Mỗi thành viên HĐQT VIB nhận hơn 1,5 tỷ đồng tiền thù lao năm 2022

(Banker.vn) Trong Báo cáo thường niên năm 2022, Ngân hàng TMCP Quốc Tế (HOSE: VIB) đã công bố mức thù lao trả cho HĐQT, Ban Kiểm soát và Ban Tổng Giám đốc ngân hàng trong năm 2022.

Theo đó, về mức thù lao, ĐHĐCĐ thường niên 2022 đã phê duyệt, tổng mức thù lao và thưởng sẽ chi trả cho các thành viên HĐQT và thành viên Ban Kiểm soát năm 2022 tối đa 0,5% lợi nhuận trước thuế năm 2022 của ngân hàng. Lợi nhuận trước thuế kết thúc năm tài chính 2022 của VIB đạt 10.581 tỷ đồng.

Mỗi thành viên HĐQT VIB nhận hơn 1,5 tỷ đồng tiền thù lao năm 2022
Ngân hàng TMCP Quốc Tế (HOSE: VIB)

Do đó, mức ngân sách thù lao năm 2022 sẽ chi trả cho các thành viên HĐQT và thành viên Ban Kiểm soát cũng như chi phí cho thành viên HĐQT độc lập tối đa được sử dụng là 52,9 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 31/12/2022, tổng chi phí thực tế VIB đã trả cho HĐQT tổng cộng là hơn 6,05 tỷ đồng, cho ban kiểm soát là gần 3,7 tỷ đồng.

Hiện VIB có 5 thành viên HĐQT và 3 thành viên Ban Kiểm soát, tuy nhiên ông Hàn Ngọc Vũ đang kiêm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc ngân hàng nên không nhận thù lao HĐQT. Như vậy, trong năm 2022, bình quân mỗi thành viên hội đồng quản trị VIB nhận được hơn 1,5 tỷ đồng, thành viên Ban Kiểm soát nhận được hơn 1,2 tỷ đồng tiền thù lao.

Về lương, thưởng, thù lao của Ban Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng, tổng thù lao đã được chi trả trong năm 2022 là gần 29,8 tỷ đồng.

Hiện VIB đang có 1 Tổng Giám đốc, 4 Phó Tổng Giám đốc và 1 Kế toán trưởng. Như vậy, bình quân, mỗi nhân sự cấp cao này đã nhận được 4,96 tỷ đồng tiền lương, thưởng và thù lao trong năm 2022, tương đương 413 triệu đồng/tháng.

Về kết quả kinh doanh của VIB trong năm 2022, VIB đạt kết quả lợi nhuận trước thuế hơn 10.580 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với năm trước. Kết quả tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng đến từ các mảng kinh doanh cốt lõi, đặc biệt là ngân hàng bán lẻ.

Cụ thể, tổng doanh thu tăng trưởng 21%, tiếp tục cao hơn tỷ lệ tăng trưởng chi phí hoạt động 17%, góp phần giảm tỷ lệ chi phí hoạt động trên doanh thu (CIR) của VIB xuống còn 34%, thuộc nhóm ngân hàng bán lẻ có hiệu quả quản trị chi phí tốt nhất.

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của VIB đạt hơn 343.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt 234.000 tỷ đồng, tăng trưởng 14,5%, riêng tiền gửi huy động từ khách hàng tăng trưởng hơn 15,3% đến từ việc gia tăng mạnh mẽ cơ sở khách hàng bán lẻ chất lượng. Biên lãi ròng (NIM) đạt mức 4,5% nhờ chiến lược tập trung vào bán lẻ và nguồn vốn huy động trung dài hạn chất lượng, đồng thời duy trì tính ổn định của thanh khoản và lãi suất trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.

Hiệu quả sinh lời (ROE) của VIB thuộc top đầu ngành với 3 năm liên tục đạt mức trên 30%. Hệ số an toàn vốn (CAR) theo Basel II đạt 12,7%, cao hơn đáng kể so với mức 8% của Ngân hàng Nhà nước. Với nền tảng quản trị rủi ro vững mạnh, VIB kiểm soát nợ xấu ở mức thấp 1,79%.

Mới đây, theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 12.200 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2022. Tổng tài sản dự kiến tăng 25%, đạt 428.500 tỷ đồng.

Tổng dư nợ tín dụng VIB dự kiến tăng 25% lên 292.500 tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ tín dụng có thể được điều chỉnh phụ thuộc vào tỷ lệ tăng trưởng NHNN cho phép. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu huy động vốn tăng 26,2%, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng sẽ trình cổ đông phương án trích lập các quỹ, phân phối lợi nhuận năm 2022 và kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 15%.

Trước đó, Hội đồng quản trị ngân hàng đã có nghị quyết phê duyệt việc thực hiện phương án tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2022 cho cổ đông hiện hữu với số tiền tạm ứng là hơn 2.107,6 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 10% vốn điều lệ.

Nguồn vốn sử dụng để chia cổ tức là lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm 30/9/2022, trong đó lợi nhuận để lại từ các năm trước chưa sử dụng là 565 tỷ đồng và lợi nhuận thuần lũy kế ba quý đầu năm 2022 là hơn 1.542 tỷ đồng.

Về phương án tăng vốn điều lệ năm 2023, VIB sẽ trình cổ đông phương án phát hành hơn 412,5 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và 7,6 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ, nhân viên để tăng vốn điều lệ, tỷ lệ phát hành lần lượt là 20% và 0,36%.

Nguồn tăng vốn là các nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn lợi nhuận sau trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận sau đây, có số dư tại 31/12/2022 đã được kiểm toán và phân bổ, có thể được sử dụng cho mục đích tăng vốn điều lệ.

Nếu hoàn tất các phương án trên, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng từ 21.076 tỷ đồng lên 25.368 tỷ đồng. Với số vốn điều lệ tăng thêm, ngân hàng dự kiến dùng 4.091 tỷ đồng để cấp tín dụng và đầu tư tài sản thanh khoản, 100 tỷ để đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ và 100 tỷ cho đầu tư nâng cấp mạng lưới chi nhánh.

Hé lộ kế hoạch chia cổ tức của loạt ngân hàng

Nhiều ngân hàng đã chốt kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, một số ngân hàng vẫn giữ nguyên phương án ...

Triển vọng cổ phiếu của các ngân hàng sắp được nới room tín dụng

Tới đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét cấp room tín dụng cho một số ngân hàng, được biết những ngân hàng này đều ...

Người nhà lãnh đạo VIB thu về hơn 580 tỷ đồng sau khi bán 27 triệu cổ phiếu

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), ông Đỗ Xuân Thụ, bố của Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc ...

Băng Di

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán