Để thúc đẩy chuyển đổi số, một trong những vấn đề cốt lõi là cơ sở dữ liệu. Chính vì vậy, NHNN đánh giá cao Bộ Công an đã rất chủ động, nhanh chóng đề xuất với Chính phủ Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia (Đề án 06). Đề án mở ra nhiều cơ hội cho các bộ, ngành, địa phương có điều kiện thúc đẩy chuyển đổi số trong bộ, ngành, địa phương mình. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Từ góc độ ngành Ngân hàng, Ban Lãnh đạo NHNN luôn nhận thức sâu sắc chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Bởi vậy, ngay sau khi Đề án 06 được ban hành, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai Đề án 06 và đã thành lập Tổ công tác để phối hợp với Bộ Công an triển khai quyết liệt.
Thống đốc cho biết, triển khai Đề án 06, dưới góc độ ngân hàng trung ương, NHNN đã hoàn thành triển khai hệ thống dịch vụ công đảm bảo kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; được Bộ Công an đánh giá đảm bảo an toàn thông tin; từng bước triển khai làm sạch cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng khách hàng và đã tiến hành làm sạch dữ liệu 15 triệu hồ sơ khách hàng trên tổng số 51 triệu hồ sơ trong cơ sở dữ liệu của Trung tâm tín dụng quốc gia (CIC); Bước đầu phối hợp, triển khai tiến tới kết nối cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác phòng, chống rửa tiền.
Đối với kết nối Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư để thúc đẩy các hoạt động của tổ chức tín dụng trên kênh số. Thống đốc cho rằng đây là vấn đề quan trọng, được Bộ Công an rất quan tâm, phối hợp triển khai, bởi nếu làm tốt sẽ góp phần cung ứng dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp một cách thuận tiện.
Về vấn đề này, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phối hợp với C06 - Bộ Công an nghiên cứu triển khai các giải pháp xác thực khách hàng qua thẻ CCCD gắn chip, ứng dụng phần mềm VNeID và kết nối khai thác cơ sở dữ liệu ứng dụng trong một số nghiệp vụ của ngân hàng thương mại,… Việc xác thực chính xác người sử dụng dịch vụ ngân hàng rất quan trọng, góp phần ngăn ngừa tội phạm, lừa đảo, vừa giúp các ngân hàng kiểm soát rủi ro trong hoạt động, vừa giúp đảm bảo an toàn tài sản cho doanh nghiệp và người dân – Thống đốc nhấn mạnh.
Đến nay, một số ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, Vietinbank đã kết nối, triển khai thí điểm trong giao dịch nộp, rút tiền, triển khai luồng giao dịch nội bộ, dịch vụ mở tài khoản… trên cơ sở xác thực khách hàng trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng hoạt động này.
Hiện nay có 120 triệu tài khoản thanh toán tại các tổ chức tín dụng và 51 triệu hồ sơ khách hàng tại CIC với lượng giao dịch lên tới 30 tỷ đô la Mỹ/ngày qua hệ thống ngân hàng, thì việc ứng dụng các giải pháp trên sẽ giúp các giao dịch được thuận tiện, phòng tránh tội phạm, lừa đảo.
Một nội dung quan trọng khác là việc các ngân hàng hướng đến việc cung cấp tín dụng trên cơ sở số - nghĩa là khách hàng không cần đến ngân hàng mà vẫn được vay tín dụng. Một số ngân hàng đã phối hợp với C06 thử nghiệm hệ thống chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư của Bộ Công an. Qua đó, có thể cho vay tín chấp - bước đầu là đối với các món vay giá trị nhỏ.
Đây cũng là vấn đề mà Bộ Công an, đặc biệt là Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an rất quan tâm thúc đẩy triển khai để góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen. Đồng thời, vấn đề này nếu làm tốt cũng sẽ giúp giảm chi phí hoạt động ngân hàng khi cho vay các món nhỏ, từ đó giảm lãi suất cho vay với tín dụng tiêu dùng.
Bởi vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện cho vay tín chấp với dân cư, tại cuộc họp tổ chức ngày 22/02 vừa qua, lãnh đạo NHNN và Bộ Công an đã thống nhất chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan của hai bên tích cực phối hợp triển khai. Ngay trong quý I/2023 này, NHNN sẽ ban hành thông tư sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, theo đó cho phép cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử.
Việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cho vay tiêu dùng thành công sẽ tạo cơ sở để tiến tới cho vay các doanh nghiệp khi có cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp được kết nối với các hệ thống khác.
Thống đốc cho biết, trong năm 2023, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: kết nối, khai thác các thông tin, cơ sở dữ liệu xuất nhập cảnh phục vụ công tác phòng chống rửa tiền; Mở rộng các giải pháp giúp xác thực khách hàng qua CCCD gắn chíp ứng dụng phần mềm VNeID, kết nối cơ sở dữ liệu để đa dạng hóa các dịch vụ khác; chú trọng hoàn thiện hành lang pháp lý về cho vay và mở tài khoản để có thể xác thực chính danh khách hàng khi thực hiện,…
Theo sbv.gov.vn
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|