Món ăn, bài thuốc từ quả bầu

(Banker.vn) Mùa hè oi bức, bầu thực sự là món ăn thích hợp để giải nhiệt ngày hè. Gần như tất cả các bộ phận của bầu đều có thể tận dụng để làm món ăn, bài thuốc.

Những bài thuốc cổ truyền từ cây lá vông Vị thuốc hay từ cây hoa ngũ sắc

Cây cỏ tranh: Bài thuốc dân gian từ loài cây mọc dại

Quả bầu là thực phẩm quen thuộc trong nhiều mâm cơm của gia đình Việt. Không chỉ thơm ngon, chế biến được nhiều món mà quả bầu còn bổ sung nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể. Tác dụng của quả bầu rất nhiều và đây là thực phẩm cực tốt cho sức khỏe.

Giá trị dinh dưỡng của quả bầu

Quả bầu là loại cây thân leo thuộc họ Cucurbitaceae, là giống cây trồng để ăn quả. Trước đây, quả bầu được dùng để làm vật lưu trữ nước nhưng sau này đã được dùng làm rau ăn.

Món ăn, bài thuốc từ quả bầu
Gần như tất cả các bộ phận của bầu đều có thể tận dụng để làm món ăn, bài thuốc. Ảnh minh họa

Thân cây bầu phát triển tốt ở nơi cao ráo và khi chăm sóc tốt sẽ cho rất nhiều quả. Quả bầu thu hoạch khi còn non phần vỏ sẽ mềm, hạt nhỏ, ít hạt và ăn ngon ngọt. Chỉ đến khi quả bầu già mới nhiều xơ và có vị hơi chua.

Về giá trị dinh dưỡng trong quả bầu cho thấy, đây là loại quả có rất nhiều vitamin và chất khoáng cần thiết cho sức khỏe, hỗ trợ quá trình trao đổi chất và có lợi cho tiêu hóa, đường ruột. Trong y học dân gian quả bầu là loại quả có vị ngọt, tính mát, lợi tiểu, giải độc và thanh nhiệt rất tốt. Các thành phần dinh dưỡng trong 100g bầu có như sau:

95% nước; 21% canxi; 25% phốt pho; 2.9% glucid; 1% cellulose; 0.2mg sắt; 0.5% protid; 0.03mg vitamin B3; 0.02mg caroten; 12mg vitamin C; 0.4mg vitamin PP; 0.02mg vitamin B1.

Thành phần nước trong quả bầu rất cao, chiếm đến 95% khối lượng quả bầu nên là thực phẩm bổ sung nước rất tốt, hạn chế mất nước dẫn đến mệt mỏi, căng thẳng, khô miệng... Một số tài liệu cho thấy, quả bầu có thể tận dụng nhiều bộ phận để hỗ trợ sức khỏe.

Vỏ quả bầu: Có vị ngọt tự nhiên và lợi tiểu, chữa chứng chướng bụng, phù thũng.

Hạt và ruột quả bầu: Rất giàu chất khoáng và vitamin, hỗ trợ tiêu hóa, trị mụn, giảm đau đầu, tăng khả năng chống viêm, hạn chế viêm hoặc tụt lợi.

Tác dụng của quả bầu đối với sức khỏe

Cách ăn để tăng đề kháng và giảm cân

Bầu chứa lượng calo rất thấp nhưng lại giàu vitamin B6, B3 và vitamin C, kali và sắt. Bầu luộc, hay nước ép bầu được ví như làm một bữa ăn hoàn chỉnh. Điều này giúp ngăn chặn sự thèm ăn. Ngoài ra, loại nước này cũng giúp làm sạch ruột và kiềm hóa dạ dày.

Ngăn chặn tóc bạc

Bầu là phương thuốc truyền thống được sử dụng để điều trị mái tóc hoa râm. Mỗi ngày một cốc nước ép bầu sẽ đủ để giúp khôi phục lại màu sắc tự nhiên mái tóc.

Làm đẹp da

Nước bầu có chứa các vitamin thiết yếu khôi phục lại sức sống cho làn da. Nó giúp trẻ hóa tế bào da thậm chí còn điều tiết sản xuất dầu ngăn chặn mụn phát triển. Với những trẻ bị ngứa, rôm sảy có thể lấy hoa và tua cuốn của bầu đun làm nước tắm.

Giúp cho tim khỏe mạnh

Chất xơ hòa tan có trong quả bầu có tác dụng ngăn ngừa bệnh tim mạch và giữ cho trái tim khỏe mạnh. Chất xơ không hòa tan có thể làm sạch ruột. Chất xơ còn giúp tiêu hóa tốt hơn và ngăn ngừa táo bón. Nó cũng giúp giảm nguy cơ ung thư, nồng độ axit và khả năng giảm thiểu tích lũy khí trong ruột.

Kiểm soát huyết áp

Các cuộc khảo sát chung cho thấy người ăn quả bầu thường xuyên có chỉ số đường huyết ổn định, nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao cũng thấp hơn. Tác dụng của quả bầu này đến từ việc trong quả bầu có hoạt chất flavonoid khi đi vào cơ thể sẽ làm thành mạch giãn nở tốt hơn, từ đó hạn chế nguy cơ bị tăng huyết áp đột ngột, bệnh tim mạch, mạch vành...

Ổn định đường huyết

Một trong những tác dụng của quả bầu rất tốt với bệnh nhân đái tháo đường, đó là ổn định lượng đường trong máu. Một số bài thuốc dân gian từ quả bầu cho thấy hiệu quả ổn định đường huyết tốt, kiểm soát đường huyết không tăng cao và kích thích insulin hiệu quả.

Ngăn ngừa lão hóa

Thành phần dinh dưỡng giàu vitamin phát huy tác dụng của quả bầu trong việc làm đẹp da từ bên trong. Bổ sung các vitamin nhóm B và vitamin C có tác dụng thúc đẩy làn da tươi trẻ hơn, phòng ngừa dấu hiệu lão hóa sớm xuất hiện trên da, duy trì độ đàn hồi tự nhiên của da.

Hỗ trợ tiêu hóa

Theo Đông y, quả bầu có tính gây và tác dụng nhuận tràng, gây sổ nên rất tốt cho tiêu hóa, đặc biệt và người thường xuyên bị táo bón. Nếu đang gặp rắc rối, khó chịu vì táo bón, hãy ăn 1 chén canh bầu nhé.

Giúp thư giãn tâm trí và cơ thể

Bầu cũng có tác dụng thư giãn tinh thần và cơ thể, cũng như giảm căng thẳng và chống lại bệnh tật. Được biết, uống nước ép trái bầu tươi vào buổi sáng khi bụng đói đã được các chuyên gia y tế khuyến nghị như một phương thuốc chống trầm cảm.

Lưu ý không nên bỏ qua khi ăn quả bầu

Tuy rằng tác dụng của quả bầu tốt cho sức khỏe nhưng khi ăn bầu, vẫn nên lưu ý những điều sau để tránh gây ngộ độc:

- Tuyệt đối không nên ăn quả bầu nếu thấy có vị đắng vì nguy cơ ngộ độc Cucurbitacin rất cao.

- Không nên ăn quá nhiều quả bầu cùng lúc sẽ cảm thấy tâm trạng nôn nao.

- Những người thường xuyên bị đầy hơi, sưng ống chân không nên ăn quả bầu bì sẽ khiến bệnh lý nghiêm trọng hơn.

- Người tỳ vị hư hàn, tiêu chảy, lạnh bụng... cũng nên tránh ăn bầu quá nhiều.

- Đảm bảo mỗi tuần không ăn nhiều hơn 3 bữa có bầu để đảm bảo đa dạng thực phẩm, rau củ trong bữa ăn.

- Khi mua bầu nên chọn quả non, vỏ căng bóng và cuống còn tươi sẽ ngon hơn, tránh ăn phải quả bầu già có nhiều xơ, hạt to và cứng rất khó ăn, bầu già không còn độ ngọt tự nhiên nữa.

Lê Nguyệt

Theo: Báo Công Thương