Vừa qua, bà Nguyễn Thị Lệ Dung, mẹ của ông Phạm Minh Tuấn Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Hải Phát (Mã: HPX) đã bán 1.216.600 trên tổng số 1.216.677 cổ phiếu HPX đã đăng ký. Giao dịch được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 8/12 đến 6/1.
Tạm lấy giá chốt phiên 6/1 là 4.700 đồng/cp, ước tính bà Dung đã thu về khoảng 5,7 tỷ đồng từ thương vụ thoái vốn. Sau giao dịch, lượng nắm giữ của mẹ Phó Chủ tịch tại HPX chỉ còn 77 đơn vị.
Cùng chiều, trong 2 ngày 27/12/2022 và 28/12/2022, ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch HĐQT Hải Phát đã bán 10 triệu cổ phiếu HPX, qua đó hạ sở hữu xuống còn 19,03% vốn điều lệ công ty.
Ngay sau đó, vị lãnh đạo này tiếp tục đăng ký bán thêm 8 triệu cổ phiếu HPX với mục đích cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ 5/1/2023 đến 3/2/2023. Nếu hoàn tất giao dịch này, tỷ lệ sở hữu của ông tại doanh nghiệp nhà sẽ giảm xuống còn 16,4% vốn điều lệ.
Hai tháng cuối năm 2022, khi diễn biến giá cổ phiếu HPX không mấy tích cực, ông Đỗ Quý Hải liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu.
Trong khi đó, ông Lê Tiến Hùng, anh trai ông Lê Việt Dũng - Thành viên HĐQT HPX, cũng đăng ký bán sạch 472.056 cổ phiếu đang sở hữu, tương đương 0,16% vốn, trong thời gian từ 30/12/2022 - 27/01/2023.
Ở chiều ngược lại, bà Bùi Thị Hải Yến - chị dâu Thành viên HĐQT - lại đăng ký mua khớp lệnh 20.000 cổ phiếu HPX trong thời gian từ 02 - 13//12/2022.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HPX trong xu hướng lao dốc từ đầu tháng 11/2022, chỉ vừa hồi phục trong những phiên đầu năm 2023. Phiên sáng 10/01, giá cổ phiếu HPX tăng trần lên mức 5.370 đồng/cp và cũng là phiên tăng trần thứ 2. So với đầu năm, mức giá này đã hồi phục gần 17% với thanh khoản bình quân trên 7,5 triệu cp/ngày.
Diễn biến giá cổ phiếu HPX trong vòng 3 tháng trở lại đây (Nguồn: TradingView) |
Tổng dư nợ 2.650 tỷ đồng dài hạn liên quan tới 8 lô trái phiếu
Tính tới 30/9/2022, Đầu tư Hải Phát đang có tổng dư nợ ngắn hạn và dài hạn là 4.754,7 tỷ đồng, chiếm 46,2% tổng nguồn vốn và bằng 1,31 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, 1.518,6 tỷ đồng là nợ ngắn hạn và 3.236,1 tỷ đồng là nợ vay dài hạn.
Theo thuyết minh của Báo cáo tài chính quý III/2022, Đầu tư Hải Phát đang có tổng dư nợ 2.650,04 tỷ đồng dài hạn liên quan tới 8 lô trái phiếu.
Cụ thể, lô trị giá 449,82 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Navibank; lô 349,79 tỷ đồng được tư vấn bởi Navibank; lô 300 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Smart Invest; lô 255,47 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán MB; lô 496,45 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Smart Invest; lô 298,73 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam; lô 249,78 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Dầu khí; và lô 250 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Bảo Việt.
Về tình hình kinh doanh của Hải Phát, quý III/2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần 725,7 tỷ đồng, tăng gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm 2021, lợi nhuận sau thuế đạt 92,9 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Hải Phát đạt gần 1.308 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 30%. Song, lợi nhuận sau thuế giảm 35% so với cùng kỳ, đạt hơn 123 tỷ đồng do chi phí tài chính lũy kế tăng cao.
Tính tới 30/9/2022, Hải Phát đang có tổng dư nợ ngắn hạn và dài hạn là 4.754,7 tỷ đồng, chiếm 46,2% tổng nguồn vốn và bằng 1,31 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, 1.518,6 tỷ đồng là nợ ngắn hạn và 3.236,1 tỷ đồng là nợ vay dài hạn.
Linh Đan
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|