Mê Linh, Hà Nội: Xử nhẹ vi phạm do nể nang họ hàng, làng xóm

(Banker.vn) Tình trạng vi phạm đất đai tại một số địa phương ở Hà Nội, trong đó có huyện Mê Linh chưa được xử lý triệt để do còn tình trạng nể nang họ hàng, làng xóm.
Dự án đường Vành đai 4 qua huyện Mê Linh sẽ hoàn thành các hạng mục trước tháng 3/2024 Hà Nội: Vụ trúng đấu giá đất hơn 4 tỷ đồng/m2 là do nhầm lẫn? Hà Nội: Huyện Mê Linh đấu giá 500 thửa đất gần Vành đai 4

Quá nửa quyết định xử phạt chưa được thi hành

Đây là một trong những tồn tại, hạn chế trong việc thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai tại huyện Mê Linh (Hà Nội), vừa được cơ quan chức năng kiểm tra và UBND TP. Hà Nội ban hành kết luận.

Theo đó, giai đoạn từ 1/1/2020 đến 31/12/2023, UBND huyện Mê Linh và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã phát hiện và xử lý 238 vụ việc. Cụ thể, đã ban hành 160 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và 78 quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Mê Linh, Hà Nội: Xử nhẹ vi phạm do nể nang họ hàng, làng xóm
Tình trạng vi phạm đất đai tại một số địa phương ở Hà Nội, trong đó có huyện Mê Linh chưa được xử lý triệt để do còn tình trạng nể nang họ hàng, làng xóm (Ảnh: Tạp chí Công Thương)

Trong đó, số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã thi hành xong 67/160 quyết định, chưa thi hành xong 93/160 quyết định. Số quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đã thi hành xong 67/78 quyết định, chưa thi hành xong 11/78 quyết định. Tổng số tiền phạt thu được là 185,5 triệu đồng. Số quyết định bị khiếu nại 21 quyết định, khởi kiện là 10 quyết định.

UBND TP. Hà Nội đánh giá, trong thời kỳ kiểm tra, UBND huyện Mê Linh đã cơ bản thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ quản lý nhà nước trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai.

Tuy nhiên, công tác thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại huyện Mê Linh còn để xảy ra nhiều tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn, việc xử lý vi phạm hành chính về đất đai của các đơn vị còn chưa quyết liệt, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực này chưa cao. Tỷ lệ chưa thi hành quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả còn nhiều.

Cụ thể, số quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa thi hành xong 93/160 quyết định (chiếm tỷ lệ 58,1%); số quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả chưa thi hành xong 11/78 quyết định (chiếm 14,1%).

Đáng chú ý, một số trường hợp vi phạm trên địa bàn huyện Mê Linh còn được áp dụng mức phạt dưới mức trung bình khung hình phạt, dù hồ sơ không có tình tiết giảm nhẹ. Đơn cử như trường hợp ông Nguyễn Văn Sang và ông Nguyễn Tiến Vụ cùng vi phạm điểm c khoản 3 Điều 9 Nghị định 91/2019/NĐ-CP có khung tiền phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng, mức phạt trung bình là 12,5 triệu đồng nhưng quyết định xử phạt cả 2 trường hợp này chỉ 7,5 triệu đồng.

Vẫn theo kết luận của UBND TP. Hà Nội, tại huyện Mê Linh có một số trường hợp vi phạm còn để quá thời hiệu, thời hạn ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, không áp dụng được hình thức phạt tiền, chỉ ban hành được quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của Điều 65 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài ra, còn có nhiều trường hợp khác chưa thi hành biện pháp phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả, người có thẩm quyền không ban hành quyết định cưỡng chế; nhiều trường hợp chưa thi hành biện pháp phạt tiền và không ban hành quyết định cưỡng chế đối với hình thức phạt tiền; nhiều trường hợp chưa thi hành biện pháp khắc phục hậu quả và không ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả…

Nguyên nhân do đâu?

UBND TP. Hà Nội xác định có nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, trong đó, một phần do trình độ, nhận thức cán bộ công chức trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai còn hạn chế, chưa được đầu tư thích đáng để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng xử lý vụ việc, còn để tình trạng xảy ra sai sót trong quá trình tham mưu, thiết lập hồ sơ vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai.

Một phần là văn hóa làng xã, quan hệ họ hàng, nể nang dẫn đến việc xử lý vi phạm có nơi còn chưa triệt để, áp dụng mức phạt chưa đúng với tính chất mức độ của hành vi vi phạm (nhiều hồ sơ áp dụng mức phạt không đúng với tính chất mức độ của hành vi vi phạm, không căn cứ vào tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để áp dụng mức phạt)…

Vẫn theo UBND TP. Hà Nội, để xảy ra những tồn tại, hạn chế, vi phạm nêu trên, UBND các cấp thuộc đối tượng kiểm tra cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

UBND TP. Hà Nội yêu cầu UBND huyện Mê Linh tổ chức thực hiện kết luận kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện kết quả kiểm tra trong thời gian 30 ngày kể từ ngày kết luận kiểm tra được ban hành.

Đồng thời, UBND TP. Hà Nội còn đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi Trường, Bộ Tư pháp rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; có các giải pháp phù hợp kiến nghị với Chính phủ nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, nhất là đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tính khả thi của các quy định, phù hợp với tình hình thực tế…

Phong Vân

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục