cao nhất và giá trị cổ tức đóng góp lớn nhất.

Được biết, hiện Vinatex đang sở hữu gần 62% vốn của Hòa Thọ, qua đó thể hiện tầm quan trọng chiến lược của công ty này trong hệ sinh thái dệt may của tập đoàn.

Trong năm 2024, Dệt May Hòa Thọ ghi nhận doanh thu ước đạt 4.950 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận ước đạt 336 tỷ đồng, vượt xa mục tiêu năm với mức tăng dự kiến đạt 53%, đồng thời thiết lập kỷ lục mới trong lịch sử hoạt động. Riêng mảng thời trang nội địa, dù thị trường gặp nhiều khó khăn, doanh thu vẫn đạt gần 100 tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước, mang lại lợi nhuận gần 9 tỷ đồng.

Theo Phó Tổng Giám đốc Vinatex Nguyễn Đức Trị, những kết quả đạt được của Hòa Thọ là minh chứng cho khả năng thích ứng linh hoạt và chiến lược kinh doanh hiệu quả của công ty. Tình hình tài chính của Hòa Thọ ổn định, cho phép duy trì mức trả cổ tức cao đều đặn. Đỉnh điểm là năm 2022, công ty trả cổ tức tới 60%, gồm 40% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu.

Năm 2024, Hòa Thọ tiếp tục duy trì chính sách cổ tức hấp dẫn. Công ty đã thông báo tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt đợt 2 với tỷ lệ 30%, tương ứng 3.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến chi hơn 108 tỷ đồng, chốt danh sách vào ngày 25/12. Trước đó, đợt tạm ứng cổ tức đầu tiên với tỷ lệ 10% đã được thanh toán vào tháng 7. Tổng tỷ lệ cổ tức tạm ứng của năm 2024 hiện đạt 40%, cao hơn mức 35% của năm 2023.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HTG ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong năm nay. Giá cổ phiếu đạt đỉnh lịch sử 48.200 đồng/cp vào ngày 16/12 trước khi điều chỉnh nhẹ xuống còn 47.650 đồng/cp (tại thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 20/12). Tính từ đầu năm, cổ phiếu HTG đã tăng mạnh tới hơn 60%.

Ba lợi thế cạnh tranh nổi bật của ngành dệt may Việt Nam

Theo báo cáo gần đây của Chứng khoán VNDirect, ngành dệt may Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh vượt trội trên thị trường quốc tế. Tính linh hoạt, nhanh nhạy trong cung ứng và đa dạng sản phẩm được xem là những yếu tố quan trọng giúp ngành dệt may Việt Nam khẳng định vị thế.

Hiệp hội Ngành Thời trang Hoa Kỳ (USFIA) đánh giá Việt Nam là quốc gia cạnh tranh hàng đầu về khả năng đáp ứng thời hạn giao hàng, khối lượng và sản phẩm theo yêu cầu khách hàng. Hệ thống cảng biển lớn, vị trí địa lý thuận lợi và chính trị ổn định giúp Việt Nam chiếm ưu thế so với Bangladesh. Thêm vào đó, chi phí vận chuyển từ Việt Nam đến Hoa Kỳ thấp hơn nhiều so với Ấn Độ, Indonesia và Sri Lanka. Dù cao hơn Mexico, Việt Nam lại hấp dẫn hơn nhờ nhân công giá rẻ và kỹ năng sản xuất cao.

Không chỉ vậy, ngành dệt may Việt Nam nổi bật với khả năng sản xuất linh hoạt và đa dạng. Báo cáo từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) chỉ ra rằng, Việt Nam vượt trội về sản phẩm giá trị cao như áo gile, áo khoác mùa đông và đồ bơi – những dòng sản phẩm Bangladesh khó cạnh tranh.

Lợi thế thứ hai nằm ở xu hướng chuyển đổi số. Tuy nhiên, báo cáo của FPT Digital cho thấy, chỉ 10% doanh nghiệp dệt may trong nước tham gia mạnh mẽ vào xu hướng này. Khó khăn lớn nhất là vốn đầu tư và hiệu quả công nghệ chưa rõ ràng trong ngắn hạn, khiến doanh nghiệp gặp nhiều thách thức khi áp dụng các giải pháp số.

Thứ ba, ngành dệt may Việt Nam có cơ hội lớn từ sự dịch chuyển nguồn cung ra khỏi Trung Quốc. Theo khảo sát của USFIA, 80% doanh nghiệp thời trang Mỹ đang lên kế hoạch giảm phụ thuộc vào Trung Quốc trong vòng hai năm tới. Việt Nam, cùng với Bangladesh và Ấn Độ, là những điểm đến thay thế phổ biến nhờ năng lực sản xuất quy mô lớn và kinh nghiệm lâu năm.

VNDirect kỳ vọng rằng, với những lợi thế sẵn có cùng xu hướng chuyển dịch này, ngành dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thiên Long (TLG) vượt 17% kế hoạch lợi nhuận năm sau 10 tháng, cổ phiếu lập đỉnh lịch sử

Tập đoàn Thiên Long (TLG) ghi nhận doanh thu 3.238 tỷ đồng sau 10 tháng đầu năm 2024, tăng 7% so với cùng kỳ, với ...

Tập đoàn tài chính hàng đầu Nhật Bản "nhắm" 35% cổ phần công ty con chưa đầy 1 tuần tuổi của FPT

Tập đoàn tài chính SBI Holdings đang cân nhắc đầu tư 35% cổ phần vào FPT Smart Cloud Japan, đây là công ty con của ...

Phạm Hường

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục