Mẹo bảo quản bánh chưng - bánh tét an toàn, để được lâu trong dịp Tết

(Banker.vn) Tết Nguyên Đán đang đến gần và bánh chưng, bánh tét là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Vậy, làm thế nào để bảo quản?
Cách bảo quản bánh kẹo trong dịp Tết không bị chảy nước Cách lựa chọn thực phẩm an toàn cho ngày Tết Dịp Tết chơi hoa, cây cảnh gì để may mắn?

Bánh chưng thường được gói với số lượng nhiều để ăn vào dịp Tết. Tuy nhiên, để bánh chưng, bánh tét giữ được hương vị thơm ngon và an toàn cho sức khỏe trong thời gian dài, cần tuân thủ một số cách bảo quản đúng cách. Dưới đây là một số gợi ý hữu ích để bảo quản bánh không bị mốc và có thời hạn sử dụng dài.

Bánh chưng, bánh tét rất dễ bị thiu, mốc nếu không biết cách bảo quản. Ảnh minh họa
Bánh chưng, bánh tét rất dễ bị thiu, mốc nếu không biết cách bảo quản. Ảnh minh họa

Khi luộc bánh

Bánh chưng được nấu từ gạo nếp nên khi để lâu trong những ngày Tết hay có hiện tượng “lại gạo” (phần gạo nếp sống lại, cứng và không dính với phần nhân bánh).

Vậy nên cần chú ý khi gói bánh, không nên gói quá chặt tay vì dễ khiến cho gạo không nở, nhanh bị lại gạo, cứng bánh. Cũng không nên gói bánh quá lỏng tay khiến gạo nở bung, bánh bị mềm và nhanh bị mốc.

Trong quá trình nấu bánh nên luộc bánh trong thời gian dài sao cho bánh chín thật kỹ, đạt được độ mềm, ngon và giữ bánh được lâu hơn. Sau khi luộc xong, lấy bánh ra để hơi nguội sau đó đem bánh rửa trong một chậu nước sạch để gột trôi hết nhớt bám trên lá bánh.

Sau khi luộc bánh

Bánh chưng sau khi được luộc và rửa sạch, để cho bánh ráo nước ở nơi khô thoáng, tốt nhất là lót bánh bằng một tấm ván khô hoặc một tấm bìa dày. Xếp bánh thành nhiều lớp rồi dùng vật nặng ép chặt trong vài giờ để bánh ráo hết nước bên trong, phẳng đều và chắc mịn.

Đặt một tấm bìa lên bánh chưng, rồi dùng vật nặng đè lên để ép hết nước ra ngoài. Ảnh minh họa
Đặt một tấm bìa lên bánh chưng, rồi dùng vật nặng đè lên để ép hết nước ra ngoài. Ảnh minh họa

Lưu ý, nếu bỏ qua công đoạn này, bánh sẽ bị nhão và rất dễ thiu do lượng nước dư trong bánh khi luộc không được thoát ra ngoài.

Bảo quản bánh trong tủ lạnh

Bảo quản bánh chưng trong tủ lạnh là cách tốt nhất giúp bánh lâu hỏng, trong suốt những ngày Tết vì thời gian này thời tiết thường nóng, ẩm, dễ khiến bánh bị mốc, thiu khi để bên ngoài. Tuy nhiên, cách bảo quản này sẽ làm cho bánh chưng nhanh bị lại gạo hơn.

Có thể bảo quản bánh chưng ngày Tết trong ngăn mát tủ lạnh vào khoảng 5 – 10 độ C. Nếu không thể ăn hết một cái bánh, nên bóc vỏ phần bánh có thể ăn, phần còn lại bọc kỹ bằng màng bọc thực phẩm.

Tránh bóc hết bánh mà không ăn hết, để bánh trần như thế sẽ nhanh cứng lại và bị ám mùi các loại thực phẩm khác trong tủ lạnh. Bánh chưng lấy ra từ tủ lạnh nên hấp lại trước khi ăn để bánh nóng, mềm và ngon hơn.

Để giữ bánh tét không bị hỏng trong 2-3 ngày, bạn nên treo bánh nơi thoáng mát. Ảnh minh họa
Để giữ bánh tét không bị hỏng trong 2-3 ngày, nên treo bánh nơi thoáng mát. Ảnh minh họa

Bảo quản ngoài trời

Có thể bảo quản bánh chưng ở nơi khô ráo, thoáng mát khi thời tiết lạnh trong suốt nhiều ngày Tết. Xếp bánh trên bàn, dùng một lớp giấy báo bọc bên ngoài từng chiếc bánh giúp bánh để được lâu và không bị mốc.

Nếu không, đơn giản chỉ cần treo bánh lên cao ở nơi không ẩm ướt để bảo quản. Với nhiệt độ trung bình khoảng 20 độ C và việc bảo quản đúng cách, bánh chưng hoàn toàn có thể để được 7 ngày, đủ cho ăn một cái Tết sung túc và đầm ấm.

Cách bảo quản bánh chưng hút chân không

Việc hút chân không sẽ hạn chế oxy, ức chế quá trình phát triển của vi khuẩn, nấm mốc, kéo dài được thời hạn sử dụng. Nên người ta dùng phương pháp này để bảo quản bánh chưng được lâu giữ được màu lá tự nhiên, hương vị đặc trưng ban đầu và vỏ bánh sạch sẽ hạn chế được ruồi, kiến… đến gần.

Cần để bánh nguội hẳn trước khi cho vào túi để hút, với cách bảo quản này, bánh chưng có thể để ở nhiệt độ phòng, bảo quản được 5 – 10 ngày, tùy vào thời tiết tại khu vực.

Lưu ý khi bảo quản bánh chưng và bánh tét

+ Lá gói bánh dù là lá dong hay lá chuối đều cần phải rửa kỹ, trụng qua nước sôi và để ráo nước, như vậy bánh sẽ giữ được lâu hơn.

+ Sử dụng dao sạch để cắt bánh, tránh tình trạng dao còn bám thực phẩm hay bụi, dính vào bánh, như vậy dễ gây ra nấm mốc bên trong bánh.

+ Khi bánh xuất hiện nấm mốc nhẹ, thường thì lớp nấm này chỉ mới bám bên ngoài lá gói, hơ bánh trên lửa nhằm loại bỏ nấm mốc, dùng màng bọc thực phẩm gói bánh lại là có thể tiếp tục bảo quản.

+ Nếu bánh có tình trạng lại gạo (nếp bị khô, cứng), có thể mang bánh đi luộc (nếu chưa bóc bỏ lớp vỏ) hay hấp lại bánh.

Với các mẹo chọn bánh chưng làm sẵn an toàn cho ngày Tết trên đây có thể bảo quản bánh chưng, bánh tét lâu ngày mà không lo bị hỏng, ôi thiu, các bà nội chợ có thể áp dụng ngay cho dịp Tết sắp đến. Khi ăn, có thể dùng kèm với củ kiệu, dưa món hay thịt kho. Ngoài ra, còn có thể chiên bánh để đổi khẩu vị cho cả gia đình trong dịp Tết.

Theo các chuyên gia, thực phẩm đã mốc đều sinh ra độc tố Aflatoxin. Loại độc chất này có thể gây nên những ảnh hưởng bất lợi cho con người dùng, dễ gây ung thư, sau một thời gian dài tích tụ. Vì thế, tuyệt đối không ăn những thực phẩm đã bị nấm mốc.

Lê Nguyệt

Theo: Báo Công Thương