Dù đang “ôm” chục nghìn tỷ nợ trái phiếu, Becamex vẫn muốn huy động vốn qua kênh này |
Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex, HOSE: BCM) vừa thông qua phương án phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ trong năm 2023. Hiện doanh nghiệp chưa công bố mục đích phát hành trái phiếu, kế hoạch sử dụng vốn, tài sản đảm bảo và phương án chi trả tiền gốc, lãi trái phiếu.
Đáng chú ý, trước đó, một kế hoạch huy động vốn tương tự đã được HĐQT Becamex thông qua vào năm 2022. Tuy nhiên, do kênh huy động trái phiếu gặp nhiều thông tin không thuận lợi, kế hoạch này đã không được thực hiện.
Đầu tháng 6 vừa qua, Becamex đã thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 1 năm 2023 với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng. Số tiền huy động từ đợt phát hành trái phiếu dự kiến được Becamex IDC thanh toán một phần hoặc toàn bộ số tiền gốc và lãi đến hạn của các khoản nợ trái phiếu của công ty.
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản bảo đảm thuộc sở hữu của Becamex với kỳ hạn không quá 2 năm. Lãi suất tối thiểu dự kiến cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên là 13%/năm, cứ ba tháng trả lãi một lần. Mức lãi suất của các kỳ tính lãi tiếp theo sẽ bằng tổng của 3,5% và lãi suất sản phẩm tiết kiệm trung dài hạn linh hoạt VNĐ kỳ hạn 12 tháng của Ngân hàng MB Bank.
Dòng tiền thanh toán trái phiếu sẽ đến từ nguồn thu từ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, các dự án khác thuộc Becamex và nguồn thu hợp pháp khác từ hoạt động kinh doanh của công ty.
Theo báo cáo tài chính quý I/2023, tổng nợ vay của Becamex lên tới 16.488 tỷ đồng. Theo dữ liệu của Kinhtechungkhoan.vn, đây là khoản nợ cao thứ ba trong số các khoản nợ của 15 doanh nghiệp địa ốc lớn nhất sàn chứng khoán. Tại thời điểm ngày 31/3/2023, nợ vay ngắn hạn là 5.639 tỷ đồng, tăng 12,2% so với đầu kỳ. Cùng với đó, nợ vay dài hạn cũng duy trì ở mức cao, lên tới 10.849 tỷ đồng.
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của Becamex không có quá nhiều biến động, đạt 17.692 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ vay nợ/vốn chủ sở hữu là 0,92 lần, cho thấy doanh nghiệp này khá mạnh tay khi sử dụng đòn bẩy tài chính.
Becamex một trong những doanh nghiệp vay nhiều và mạnh tay dùng đòn bẩy tài chính nhất thị trường bất động sản |
Về dư nợ trái phiếu, tại thời điểm 31/03/2023 tổng dư nợ trái phiếu của Becamex là hơn 9.882 tỷ đồng. Trong đó, tổng trái phiếu thường dài hạn đến hạn trả là gần 918 tỷ đồng, bao gồm hơn 399 tỷ đồng phát hành cho CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và hơn 518 tỷ đồng cho các cá nhân khác.
Dư nợ trái phiếu thường dài hạn khoảng 8.964 tỷ đồng, mà trái chủ là các ngân hàng MB Bank, BIDV, Shinhan bank, TP Bank, Navibank, Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam, Công ty Liên doanh Quản lý Quỹ đầu tư Chứng khoán Vietcombank,…
Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ quý I/2023, chỉ tính riêng tiền được dùng trả lãi vay trong kỳ đã lên tới gần 469 tỷ đồng, cao hơn 15% so với cùng kỳ. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi ngày Becamex phải mang 5,2 tỷ đi trả lãi vay.
Kết thúc 3 tháng đầu năm, lưu chuyển dòng tiền kinh doanh của Becamex âm tới gần 1.238 tỷ đồng, cho thấy công ty đang thiếu hụt lượng tiền mặt rất lớn. Tuy vậy, báo cáo tài chính của Becamex vẫn khẳng định, doanh nghiệp có khả năng trả nợ.
Về tình hình kinh doanh, kết thúc quý I/2023, Becacmex thu về 791 tỷ đồng doanh thu, giảm 45% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ bất động sản giảm 58%, xuống còn 446 tỷ đồng.
Mặc dù doanh thu giảm mạnh, nhưng các loại chi phí trong kỳ của công ty này vẫn duy trì ở mức cao, lên tới 191 tỷ đồng. Trên thực tế, con số này đã giảm 28% so với cùng kỳ, nhưng vẫn chưa đủ để làm giảm áp lực lên doanh thu.
Doanh thu “đi lùi”, chi phí không được tiết giảm, làm lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này “bốc hơi” tới 78%, chỉ đạt vỏn vẹn 74 tỷ đồng.
So với kế hoạch kinh doanh năm 2023 với chỉ tiêu doanh thu ở mức 9.460 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.263 tỷ đồng thì kết thúc 3 tháng đầu năm, Becamex mới chỉ hoàn thành được 3,3%.
Thái Hà
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|