Mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả

(Banker.vn) Sáng ngày 14/4/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành Ngân hàng về “Công tác tín dụng và triển khai Thông tư 03/021/TT-NHNN”. Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú; Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh; Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn.

Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong quý I/2021, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng bám sát theo định hướng, chủ trương của Chính phủ. Nhìn chung, cơ bản thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định và lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu Quốc hội đề ra. 

Tín dụng tăng trưởng khả quan

Báo cáo hội nghị về điều hành tín dụng trong những tháng đầu năm, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Tuấn Anh cho biết, bước sang năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, bám sát những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 7/1/2021 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2021.

Ban lãnh đạo NHNN tham dự và điều hành hội nghị

Theo đó, định hướng mức tăng trưởng tín dụng năm 2021 khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, NHNN đã chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, chủ động xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

“Với các giải pháp tổng thể của Chính phủ, cùng với các giải pháp đồng bộ của ngành ngân hàng thời gian qua đã tạo đà góp phần phục hồi tăng trưởng tín dụng”, ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.

Qua theo dõi diễn biến tín dụng, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, tín dụng tăng trưởng dương ngay từ đầu năm (tháng 1 tăng 0,76%; tháng 2 tăng 0,66%), tín dụng tăng thấp trong tháng 2 do bùng phát dịch COVID-19 và cải thiện rõ rệt trong tháng 3/2021 đạt 2,93%, cao hơn cùng kỳ 2020 (1,3%), góp phần hỗ trợ tăng trưởng GDP quý I/2021 đạt 4,48%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tiếp tục được kiểm soát.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế phát biểu

Trong quý I/2021, các TCTD cũng đã quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, cụ thể: Tính đến cuối tháng 3/2021 đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 263 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ hơn 353 nghìn tỷ đồng. Miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn hơn 660 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1,27 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, các TCTD đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 3 triệu tỷ đồng cho trên 452 nghìn khách hàng.

Đối với chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, tính đến ngày 31/1/2021 (thời điểm dừng giải ngân theo quy định), NHNN đã giải ngân cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với tổng số tiền 42,9 tỷ đồng. NHCSXH đã cho vay trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố, với dư nợ 41,82 tỷ đồng đối với 245 người sử dụng lao động trên 11.276 người lao động ngừng việc; Dư nợ của chương trình tại NHCSXH đến nay là 39,66 tỷ đồng.

Thông tư 03 đáp ứng được kỳ vọng của các TCTD

Đồng thời, đảm bảo mục tiêu hỗ trợ đúng đối tượng, không để lợi dụng chính sách trục lợi, gây rủi ro cho hệ thống các TCTD theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của Bộ Tài chính. Theo đó, Thông tư 03/2021/TT-NHNN được ban hành có sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi; quy định về phân loại, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo hướng chặt chẽ hơn. Phổ biến, triển khai Thông tư 03/2021/TT-NHNN tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Du, Quyền Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết, Thông tư 03/2021/TT-NHNN được xây dựng với định hướng tiếp tục tạo điều kiện, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua dịch COVID-19, thông qua việc mở rộng phạm vi số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ (theo hướng điều chỉnh kéo dài một số mốc thời gian về giới hạn thời gian khoản nợ phát sinh và giới hạn thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ so với Thông tư 01/2020/TT-NHNN).

Đánh giá cao việc NHNN ban hành Thông tư 03, bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, các TCTD đều đánh giá Thông tư 01, Thông tư 03 đều hướng đến mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thực tế cho thấy, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến tất cả các ngành và lĩnh vực, trong đó ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành vận tải và dịch vụ lưu trú.

Cũng theo bà Hà, ngành vận tải đã có sự hỗ trợ từ chính sách (NHNN đã có hẳn thông tư riêng cho Vietnam Airlines), trong khi đó, ngành dịch vụ lưu trú vẫn còn nhiều khó khăn. Các TCTD hiểu Thông tư 03 áp dụng cho rất nhiều các ngành nghề, lĩnh vực. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực dịch vụ lưu trú nếu cho thêm 12 tháng kể từ ngày cơ cấu nợ thay vì 12 tháng kể từ ngày đáo hạn thì vẫn khó khăn. “Mong NHNN nghiên cứu có giải pháp cụ thể đối với lĩnh vực dịch vụ lưu trú”, bà Hà đề nghị.

“Thông tư 03 được ban hành dù hơi chậm so với mong mỏi của các TCTD song đáp ứng được kỳ vọng của các TCTD, giải quyết được các khó khăn, vướng mắc  cũng như tháo gỡ sự lúng túng cho các TCTD trong các hoạt động như: cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, miễn giảm lãi phù hợp…”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Tuy vậy, ông Hùng cũng cho biết, về bản chất ngân hàng cũng là doanh nghiệp và chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 nhưng đến nay ngân hàng chưa được hưởng chính sách hỗ trợ gì từ Chính phủ, kể cả việc cấp vốn điều lệ với NHTM nhà nước. Trong khi đó, ngân hàng vẫn phải thực hiện tiết giảm chi phí, cơ cấu nợ, miễn giảm lãi cho vay mới, điều chỉnh kỳ hạn nợ cho vay mới… cho khách hàng và phải loại dự thu đối với khoản nợ đã cơ cấu cho khách hàng. Như vậy, áp lực cho các TCTD là rất lớn.

"Nếu tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ cho ngành Ngân hàng bằng cách cho phép khoanh nợ với thời hạn tối đa là 2 năm. Nếu được như vậy sẽ giảm bớt khó khăn cho các TCTD và đảm bảo tính pháp lý khi cho vay mới đối với những khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”, ông Hùng đề nghị.

Toàn cảnh hội nghị

Điều hành chính sách tiền tệ sẽ bám sát với các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ

Tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, quan điểm của NHNN trong điều hành tăng trưởng tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng không gây lạm phát mạnh. Việc mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả. Bản thân các TCTD cũng phải tự điều hành dư nợ tín dụng của mình theo hướng lành mạnh, tăng trưởng đi đôi với chất lượng, phù hợp với cơ cấu nguồn vốn, phòng ngừa rủi ro để đảm bảo trong hoạt động luôn đáp ứng khả năng chi trả cho người dân trong bất kỳ thời điểm nào. Có thể nói, những giải pháp của Chính phủ nói chung và NHNN nói riêng đến nay được các tổ chức trong nước, quốc tế và người dân, doanh nghiệp thụ hưởng chính sách đánh giá là hiệu quả, kịp thời và thiết thực, hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

“Không đánh đổi lợi nhuận với rủi ro. Rủi ro của TCTD cũng là rủi ro với cả hệ thống ngân hàng”, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Với quan điểm đó, để góp phần đạt được mức tăng trưởng GDP năm 2021 là 6% theo mục tiêu Quốc hội giao và mức Chính phủ phấn đấu là 6,5%, trên tinh thần bám sát các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chỉnh phủ; các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2021 tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 07/01/2021, căn cứ diễn biến kinh tế vĩ mô và thực tế, NHNN sẽ tiếp tục:

Thứ nhất, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để điều hành tín dụng phù hợp theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.

Đồng thời, kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán. Tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng để kịp thời chỉ đạo các TCTD, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Thứ hai, tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về tín dụng ngành, lĩnh vực, hoạt động mua bán nợ của TCTD, hoạt động bảo lãnh,... phù hợp với thực tế.

Thứ ba, tích cực triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các ngành, lĩnh vực. Kịp thời phối hợp các Bộ, ngành liên quan xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Thứ tư, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Thứ năm, chỉ đạo các TCTD tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen; Tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

Thứ sáu, đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ bảy, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan trong việc xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến cấp tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực,....

Ngô Hải

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ 

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục