Mong tìm lại những ấn phẩm tiền thân Báo Công Thương thuở đầu Dân quốc

(Banker.vn) Hội thảo xác định ngày thành lập, ngày truyền thống Báo Công Thương vừa tổ chức tại Hà Nội đã để lại nhiều ấn tượng với các chuyên gia, nhà báo, nhà khoa học.
Phát hiện bất ngờ về tờ báo tiền thân đầu tiên của Báo Công Thương ra đời trong mùa thu lịch sử 1945
Đảng bộ Báo Công Thương dâng hương, báo công tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông Hành trang vô giá từ mùa thu lịch sử 1945

Sức hấp dẫn của dòng chảy lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam nói chung và báo Công Thương nói riêng đã giúp hội thảo có được nhiều ý kiến sôi nổi về phương diện khoa học, lịch sử, thực tiễn và có cả những tranh luận, trao đi đổi lại hết sức thú vị.

Điểm thành công quan trọng nhất của Hội thảo này là trên cơ sở các tư liệu hiện có và đóng góp bổ sung của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các nhà báo tại Hội thảo, phương án của Ban biên tập Báo Công Thương lựa chọn ngày 2/10/1945 là ngày truyền thống của Báo đã có được sự đồng thuận và thống nhất cao, làm cơ sở cho quy trình tiếp theo để trình lãnh đạo Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng.

Đó là ngày Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà ký Nghị định số 8-BKT/VP về việc tổ chức lại Bộ Quốc dân Kinh tế để đạt được mục đích cải thiện nền kinh tế nước nhà trong đó mục 3 Điều 4 của Nghị định ghi rõ thành lập Phòng 3- Phòng Kinh tế tập san có nhiệm vụ xuất bản Việt Nam Kinh tế tập san.

Như vậy ngày 2/10/1945 chính là ngày thành lập Phòng Kinh tế tập san, là cơ quan tiền thân của Báo Công Thương ngày nay.

Phương án này chỉ có một điểm hạn chế duy nhất là đến nay tài liệu lưu trữ cũng như lưu chiểu chưa ghi nhận được ấn phẩm mang tên Việt Nam kinh tế tập san được xuất bản theo Nghị định trên song điều này hoàn toàn không ảnh hưởng đến ý nghĩa lịch sử của ngày 2/10/1945 cũng như không ảnh hưởng đến tính chất lịch sử truyền thống của cơ quan làm công tác báo chí đầu tiên của Bộ Công Thương.

Mong tìm lại những ấn phẩm tiền thân Báo Công Thương thuở đầu Dân quốc
Ấn phẩm Mặt trận Kinh tế (ảnh chụp tài liệu lưu trữ tại Thư viện Quốc gia)

Trên thực tế trong các cơ quan tiền thân của báo Công Thương còn được lưu trữ và còn được biết sớm nhất đến ngày nay là tờ tin Mặt trận kinh tế ra đời khoảng tháng 10/1948, muộn hơn 3 năm so với thời điểm quy định ra đời Phòng Kinh tế tập san.

Xin được quay trở lại Hội thảo trên.

Tại Hội thảo đã có một nội dung làm dấy lên hy vọng tìm lại được những ấn phẩm tiền thân đầu tiên của Báo Công Thương trong những ngày đầu Dân quốc của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Đó là việc hưởng ứng lời đề nghị của Ban biên tập Báo Công Thương, nhà báo, nhà nghiên cứu Kiều Mai Sơn qua công tác của mình lưu trữ được nhiều tài liệu về báo chí Việt Nam và trao tận tay lãnh đạo Báo Công Thương bản sao bìa ấn phẩm với tên gọi khác đôi chút với tờ Việt Nam Kinh tế tập san.

Đó là tờ Việt Nam Kinh tế nguyệt san, số đầu tiên được xuất bản vào tháng 5 năm 1946, nghĩa là cách thời điểm có Nghị định trên của Bộ Quốc dân Kinh tế khoảng 8 tháng.

Đây là một tài liệu rất quý hiếm mà qua làm việc tại kho lưu trữ, lưu chiểu của Thư viện Quốc gia, chúng tôi được biết cũng không còn giữ được ấn phẩm này.

Một loạt câu hỏi được đặt ra ở đây là vì sao lại có khoảng cách thời gian này và liệu ấn bản Việt Nam Kinh tế nguyệt san có phải là ấn phẩm được xuất bản theo quy định của Nghị định trên của Bộ Quốc dân Kinh tế hay không? Vì sao tên gọi lại có sự khác đi (dù không nhiều lắm)?

Liên quan đến câu hỏi thứ nhất và thứ hai, có thể đưa ra một lý giải rằng tuy Nghị định của Bộ Quốc dân Kinh tế đã xác định nhiệm vụ xuất bản ấn phẩm Việt Nam Kinh tế tập san song việc xuất bản một ấn phẩm báo chí đòi hỏi những sự chuẩn bị các tiền đề cần thiết về nhân sự, bộ máy tổ chức, địa điểm, nhà in, kênh phát hành. Mà bối cảnh đặc thù của đất nước thời điểm cuối năm 1945 và năm 1946 là vô cùng phức tạp, việc có được một ấn phẩm theo quy định của Nghị định số 8 của Bộ Quốc dân Kinh tế, giả sử là ấn phẩm Việt Nam Kinh tế nguyệt san từ thời điểm tháng 5/1946 là một nỗ lực có thể nói là không hề nhỏ của những bậc tiền bối lúc bấy giờ.

Về câu hỏi thứ ba, tên gọi mới là Việt Nam kinh tế nguyệt san (được xuất bản hàng tháng) có thể cung cấp một sự lý giải về sự phù hợp trong điều kiện xuất bản lúc bấy giờ so với tên gọi được xác định ban đầu là Việt Nam Kinh tế tập san.

Cũng có thể đặt ra thêm một câu hỏi nữa là trước và sau thời điểm ra mắt số 1 của ấn phẩm Việt Nam Kinh tế nguyệt san, liệu còn có ấn phẩm nào được xuất bản nữa không để đến khi có tờ tin Mặt trận kinh tế ra mắt cuối năm 1948 tại chiến khu Việt Bắc, được chính thức hoá tại Nghị định số 75-BKT/ND ngày 8/3/1949 và tờ tin này được xuất bản ổn định từ đó trở đi.

Và ấn phẩm Việt Nam Kinh tế nguyệt san và các ấn phẩm liên quan được xuất bản theo Nghị định số 8 của Bộ Quốc dân Kinh tế liệu còn được các bảo tàng, thư viện kho lưu trữ các nhà sưu tập trong và ngoài nước giữ được hay không?

Sau Hội thảo trên, điều mong mỏi của lãnh đạo Báo Công Thương là hết sức tha thiết muốn tìm lại được các ấn phẩm tiền thân đầu tiên của báo Công Thương cùng những văn bản, tài liệu, tư liệu báo chí liên quan đến công tác xuất bản các ấn phẩm này.

Điều kiện lịch sử của đất nước trải qua hàng chục năm khiến cho công tác lưu trữ có thể không đầy đủ mặc dù Báo Công Thương nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các bộ, ngành chức năng.

Bởi vậy bài báo này như một lời ngỏ của Ban biên tập Báo Công Thương mong muốn có được sự tiếp tục cộng tác, giúp đỡ của các Bộ, ngành chức năng về nội dung nêu trên. Cũng xin được thành tâm đề nghị các đơn vị bảo tàng, thư viện, kho lưu trữ, các nhà sưu tầm trong và ngoài nước có thể bằng các hình thức thích hợp như cung cấp bản sao, sang nhượng tài liệu, hình ảnh có liên quan để lịch sử Báo Công Thương thêm được hoàn thiện trong những khoảng thời gian đầu tiên khi mới ra đời.

Quang Lộc

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục