Mở ra cánh cửa mới trong hợp tác thương mại Việt Nam - Hungary

(Banker.vn) Chuyến thăm chính thức Hungary của Thủ tướng Phạm Minh Chính là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hungary.
EVFTA giúp hàng Việt Nam có chỗ đứng vững chắc tại Hungary Thủ tướng sẽ dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị WEF Davos 2024, thăm chính thức Hungary và Romania

Nhận lời mời của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, ngay sau khi kết thúc tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sỹ (WEF Davos 2024), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ thăm chính thức Hungary. Đây là hoạt động trao đổi đoàn ở cấp Thủ tướng Chính phủ đầu tiên giữa Việt Nam và Hungary trong 7 năm qua, có ý nghĩa quan trọng nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hungary.

Bộ Ngoại giao cho biết, Hungary là một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam sau khi Việt Nam giành độc lập. Nhìn lại chặng đường hơn 70 năm qua, Chính phủ và nhân dân Hungarry đã luôn dành cho Việt Nam những tình cảm và sự hỗ trợ to lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, trong giai đoạn đại dịch Covid-19 khi Việt Nam gặp nhiều khó khăn nhất, Hungary là một trong những nước đầu tiên hỗ trợ Việt Nam hàng trăm nghìn liều vắc-xin cùng nhiều trang thiết bị y tế, góp phần giúp ta sớm vượt qua dịch bệnh và mở cửa, phục hồi kinh tế.

Mở ra cánh cửa mới trong hợp tác thương mại Việt Nam - Hungary
Dù chịu tác động không nhỏ từ đại dịch Covid-19, giai đoạn 2020-2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Hungary đều đạt ngưỡng trên 1 tỷ USD trong 3 năm liền. Ảnh minh họa

Đáng chú ý, thời gian qua, Hungary đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU), nhất là trong quá trình đàm phán, ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Hungary là quốc gia thành viên EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định EVIPA.

“Chuyến thăm Hungarry của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tiếp tục triển khai một cách nhất quán chủ trương đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam, trong đó, tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác bạn bè truyền thống - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh và thông tin thêm, trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc, làm việc với các Lãnh đạo cấp cao của Hungary, thăm các địa phương, trường đại học, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp, gặp gỡ đông đảo bạn bè trong Hội hữu nghị Việt Nam với Hungary, gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại hai nước...

Đánh giá về tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước Việt Nam - Hungary nhất là trong các lĩnh vực hợp tác mới, Đại sứ Việt Nam tại Hungary Nguyễn Thị Bích Thảo cho biết, quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hungary đã có những bước phát triển tốt trong thời gian qua. Trao đổi thương mại hai chiều giữa hai nước từ 354 triệu USD trong năm 2017 đã tăng lên 1,2 tỷ USD trong năm 2022, đạt tốc tộ tăng bình quân 33%/năm trong giai đoạn này. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Hungary từ 207 triệu USD trong năm 2017 đến năm 2022 tăng lên 577,6 triệu USD, đạt tốc độ tăng trung bình 37%/năm.

Đáng chú ý, trong giai đoạn này, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt ngưỡng trên 1 tỷ USD trong 3 năm liền từ 2020 đến 2022, cho dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19.

Năm 2023, với tình hình khó khăn chung, hơn nữa nền kinh tế Hungary trong tình trạng suy thoái do tác động của thời kỳ hậu Covid-19 cũng như cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng đến kết quả thương mại hai chiều giữa hai nước. Ước tính, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hungary năm 2023 đạt khoảng 900 triệu USD, giảm khoảng 25% so năm 2022.

Mở ra cánh cửa mới trong hợp tác thương mại Việt Nam - Hungary
Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu truyền thống của Việt Nam có chỗ đứng nhất định tại thị trường Hungary, đặc biệt là mặt hàng gạo. Ảnh minh họa

Mặc dù kim ngạch còn thấp, nhưng một số mặt hàng nông sản xuất khẩu truyền thống của Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định tại thị trường Hungary, như: Hạt điều chiếm khoảng trên 40% thị phần, quế chiếm khoảng 18% thị phần, cà phê chiếm khoảng 13,8% thị phần, gạo chiếm khoảng 6% thị phần, hạt tiêu chiếm khoảng 5% thị phần.

Riêng với mặt hàng gạo, 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Hungary đạt 2,7 triệu USD, tăng 174% so cùng kỳ năm 2022, thị phần từ gần 2% năm 2022 đã tăng lên 6% trong năm 2023, là một trong những điểm sáng trong công tác xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu trong năm 2023. Ngoài ra, nhóm hàng linh kiện điện tử là nhóm hàng chủ lực của Việt Nam, có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, chiếm tỷ trọng cao nhất trong xuất khẩu của Việt Nam sang Hungary trong những năm gần đây.

Về đầu tư của Hungary vào Việt Nam, tính đến nay, Hungary có 22 dự án với tổng số vốn đăng ký 72,28 triệu USD, đứng thứ 51 trong 143 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có vốn đầu tư FDI vào Việt Nam.

Với dân số trên 9,6 triệu người, mặc dù được coi là thị trường nhỏ trong khối EU, nhưng kết quả thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hungary đạt được trong thời gian qua đáng ghi nhận, phản ánh tác dụng từ EVFTA mang lại” - Đại sứ Việt Nam tại Hungary đánh giá và kỳ vọng, thời gian tới, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Hungary sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng vốn có khi nền kinh tế Hungary sớm phục hồi cũng như sự nỗ lực và tận dụng tốt lợi thế EVFTA của doanh nghiệp hai nước.

Có thể thấy, những kết quả hợp tác đầy triển vọng suốt hơn 7 thập kỷ qua là cơ sở vững chắc để Việt Nam và Hungary tiếp tục hướng tới tương lai, thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác, thương mại Việt Nam - Hungary. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ đến Hungary sẽ góp phần gia tăng hơn nữa tin cậy chính trị, tăng cường và làm sống động quan hệ hữu nghị truyền thống, tích cực hỗ trợ lẫn nhau giữa Việt Nam với Hungary.

Đồng thời, thúc đẩy và đưa những lĩnh vực hợp tác truyền thống như kinh tế, thương mại, lao động, văn hóa, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực... sang một giai đoạn mới đáp ứng yêu cầu phát triển của mỗi nước. Cùng đó, chuyến thăm Hungary của Thủ tướng Phạm Minh Chính còn thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh như: Khoa học công nghệ, thông tin truyền thông, dược phẩm, đổi mới sáng tạo...

Khánh An

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục