Mẹ vợ Phó tổng giám đốc ACB dự chi hàng chục tỷ đồng gom cổ phiếu

(Banker.vn) Ngày 25/6, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) đã có báo cáo liên quan đến giao dịch cổ phiếu tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, HOSE: ACB).

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Tố Lưu, mẹ vợ ông Nguyễn Văn Hòa - Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc, Giám đốc tài chính ACB đã đăng ký mua 6 triệu cổ phiếu ACB với mục đích nhu cầu cá nhân.

Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 28/6 đến 26/7, theo phương thức khớp lệnh/thỏa thuận. Trước đó, bà Lưu mới chỉ nắm giữ 833 cổ phiếu ACB, tương ứng tỷ lệ sở hữu là 0,00002%. Nếu giao dịch thực hiện thành công, bà Lưu sẽ nắm giữ tổng cộng hơn 6 triệu cổ phiếu ACB, tương ứng tỷ lệ 0,1343% vốn điều lệ, trong khi đó ông Hoà đang nắm giữ 388.260 cổ phiếu của ngân hàng này.

Mẹ vợ Phó tổng giám đốc ACB dự chi hàng chục tỷ đồng gom cổ phiếu
Theo thông báo giao dịch của bà Nguyễn Thị Tố Lưu.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 25/6, cổ phiếu ACB đang dừng ở mức 24.050 đồng/cp, tăng khoảng 20% so với thời điểm hồi đầu năm.

Tại diễn biến liên quan, ngày 3/6 vừa qua, ngân hàng ACB đã chốt danh sách cổ đông chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, đồng thời phát hành hơn 582,6 triệu cổ phiếu để chia cổ tức với tỷ lệ 15%.

Sau đợt phát hành, số cổ phiếu đang lưu hành của ACB tăng từ 3.884 tỷ cổ phiếu lên 4.447 tỷ cổ phiếu. Dự kiến cổ phiếu sẽ được chuyển giao trước ngày 30/6, sau khi Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam điều chỉnh Giấy chứng nhận Đăng ký Chứng khoán.

Sau khi hoàn tất việc phát hành, vốn điều lệ của ACB sẽ tăng lên 44.667 tỷ đồng, chính thức vượt qua Agribank, trở thành ngân hàng có quy mô vốn cao thứ 6 toàn hệ thống, sau VPBank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và MB.

Về tình hình kinh doanh tại ACB, trong quý đầu năm 2024, ACB ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng 8% so với cùng kỳ, đạt gần 6.722 tỷ đồng. Mặc dù vậy, lợi nhuận trước thuế đạt 4.892 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do tăng gấp đôi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng từ mức 256 tỷ đồng lên 512,2 tỷ đồng.

Tính đến 31/3/2024, tổng tài sản của ACB ở mức gần 727.298 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm. Cho vay khách hàng tăng 4% lên mức 506.112 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng tăng 2% lên mức 492.804 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu của ACB tại thời điểm cuối quý I/2024 là 7.348 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ tăng nhẹ từ mức 1,22% hồi đầu năm lên 1,47%.

Tỷ lệ ROE của nhà băng ở mức 23,4%, ở trong nhóm đầu ngành về độ hiệu quả. Số dư nợ xấu của ACB tăng thêm 24,8% lên 7.348 tỷ đồng. Hiện tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ACB vẫn được kiểm soát ở mức 1,45%. Nếu không gồm tác động của nhóm nợ theo CIC thì tỷ lệ nợ xấu của ACB chỉ là mức 1,3%.

Về kế hoạch kinh doanh trong năm 2024, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 22.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Tổng tài sản tăng 12% lên 805.050 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 11% lên 593.779 tỷ đồng. Con số lợi nhuận được đặt ra cùng với mức tăng trưởng cho vay khách hàng là 14% đạt 555.866 tỷ đồng. Đây là mức tăng trưởng tín dụng mà ngân hàng cho là phù hợp với tình hình thị trường, đồng thời tuân thủ theo hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Không phải lãnh đạo 'Big4', vị Chủ tịch Ngân hàng này mới là người có mức thù lao lớn nhất

Theo ghi nhận từ báo cáo tài chính năm 2023, mức thù lao cho vị Chủ tịch ngân hàng này nằm ở mức cao nhờ ...

Một cổ phiếu ngân hàng được khối ngoại mua ròng 20 triệu đơn vị chỉ trong 2 tuần

Cổ phiếu ngân hàng này chỉ ghi nhận 2 phiên bán ròng trong tháng 6.

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán