'Một bộ phận doanh nghiệp tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ trái phiếu'

(Banker.vn) Đây là nhận định của TS. Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV về thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Diễn đàn Kinh tế lần thứ 5.

Theo TS. Cấn Văn Lực, về hành lang pháp lý, Nghị định 65 đã được ban hành, trong đó siết chặt hơn hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ. Đồng thời, được kỳ vọng sẽ giúp thị trường trở nên an toàn và phát triển bền vững hơn, nhưng cũng cần có lộ trình phù hợp hơn.

Bên cạnh đó, trong năm 2022, các cơ quan quản lý đã quyết liệt xử lý các vi phạm liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) như trường hợp của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát, qua đó giúp lành mạnh hóa thị trường trong dài hạn.

Phát hành riêng lẻ vẫn chiếm ưu thế

Về quy mô thị trường, theo Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng quy mô phát hành TPDN tăng khoảng 56%/năm giai đoạn 2018-2021, riêng năm 2021 ước đạt 637.000 tỷ đồng, trong đó, phát hành trong nước là 470.000 tỷ đồng, tăng gần 38% so với năm 2020.

Trong khi đó, tổng quy mô phát hành TPDN 11 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt khoảng 336.000 tỷ đồng, giảm hơn 57% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó phát hành ra công chúng giảm 60%, phát hành riêng lẻ giảm 56%).

Cũng trong 11 tháng qua, nhiều doanh nghiệp đã chủ động mua lại trái phiếu đã phát hành, tổng giá trị mua lại khoảng 163.000 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Đặc biệt, sau sự việc Vạn Thịnh Phát, việc mua lại trái phiếu trước hạn càng tăng mạnh.

Một bộ phận doanh nghiệp tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ trái phiếu nếu không có giải pháp phù hợp, kịp thời
Một bộ phận doanh nghiệp tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ trái phiếu nếu không có giải pháp phù hợp, kịp thời

Lý do chính của việc mua lại trái phiếu trước hạn này là: theo thỏa thuận mua lại; doanh nghiệp thay đổi kế hoạch phát hành, kế hoạch kinh doanh khi rủi ro, thách thức vĩ mô, lãi suất và tỷ giá tăng; do yêu cầu từ phía trái chủ (tâm lý đám đông e ngại rủi ro); doanh nghiệp tìm thấy nguồn vốn thay thế.

Đáng chú ý, dù giảm so với năm trước nhưng lượng TPDN phát hành riêng lẻ trong 11 tháng năm 2022 vẫn chiếm đến 96% tổng giá trị phát hành. Cơ cấu nhà phát hành đa dạng hơn nhưng vẫn chủ yếu vẫn là tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản.

Riêng nhóm các doanh nghiệp bất động sản huy động nhiều với tỷ trọng dao động từ 38-41% trong giai đoạn 2019-2021, nhưng đã giảm mạnh trong 11 tháng đầu năm 2022 (mới phát hành 51.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 20,4%) do những vụ việc vi phạm gần đây đã khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản xem xét lại kế hoạch phát hành TPDN của mình khi mà niềm tin và tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng, dẫn đến nhu cầu đầu tư TPDN bị giảm sút.

Thời hạn TPDN bình quân khoảng 4 năm, ngoại trừ một số trái phiếu của tổ chức tín dụng (khoảng 5-10 năm). Với sự phát triển bùng nổ của thị trường, nhất là giai đoạn 2019-2021, dự kiến khối lượng TPDN đáo hạn trong giai đoạn 2023-2025 là khá lớn. Cơ cấu nhà đầu tư ngày càng đa dạng, nhưng còn thiếu bền vững.

Năm 2021, cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường sơ cấp chủ yếu là nhà đầu tư tổ chức, nhiều nhất là TCTD (khoảng 30%), công ty chứng khoán (36%), còn lại là công ty bảo hiểm và nhà đầu tư khác.

Từ năm 2019, sự tham gia của nhóm nhà đầu tư cá nhân tăng nhanh, từ khoảng 10% toàn thị trường, tăng lên gần 13% trong năm 2020, sau đó giảm xuống 5% hiện nay do ảnh hưởng của các quy định trong Nghị định 153 và sau này là Nghị định 65 (nhưng theo Bộ Tài chính, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân trên thị trường thứ cấp có thể lên đến 30%).

Rủi ro thách thức vẫn hiện hữu

Cũng theo báo cáo của TS. Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu, với quy mô phát hành lớn trong giai đoạn 2018-2021 và thời hạn khoảng 4 năm sẽ có một lượng TPDN khoảng 700.000 tỷ đồng (chưa tính lãi suất) sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2023-2025.

Cùng với đó, hiện trên thị trường có hai nhóm ngành phát hành TPDN nhiều nhất là các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, có một sự chênh lệch về mức độ an toàn.

Cụ thể, TPDN của ngân hàng thường không có tài sản đảm bảo nhưng lại gần như rất ít rủi ro bởi đều được phát hành bởi các đơn vị có quy mô lớn, kết quả kinh doanh tốt và ổn định. Bên cạnh đó, tính công khai, minh bạch của các ngân hàng luôn được đảm bảo do đã được kiểm toán độc lập, kiểm toán quốc tế và niêm yết trên sàn chứng khoán. Đồng thời phải tuân thủ các quy định chặt chẽ của NHNN về các tủ lệ đảm bảo an toàn; mục đích rõ ràng (chủ yếu để tăng vốn cấp 2, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực quốc tế như Basel II); ngân hàng luôn có quỹ dự phòng rủi ro cho hoạt động tín dụng và đầu tư.

Còn đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản, nhóm này đã phát hành gần 215.000 tỷ đồng TPDN vào năm 2021 và 50.000 tỷ đồng tron 10 tháng đầu năm 2022 với lãi suất trung bình là 10,35%. Theo đó, lượng trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp bất động sản cũng rất lớn, nhất là 2 năm tới (khoảng 115.000 tỷ đồng/năm, chưa tính tiền lãi).

Để giải quyết vấn đề này, nếu như trong điều kiện thông thường, các doanh nghiệp sẽ tìm nguồn vốn mới (từ phát hành TPDN, vay ngân hàng, phát hành cổ phiếu…) để đảo nợ và duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, khả năng gọi vốn của các doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ còn khó khăn. Nguyên nhân là do những vi phạm liên tiếp đã làm niềm tin của các nhà đầu tư suy giảm đáng kể, Nghị định 65/2022 đã đưa ra những quy định chặt chẽ hơn đối với hoạt động phát hành riêng lẻ, nguồn vốn tín dụng gần như không đổ vào lĩnh vực bất động sản, thị trường chứng khoán không sôi động như giai đoạn trước. Trong khi đó, việc bán hàng, phát mại tài sản để trả nợ cũng không dễ dàng do thị trường bất động sản đang trầm lắng.

Từ những thách thức này, nhóm nghiên cứu BIDV nhận định, một bộ phận doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực bất động sản tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ trái phiếu, nếu không có giải pháp phù hợp, kịp thời. Hệ lụy của việc vỡ nợ này là lớn, phức tạp, cần kiểm soát vì mối quan hệ liên thông giữa ngân hàng - chứng khoán – bất động sản là khá lớn.

Tuệ Minh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán