Xử lý gần 1.500 trang web lừa đảo trực tuyến
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1907/QĐ-TTg ngày 23/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án "Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025" và Quyết định số 458/QĐ-BTTTT ngày 7/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 1907/QĐ-TTg của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục An toàn thông tin tổ chức “Hội nghị tập huấn tăng cường kỹ năng an toàn thông tin cho người sử dụng trên không gian mạng” tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, ngày 9/3.
Hội nghị tập huấn tăng cường kỹ năng an toàn thông tin cho người sử dụng trên không gian mạng |
Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ. Trong đó, an toàn thông tin là điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho chính phủ số, kinh tế số, xã hội số phát triển, vận hành.
Không gian mạng hiện là không gian sống, làm việc, học tập, giải trí của khoảng 78 triệu người dân Việt Nam, tương đương 79,1% dân số. Trung bình mỗi người dân Việt Nam tham gia không gian mạng 6 tiếng 23 phút mỗi ngày.
"Tuy nhiên, trên không gian mạng, mỗi giây có khoảng gần 1.000 cuộc tấn công mạng và 5 mã độc mới được tạo ra cùng với 40 điểm yếu, lỗ hổng mới/ngày. Mỗi người trung bình hứng chịu 3,5 cuộc tấn công mạng 1 năm. Riêng năm 2022, toàn cầu ghi nhận tới 480 triệu cuộc tấn công mã độc tống tiền…" - ông Trần Đăng Khoa cho hay.
Năm 2022, Cục An toàn thông tin đã chỉ đạo, điều phối, ngăn chặn, xử lý hơn 2.700 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật. Trong đó, có gần 1.500 trang lừa đảo trực tuyến. Đồng thời, ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý hơn 12.000 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam; bảo vệ 4,87 triệu người dân (tương đương 6,96% người dùng Internet) trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Trước tình hình phức tạp của an toàn thông tin mạng hiện nay, các địa phương, trong đó có Yên Bái cần triển khai tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng an toàn thông tin cho người dân trên địa bàn tỉnh thông qua các hệ thống thông tin cơ sở, các kênh tuyên truyền như: Mạng xã hội, website, hệ thống thư điện tử, các ứng dụng thông minh, đồng thời huy động mạng lưới cơ sở như Đoàn thanh niên, các hội đoàn thể và các cơ sở đào tạo trên địa bàn để triển khai các hoạt động tuyên truyền, trang bị kỹ năng an toàn thông tin cho người dân.
Ngoài ra, tỉnh cũng nên tổ chức xây dựng một số nội dung tuyên truyền ấn tượng, phù hợp với đặc điểm, đặc trưng, bản sắc văn hóa của tỉnh để tạo hiệu quả cao và phạm vi tuyên truyền rộng đến mọi đối tượng của cộng đồng.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Duy Khiêm, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Yên Bái thông tin, bảo đảm an toàn thông tin mạng được tỉnh chú trọng. Đặc biệt là, việc đưa vào khai thác, sử dụng Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng (SOC) của Yên Bái bước đầu đóng góp vai trò quan trọng trong việc giám sát, ngăn chặn và phát hiện sớm các cuộc tấn công, mối đe dọa trên môi trường mạng. Năm 2022, hệ thống SOC đã phát hiện và xử lý 1.662 lượt máy tính bị nhiễm mã độc.
Tuy vậy, công tác đảm bảo an toàn thông tin đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có tình trạng nhận thức về an toàn an thông tin của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa đầy đủ; thiếu nguồn lực, giải pháp trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý các mối nguy hại mất an toàn thông tin.
Ông Lương Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ khẳng định, chuyển đổi số được địa phương này xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Nhiều hoạt động thúc đẩy xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội được thị xã tích cực triển khai.
Ba trọng tâm trong năm 2023 là chuyển đổi số lĩnh vực du lịch để tăng doanh thu và số lượng du khách; phát triển các hình thức thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt; phát triển chính quyền số, nâng cao tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.
“Bên cạnh việc hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi số, Nghĩa Lộ cũng đặc biệt chú trọng đến an toàn thông tin trên môi trường mạng. An toàn thông tin là chìa khóa để thị xã chuyển đổi số thành công”, ông Lương Mạnh Hà nhấn mạnh.
Làm gì để bảo vệ an toàn thông tin cá nhân trên Internet?
Tại Hội nghị, đại diện Cục An toàn thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái, Công ty Cốc Cốc đã thông tin đến đại biểu các nội dung chuyên đề như: "Giải pháp bảo đảm an toàn thông tin trong các cơ quan Nhà nước”; "Môi trường Internet an toàn: Giải pháp trong trường học”; "Kỹ năng bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng”… Ngoài ra, hướng dẫn cách nhận biết và phòng chống lừa đảo trực tuyến; hướng dẫn học sinh, sinh viên và người dùng tìm kiếm an toàn trên môi trường mạng.
Chia sẻ kỹ năng bảo vệ thông tin cá nhân, ông Đỗ Anh Tuấn, Cục An toàn thông tin cho rằng, cần hạn chế tối đa chia sẻ thông tin cá nhân, cân nhắc đưa thông tin cá nhân, đời tư lên mạng; sử dụng mật khẩu mạnh an toàn cho các tài khoản; chủ động nâng cao kiến thức bảo mật; đọc kỹ, hiểu các điều khoản trước khi sử dụng các dịch trên mạng; thiết lập quyền độ riêng tư cho các ứng dụng, dịch vụ sử dụng thông tin cá nhân; sử dụng công cụ diệt virus uy tín; kích hoạt tính năng xác thực 2 bước(nếu có); thường xuyên cập nhập hệ thống, và phần mềm
Về cách xử lý khi bị lộ thông tin cá nhân: Liên hệ với cơ quan chức năng, đơn vị liên quan ngay lập tức để báo cáo về việc bị lộ cá nhân; trường hợp lộ tài khoản thẻ ngân hàng, cần liên hệ ngay với ngân hàng để khóa thẻ lại và xin được cấp thẻ mới; luôn cẩn trọng, cảnh giác với cuộc gọi, nhắn tin chuyển tiền qua mạng ngay cả với người thân, bạn bè để phòng tránh trường hợp lừa đảo qua mạng xã hội.
Các chuyên gia của Cục An toàn thông tin cũng cho biết, lừa đảo trực tuyến là một hành vi gian lận trên mạng thông qua việc sử dụng các kỹ thuật công nghệ để lừa đảo người dùng trực tuyến. Điều này có thể bao gồm việc sử dụng các trang web giả mạo để đánh cắp thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng của người dùng, gửi email lừa đảo để yêu cầu thông tin nhạy cảm hoặc thuyết phục người dùng đóng tiền hoặc mua hàng hóa không tồn tại.
Công nghệ phát triển dẫn đến hình thức lừa đảo cũng gia tăng. Tính riêng trong năm 2022, có 3 nhóm hình lừa đảo chính gồm 16 hình thức lừa đảo. Đó là, giả mạo thương hiệu của các tổ chức gửi SMS lừa đảo; giả mạo các trang web, blog chính thống để thu thập thông tin; trừ tiền khi nghe điện thoại từ số máy lạ; chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội để nhắn tin lừa đảo bạn bè, người thân;
Bên cạnh đó, lừa đảo bán hàng online kém chất lượng; giả mạo trang cá nhân, tài khoản của người dùng để lạm dụng uy tín, sự nổi tiếng để lừa đảo; Bẫy tình qua các ứng dụng, nền tảng hẹn hò; thông báo trúng thưởng, quà tặng; lừa đảo chèn mã độc, đường link độc hại, phần mềm độc hại; lừa nâng cấp SIM từ 4G lên 5G để chiếm đoạt thông tin; Giả mạo email ngân hàng, ví điện tử...; lập sàn đầu tư tiền ảo, đa cấp...
Để bảo vệ an toàn thông tin cá nhân trên Internet, đại diện Cốc Cốc chia sẻ thêm, cần hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên internet (email, số điện thoại, cmnd/cccd... ); cảnh giác với các email lạ, nhờ trợ giúp từ người có chuyên môn về IT để xác minh; cập nhật phần mềm cho máy tính, điện thoại thường xuyên; lưu ý và làm theo các thông báo về an toàn thông tin trên hệ điều hành và trình duyệt (Cốc Cốc ).
Quỳnh Nga
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|